Phim hoạt hình Doraemon ra rạp lần đầu tiên vào năm 1980. Đến nay, gần như mỗi năm đều có một bộ phim ra mắt khán giả. Năm nay cũng không ngoại lệ. Ngày 3/3/2023 tới, bộ phim thứ 42 mang tựa Doraemon: Nobita's Sky Utopia (Doraemon: Nobita và vương quốc lý tưởng trên mây) sẽ chính thức ra mắt với cốt truyện thú vị, đầy hứa hẹn.
Ngay từ thời Ai Cập cổ đại, mèo đã rất thân thiết với chúng ta nhờ bản chất dễ thuần hóa, thông minh và nhanh nhẹn. Nhưng Nhật Bản được biết đến là đất nước vô cùng mê mèo, chúng xuất hiện trong mọi mặt của đời sống, từ các mô hình kinh doanh liên quan như quán cà phê mèo, trang phục mèo, trang sức mèo cho đến tượng mèo chiêu tài Maneki Neko hay trong nhiều manga (truyện tranh) và anime (phim hoạt hình).
Từ ngày lễ dành riêng cho mèo ở Nhật Bản
Hơn thế, nhiều chú mèo còn được giữ những chức vụ quan trọng, chẳng hạn như trưởng ga mèo Nitama, đang phụ trách tất cả các nhà ga của tuyến Kishigawa ở thành phố Wakayama… cùng rất nhiều đảo mèo (số lượng mèo lớn hơn con người) trên khắp đất nước Mặt trời mọc.
Không chỉ ngày nay, mà từ giữa những năm 1800, mèo đã tồn tại trong các tác phẩm nghệ thuật của Nhật Bản. Trong thời kỳ Edo (1603-1868), hai họa sĩ bậc thầy vĩ đại cuối cùng của thể loại tranh in ukiyo-e Nhật Bản là Hiroshige Utagawa và Kuniyoshi Utagawa, đều đã từng vẽ nhiều bức tranh về mèo. Hay trong thời kỳ Minh Trị (1868-1912), nhà văn có vai trò trụ cột của nền văn học hiện đại Nhật Bản Soseki Natsume đã viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng mang tựa Tôi là một con mèo.
Chính vì vậy, quốc gia này đã có hẳn một ngày lễ dành riêng cho mèo với tên gọi là Neko No Hi. Năm 1978, Nhật Bản đã tiến hành một cuộc bầu chọn trên khắp cả nước để tìm ra ngày thích hợp nhất làm ngày của mèo. Sau cùng, họ đã quyết định chọn ngày 22/2, lý do là trong tiếng Nhật Bản, số 2 đọc là "ni" nên ngày 22/2 là "ni ni ni", gần giống với "nya nya nya" (có nghĩa là meo meo).
Và cứ thế, mèo đã trở nên nổi tiếng hơn ở Nhật Bản do ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông. Ngoài các tác phẩm khác nhau trong quá khứ, sự xuất hiện của Doraemon là một trong những động lực to lớn cho niềm đam mê mèo của người Nhật.
Doraemon bùng nổ với tác phẩm hoạt hình
Một chú mèo đặc biệt đến từ nước Nhật và là thần tượng của biết bao thế hệ người hâm mộ trên khắp thế giới chính là Doraemon. Chú ra đời từ bộ truyện tranh được sáng tác từ năm 1969 của Fujiko Fujio - bút danh chung của hai họa sĩ Fujimoto Hiroshi và Abiko Motoo.
Doraemon đặc biệt vì là một chú mèo máy màu xanh dương, không có tai, rất thích ăn bánh rán và… sợ chuột. Chú đến từ thế kỷ 22 và quyết định đến sống cùng Nobita để giúp đỡ, hướng dẫn và chăm sóc cậu ta trong những lúc khó khăn.
Nguồn cảm hứng cho ý tưởng chú mèo máy cũng đến với các tác giả một cách rất tình cờ. Theo như lời kể của ông Hiroshi, trong một đêm ông đang tìm kiếm đề tài và nhân vật cho một bộ truyện tranh tâm đắc thì có một con mèo hoang nhảy vào nhà. Nó kêu vài tiếng rồi nhảy vào lòng ông mà ngủ. Do quá mệt mỏi, Hiroshi cũng thiếp đi lúc nào không hay. Sáng hôm sau thức dậy, ông vội vàng bước xuống cầu thang và vấp phải con lật đật của cô con gái. Từ đó sinh ra ý tưởng ra đời nhân vật Doraemon là kết hợp giữa mèo với lật đật.
Doraemon có một chiếc túi thần kỳ ở bụng, chứa rất nhiều thứ bảo bối ngộ nghĩnh và thường bị Nobita dụ dỗ cho mượn bằng cách hối lộ bánh rán. Loạt bảo bối của Doraemon luôn tạo nên những tình huống hấp dẫn cho câu chuyện và khiến người đọc không ngừng tò mò, thích thú.
Dù nhận được rất nhiều kỳ vọng, tập phim đầu tiên của Doraemon được phát sóng vào năm 1974 đã nhanh chóng dừng lại chỉ sau vài tháng ra mắt. Phải mất đến gần 6 năm sau để dự án truyền hình của Doraemon được khởi động lại, khác với thất bại ở lần đầu tiên, với những tập phim được trau chuốt hơn cả về nội dung lẫn hình ảnh thì chú mèo máy cùng với Nobita hậu đậu đã đem về thành công rực rỡ.
Vào thời điểm đó, Doraemon trở thành hiện tượng trên khắp nước Nhật nhờ vào hình ảnh chú mèo đến từ tương lai đầy mới lạ nhưng cũng rất gần gũi với các bạn nhỏ. Các tập phim về Doraemon liên tục được sản xuất và phát sóng trong hơn 20 năm liên tiếp, luôn nằm trong nhóm những tác phẩm có lượt xem đài cao nhất mọi thời đại của Nhật Bản.
Sẽ không quá khi nói nói rằng Doraemon và những người bạn của chú mèo đã góp phần rất lờn vào sự phát triển vượt bậc như ngày nay của nền công nghiệp hoạt hình tại đất nước hoa anh đào.
Và từ những mẩu chuyện giản đơn đó, Doraemon không chỉ mang lại cái nhìn lạc quan mới mẻ về cuộc sống tương lai, mà còn đưa ra rất nhiều bài học giá trị. Doraemon xứng đáng với danh hiệu là một trong những chú mèo được yêu thích hàng đầu thế giới và là biểu tượng văn hóa của đất nước Nhật Bản.
Hành trình chiếm lĩnh phòng vé
Phim hoạt hình Doraemon lần đầu tiên chiếu rạp vào năm 1980. Đến nay, gần như mỗi năm đều có một bộ phim được ra mắt khán giả. Đúng như một trong những ước mơ từ lâu của tác giả Fujiko Fujimoto: Mỗi năm sẽ có một bộ phim điện ảnh Doraemon được đến với khán giả.
Mỗi bộ phim Doraemon lại là những cuộc phiêu lưu khác nhau đến những vùng đất mới, những chuyến đi mang đến rất nhiều niềm vui và hồi hộp cho người xem.
Những bộ phim điện ảnh của Doraemon vào mỗi năm luôn nhận được sự chờ đợi rất lớn từ người hâm mộ ở mọi lứa tuổi. Đây luôn là tác phẩm đứng đầu phòng vé Nhật Bản khi công chiếu, đã có hơn 100 triệu lượt xem các tác phẩm điện ảnh của chú mèo máy tương lai tính đến năm 2015.
Tính đến năm 2020, các bộ phim Doraemon đã thu về tổng cộng 187 tỷ Yên (1,7 tỷ USD) trên toàn thế giới. Doraemon là thương hiệu phim tiếng nước ngoài có doanh thu cao nhất và là một trong những thương hiệu phim hoạt hình có doanh thu cao nhất trên toàn thế giới.
"Vương quốc trên mây" của Doraemon trong năm 2023
Ngày 3/3/2023 tới, bộ phim thứ 42 mang tựa Doraemon: Nobita's Sky Utopia (Doraemon: Nobita và vương quốc lý tưởng trên mây) sẽ chính thức ra mắt với cốt truyện thú vị, đầy hứa hẹn.
Bộ phim sẽ lấy bối cảnh ở một thế giới hoàn hảo đến không tưởng trên bầu trời, nơi mọi người cùng chung sống hạnh phúc; vùng đất mà được các nhà thám hiểm đánh đồng với các thành phố thần thoại khác như Atlantis hay Long Cung.
Doraemon và Nobita bắt đầu chuyến phiêu lưu đi tìm điều không tưởng với sự trợ giúp của một món đồ hoàn toàn mới là khí cầu thời gian - được trang bị chức năng bẻ cong thời gian.
Takumi Doyam sẽ ngồi ghế chỉ đạo bộ phim từ kịch bản do Ryota Kosawa chấp bút. Dàn diễn viên hiện tại của anime truyền hình đang đảm nhận lại vai diễn của họ trong phim. Ren Nagase của nhóm nhạc thần tượng Nhật Bản King & Prince sẽ lồng tiếng cho nhân vật hoàn toàn mới là Sonya.
Sonya được giới thiệu là "một người máy hình mèo hoàn hảo, sống ở thế giới trên bầu trời Paradapia". Lúc đầu, anh ta tấn công đám bạn của Doraemon như thể họ là kẻ thù, nhưng dần dần họ cởi mở hơn, đến với nhau và phát triển một tình bạn.
Tags