Ở xã hội ngoài kia có vô số đứa trẻ đã sụp đổ một cách từ từ mà không ai hay.
Thời đại ngày nay, điều kiện sống của chúng ta đã tốt hơn rất nhiều so với thế hệ trước. Nhiều phụ huynh có khả năng kinh tế mạnh hơn rất coi trọng sự phát triển và giáo dục của con cái.
Tất cả các bậc cha mẹ đều hy vọng con cái của mình có thể trở thành người thành công trong xã hội, và cha mẹ của Tiểu Ưu cũng vậy. Khi Tiểu Ưu còn rất nhỏ, bố mẹ cậu đã đăng ký cho con tham gia các lớp giáo dục sớm. Khi Tiểu Ưu lớn hơn và đi học mẫu giáo, những đứa trẻ khác đi học về có thể vui chơi với trẻ con hàng xóm, nhưng Tiểu Ưu cần học nhạc cụ, vẽ tranh và bơi lội, thậm chí còn đến trường nhiều hơn bình thường vào cuối tuần.
Khi Tiểu Ưu đi học tiểu học rồi trung học, cha mẹ lại càng kỳ vọng vào con hơn nữa. Cậu bé được đi học tại trường điểm với những giáo viên giỏi nhất và bạn bè cũng thông minh, xuất sắc như mình. Trong mắt người ngoài, cuộc sống của Tiểu Ưu rất hoàn hảo và cách dạy dỗ của cha mẹ vô cùng chu đáo.
Tuy nhiên, Tiểu Ưu không vui vẻ. Cho dù hàng ngày được ăn ngon, mặc đẹp, hưởng thụ cuộc sống vật chất thừa thãi, được quan tâm nhưng tâm trạng của cậu thiếu niên luôn tồi tệ.
Dần dần, giáo viên chủ nhiệm cảm nhận được sự bất thường của Tiểu Ưu nên đã liên lạc với phụ huynh học sinh. Cha mẹ của Tiểu Ưu vẫn rất quan tâm đến con và nói chuyện tâm lý. Thế nhưng cậu bé không sẵn sàng đối thoại trực tiếp mà đã gửi cho mẹ tin nhắn có nội dung: "Mẹ có thể sinh một đứa con khác không? Nếu vậy con có thể nghỉ ngơi rồi". Hóa ra đã từ lâu, cậu bé ấp ủ tư tưởng tự vẫn, tự kết thúc cuộc đời của chính mình.
Người ngoài sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao một đứa trẻ có cuộc sống hoàn hảo, điều kiện gia đình tốt như vậy mà lại "không biết suy nghĩ", muốn kết thúc cuộc đời mình? Thực chất, ở xã hội ngoài kia có vô số đứa trẻ đã sụp đổ một cách từ từ mà không ai hay như vậy.
Kỳ vọng quá cao của cha mẹ khiến trẻ kiệt sức
Các bậc cha mẹ ngày nay thường kỳ vọng quá cao vào con cái. Nguyên nhân của hiện tượng này là do cha mẹ thường so sánh "bây giờ" với "trước đây". Họ cảm thấy rằng chính mình ngày xưa đi học trong điều kiện thiếu thốn mà vẫn vượt khó được nên với điều kiện tốt hơn như bây giờ, các con đương nhiên phải đáp ứng được kỳ vọng cao hơn.
Nhưng trên thực tế, hầu hết các bậc cha mẹ đều đang đua nhau cho con nền giáo dục chất lượng tốt nhất, tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt. Những đứa trẻ khác cũng có thể xuất sắc tương tự vì học ngày học đêm. Cuối cùng, không đứa trẻ nào đáp ứng được kỳ vọng của phụ huynh, tức trở thành học sinh xuất sắc nhất.
Trong quá trình này, những đứa trẻ mỗi ngày đều lo lắng, khổ sở, mệt mỏi và tự trách mình làm không đu tốt. Đôi khi, cha mẹ càng đối xử tốt với chúng, kỳ vọng càng cao thì trẻ càng kiệt sức, cuối cùng kiệt quệ đến mức muốn từ bỏ chính mình.
Sự bao bọc quá mức của cha mẹ khiến con cái không thể chịu được sóng gió
Với sự phát triển của thời đại, quan niệm nuôi dạy con cái đã có những thay đổi lớn. Cha mẹ ngày nay quan tâm đến con cái nhiều hơn về mọi mặt từ giáo dục đến vật chất. Biến tướng của tình yêu này là nhiều cha mẹ rơi vào tình trạng "cầm trên tay sợ rơi, ngậm trong miệng sợ tan" đối với con mình.
Nhưng khi được bảo vệ quá mức, đứa trẻ sẽ mất đi ý chí - thứ cần được rèn luyện. Rất ít khi chúng gặp phải khó khăn, tình huống tâm lý thăng trầm rồi cho đến khi gặp phải một số cảm xúc tiêu cực thì không chịu nổi. Hiện tượng này ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, có thể khiến trẻ có những hành động hung hăng, phản kháng do sức chịu đựng tâm lý kém.
Cha mẹ sắp đặt quá nhiều khiến con cái không có cuộc sống riêng
Cha mẹ nào cũng muốn con sống tốt hơn mình. Vì vậy, họ thường đúc kết những "thất bại" trong cuộc đời của chính mình hoặc người xung quanh để rút ra bài học, giúp con thiết kế đường đời, để con tránh hoàn toàn những lựa chọn sai lầm đã trải qua.
Về bản chất, đây là tư tưởng tốt nhưng nhiều cha mẹ lại bỏ qua hai vấn đề. Thứ nhất, mọi thứ đều thay đổi. Thời đại luôn biến động và thế giới xung quanh người trẻ hiện tại đã khác so với thế giới trong quá khứ. Thế nên thế hệ mới có những quan điểm mới, thế giới quan mới và mong ước mới. Thứ hai, trẻ em có suy nghĩ cá nhân của riêng mình. Việc cha mẹ sắp đặt quá nhiều sẽ chỉ khiến họ cảm thấy cuộc sống của mình không có màu sắc, từ đó nảy sinh cảm xúc chán chường.
Cha mẹ yêu thương con cái không có gì sai, nhưng đồng thời cha mẹ cũng nên biết tôn trọng con cái, yêu thương đúng cách, cho con cuộc sống riêng, để con tự quyết định, để con tự trải nghiệm những khó khăn và tự mình trưởng thành một cách lành mạnh.
Nguồn: Sohu
Tags