MC Trấn Thành nói nhịu trên VTV: Lỗi 'lộng giả thành chân'

Thứ Bảy, 09/04/2016 11:40 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sự cố nói nhịu của MC Trấn Thành tại Bán kết 5 Viet Nam Got Talent tối 8/4 ngay lập tức được lan truyền rộng rãi trên mạng và được giật lên trên khá nhiều từ báo điện tử.

Nổi tiếng là người hoạt khẩu, có khả năng làm chủ sân khấu rất tốt, trong phần nhận xét về dàn hợp xướng, anh cất giọng khề khà, khá bình tĩnh nhưng bất ngờ nói xáo trộn các từ trong cụm “giao hưởng hợp xướng” thành cụm từ nhạy cảm khiến khán giả cười rộ lên và không ít người tỏ ra ngượng nghịu.


Hình chụp từ video clip

Rất đáng khen cho Trấn Thành. Trong tình huống hết sức oái oăm đó, anh vẫn bình tĩnh đọc lại từ “giao hưởng hợp xướng” một cách dõng dạc, và không quên nở nụ cười chữa thẹn “Các bạn làm tôi bối rối quá”. Thực ra, phải ngược lại mới đúng. Chính anh làm dàn hợp xướng bối rối trên sân khấu.

Lỗi của Trấn Thành nhẹ hay nặng, tùy theo quan niệm của mỗi người. Những ai đã từng lên sân khấu, chưa nói lên sóng trực tiếp, đều hiểu rằng, những lỗi “phát âm” như thế đều có thể xảy ra. Nếu thủ phạm không cố ý thì mọi người nên thể tất.

Nhưng nếu khắt khe hơn thì có thể thấy rằng, mặc dù lỗi do sơ ý, nhưng hậu quả thì khó lường. Chưa nói hàng triệu khán giả theo dõi qua sóng trực tiếp, cùng hàng triệu triệu khán giả tiếp tục “tua đi tua lại” clip này trên mạng, mà ngay tại sân khấu Got Talent thôi, Trấn Thành nghĩ sao khi anh buột miệng ra cái từ thô tục đó khi đối thoại với một bé gái. Bé gái như học trò đang kính cẩn nghe từng lời của người thầy – giám khảo Trấn Thành, mà lời đó lại hóa ra lời thô tục?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, mọi lỗi do sơ suất, nhất lại là sơ suất ở “tật máy” phát âm thì nên được bỏ qua, nên coi đó là tai nạn đáng tiếc, chỉ cần đề nghị “thủ phạm” rút kinh nghiệm chú ý kiểm soát ngôn ngữ tốt hơn thôi.

Song, câu hỏi tôi muốn đặt ra với Trấn Thành và tất cả các bạn: Vì sao lại có sự nhầm lẫn đó?

Tôi cá là đa số trong chúng ta đều hơn một lần nghe thấy, hoặc chủ ý nói xáo trộn các từ trong cụm “giao hưởng hợp xướng” thành ra từ mang nghĩa thô tục để... cười hềnh hệch với nhau.

Chắc Trấn Thành cũng từng như vậy.

Cũng chẳng sao, nếu người ta nói ra điều đó ở ngoài đời, khi bù khú tiếu lâm với nhau. Ấy nhưng, các cụ nói, “lộng giả thành chân” (đùa mãi thành thật) tuyệt đối đúng. Nếu chúng ta quen thói tiếu lâm cợt nhả với các từ như thế, thì đến lúc cần nghiêm túc, chúng ta lập tức bị nhịu.

Thậm chí đến lúc càng cố nghiêm túc, càng cố để không nhầm lẫn thì lại càng nhầm lẫn. Nó giống như một lời nguyền. Nó giống như lỗi nhầm chân phanh và chân ga khi lái xe trên đường phố. Đúng lúc quan trọng và nguy cấp thì lại nhầm lẫn.

Và nghe nói thì việc nói nhịu từ “giao hưởng hợp xướng” không xảy ra lần đầu. Và đồ rằng, nó còn tiếp tục xảy ra ở những nơi những lúc cần trang trọng.

Hà Nội đang vận động không nói tục, chửi bậy. Bộ Xây dựng ban hành thông tư cấm nói tục, chửi bậy trong chung cư. Còn cán bộ, công chức, viên chức trong công sở thì đã bị cấm nói tục từ lâu.

Có lẽ nên phát động phong trào không nói tục trong toàn bộ dân chúng, nhất là với các MC truyền hình và những người hay có cơ hội được lên sóng trực tiếp. Không bao giờ nói tục ở mọi lúc mọi nơi thì sẽ ít khi mắc vạ “sảy miệng” ở những nơi cần lịch sự, nhất là những nơi cần tuyệt đối “sạch” như sóng truyền hình trực tiếp.

Đông Kinh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›