(Thethaovanhoa.vn) - Trung bình 1 năm, Maria Sharapova đút túi 22 triệu đô la từ các nhà tài trợ bao gồm những tên tuổi lớn như Nike, Porsche, Tag Heuer, nhiều hơn hẳn tay vợt số 1 thế giới Serena Williams tới 11 triệu. Nhưng để đạt được đến cột mốc này, cô đã phải nỗ lực không ngừng.
Tuổi thơ vất vả
Giống như Serena, Masha bắt đầu chơi quần vợt ở Compton, California và có tuổi thơ không mấy dễ dàng. Cha mẹ cô phải chạy trốn đến Nyagan, Siberia 4 tháng sau vụ nổ Chernobyl gần như đã phá hủy quê nhà của họ ở Gomel. Trong khoảng thời gian vài năm sau đó, Sharapova phải di chuyển liên tục vòng quanh nước Nga. Khi cô mới 6 tuổi, huyền thoại quần vợt Martina Navratilova đã phát hiện thấy tài năng của cô khi Masha đang chơi trên một sân tennis ở thành phố nghỉ mát Sochi. Bà Navratilova đã ngay lập tức khuyên bố mẹ Sharapova cho cô đến học viện Nick Bollettieri ở Florida. “Điều duy nhất mà tôi có thể nhớ là lúc phải đóng gói mấy cuốn sách. Tôi cũng nói với mẹ rằng ít nhất tôi phải mang theo vài thứ gì đó liên quan đến quê hương mình”, Sharapova chia sẻ trên một bộ phim tài liệu của ESPN về tuổi thơ của mình.
Mẹ của tay vợt 28 tuổi đã không có được visa sang Mỹ. Thế nên cô cùng bố, ông Yuri phải bắt đầu cuộc sống mới ở nơi đất khách quê người. Suốt thời niên thiếu của Masha, cha cô đã phải làm rất nhiều công việc một lúc, cho một công ty xây dựng, lúc thì quét sàn trong các cửa hàng tạp hóa để trả học phí cho cô. Chính vì công việc bận bịu như vậy, 2 bố con rất ít khi gặp nhau và ông Yuri luôn phải ăn một mình, để đồ ăn lại cho con gái về hâm nóng sau. “Hầu hết thời gian, tôi chỉ một mình”, Masah bộc bạch. Nhưng sự cố gắng của họ đã được đền đáp. Ở tuổi 17, cô đã lên ngôi vô địch Wimbledon 2004 sau khi đánh bại Serena Williams. Sau đó không lâu, Masha thâu tóm luôn danh hiệu ở US Open. Kể từ đó, Sharapova cũng vô địch thêm 1 Australian Open và 2 lần lên ngôi tại Roland Garros, nâng tổng số danh hiệu Grand Slam lên con số 5.
Chơi quần vợt số 2, kiếm tiền số 1
Sau Wimbledon đó, Masha chỉ thắng được Serena thêm đúng 1 lần nữa. Thành tích đối đầu của họ tính đến nay là 17-2, Serena hoàn toàn vượt trội. Rồi những chấn thương từng khiến người ta phải lo sợ rằng có lẽ một Masha đỉnh cao sẽ không bao giờ trở lại nữa. Đã có thời gian Masha rơi khỏi Top 100 thế giới. Nhưng bản lĩnh và những nỗ lực phi thường của cô được đền đáp. Sharapova thậm chí vẫn thêm một lần lên ngôi số 1 thế giới trước khi lại tiếp tục làm cái bóng của Serena, tay vợt đã sở hữu 20 danh hiệu Grand Slam.
Số 2 thế giới không phải một ngôi vị mà Masha thực sự tự hào. Nhưng về khả năng kiếm tiền, thì chẳng có vận động viên nữ nào vượt qua được cô. Theo dữ liệu thống kê của Forbes, cô đã dẫn đầu danh sách này phải 10 năm nay. Năm 2014, Sharapova kiếm 22 triệu đô la Mỹ từ quảng cáo, trong đó gồm bản hợp đồng 70 triệu đô la kéo dài 8 năm với Nike cùng 5 năm gắn bó với Evian, cũng như hợp tác với Cole Haan, Tag Heuer và nhiều nhãn hàng khác.
Việc người ta ngạc nhiên nhất là Sharapova làm người đại diện cho Porsche, vốn là dòng xe thể thao dành cho phái mạnh. Và nhiều người không khỏi thắc mắc liệu Sharapova có thực sự… bán được ô tô không. Giáo sư Harvard Business School Anita Elberse, người đã viết một nghiên cứu năm 2010 về việc xây dựng thương hiệu Sharapova, đã phát hiện ra rằng một người nổi tiếng làm đại sứ hình ảnh có thể giúp cho lợi nhuận công ty tăng đến 4%. Như mối quan hệ giữa Nike và Sharapova thì hoàn toàn đôi bên cùng có lợi.
Không có nhiều thời gian cổ vũ người yêu Masha đã vào vòng 3 nhưng bạn trai của cô, Grigor Dimitrov thì đã bị loại tại vòng 3 vừa rồi trước Richard Gasquet. Mới đây, "cặp đôi vàng" của làng quần vợt cho biết họ luôn muốn được xem những trận người yêu thi đấu nhưng điều kiện không mấy khi cho phép. Grigor từng chia sẻ: "Tôi rất muốn xem cô ấy đấu nhưng tôi cũng phải chăm sóc cho cơ thể, luyện tập để chuẩn bị cho các trận đấu của mình. Sharapova thì bộc bạch: "Tôi thì luôn xem tất cả những trận đấu trong ngày, một vài phút gì đó. Anh ấy hay thi đấu cùng sân với tôi nên tôi cũng muốn xem để kiểm tra điều kiện sân và thời tiết." |
Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa
Tags