(Thethaovanhoa.vn) - Với bàn thắng duy nhất giúp U21 Anh hạ U23 Mỹ, James Wilson muốn gửi một thông điệp đến HLV Louis van Gaal rằng hãy tin tưởng vào khả năng săn bàn của anh. Nhưng rất có thể, thông điệp ấy sẽ tiếp tục bị bỏ ngoài tai.
Wilson chưa đá một phút nào ở mùa giải này, nhưng vấn đề không hẳn là do tuổi tác hay đẳng cấp của anh. Sự thật, những mẫu trung phong như Wilson sẽ không có chỗ trong sơ đồ của HLV Louis van Gaal.
Sự thất thế của những “số 9”
Trên tờ Guardian, ký giả Barney Ronay đã so sánh rằng: “Đòi hỏi Rooney đá trung phong bây giờ không khác gì bắt một người đàn ông trung niên bước lên sân khấu và nhảy disco”. Anh đã từng là một số 9 xuất sắc, song phần lớn sự nghiệp của anh là ở những vị trí khác. Chuỗi 10 trận tịt ngòi tại Premier League phản ánh sự sa sút đến tệ hại của Rooney cũng như hệ thống tấn công rất thận trọng xung quanh anh.
Tất nhiên, thế giới bóng đá đã thay đổi khá nhiều so với thời Man United sở hữu bộ tứ tiền đạo hàng đầu Cole-Yorke-Sheringham-Solskjaer. Bây giờ, hầu hết các đội đá với chỉ một tiền đạo, giống như những năm cuối ở triều đại Sir Alex. Bởi thế, xu hướng đào tạo và mua cầu thủ kiểu “số 10” hoặc “số 9 rưỡi” thịnh hành hơn hẳn là những “số 9”.
Mặc dù vậy, không có đội bóng lớn nào tại Premier League thể hiện thái độ anti-“số 9” như Man United của Van Gaal. Rooney, Martial, và Memphis Depay là sự kết hợp giữa kinh nghiệm, tốc độ và kỹ thuật, nhưng không ai trong số họ là một tiền đạo cắm thực thụ cả. Nên nhớ, Man City có Aguero và Bony, Chelsea mang về Falcao để hỗ trợ Diego Costa. Liverpool có Origi và Danny Ings dự bị cho Benteke. Arsenal đang bị chỉ trích vì không mua tiền đạo, nhưng họ vẫn có một trung phong thực thụ là Giroud, chứ không như Man United.
Tóm lại, sự thận trọng của Louis van Gaal đang dần giết chết phong cách Man United, đang khiến một đội bóng đã tạo dựng thương hiệu toàn cầu nhờ truyền thống tấn công, chỉ còn biết phụ thuộc vào một trung phong cũ kỹ và đã bị mai một kỹ năng săn bàn.
Vì sao Van Gaal không ưa “số 9”
Nỗi ám ảnh về cầm bóng chính là nguyên nhân khiến Van Gaal cảm thấy không cần thiết phải có một chuyên gia ghi bàn. Một cầu thủ như Chicharito, người sống giữa lằn ranh việt vị, một "poarcher" cổ điển rõ ràng không phù hợp với cách tiếp cận của Van Gaal, người luôn tâm niệm rằng: Phải ăn nhập vào hệ thống và cầm bóng tốt đã, rồi bàn thắng sẽ đến.
Vấn đề thứ hai thuộc về yếu tố khách quan: Hiện tại không có nhiều trung phong đẳng cấp để lựa chọn. Về mặt này, Arsene Wenger từng rơi vào tâm lý như Van Gaal. Theo ông tính toán, Karim Benzema là trung phong duy nhất có thể cải thiện hàng công Pháo thủ, nhưng mua anh thì quá khó. Man United đã tiêu tổng cộng 230 triệu bảng dưới thời Van Gaal, nhưng họ ngần ngại trong việc chi một phần trong số ấy cho một trung phong hạng khá kiểu như Gonzalo Higuain. Nó hoàn toàn khác với cái hồi Man United sở hữu bộ tứ Andy Cole, Dwight Yorke, Ole Gunnar Solskjaer và Teddy Sheringham - 4 cầu thủ đã ghi tới 548 bàn thắng tại Premier League.
Man United từng xây dựng lối chơi quanh những tiền đạo đa năng, đá lùi như Mark Hughes và Eric Cantona, cho đến khi ký hợp đồng với Andy Cole năm 1995. Từ Cole, Yorke, Ruud van Nistelrooy, Rooney (phiên bản năm 2011) và Robin van Persie, Quỷ đỏ đã trải qua gần 2 thập kỷ với những tiền đạo cắm đẳng cấp. Đáng tiếc, đó chỉ là quá khứ.
Nhưng cái khó cần phải ló cái khôn và một HLV đẳng cấp như Van Gaal cần sự nhạy cảm như thế. Ông sẽ phải học hỏi từ chính Sir Alex, người có linh cảm rất tốt trong việc tìm kiếm những con bài tủ để mang về chiến thắng. Robin van Persie ở mùa Hè 2012 là một minh chứng.
Anthony Martial có phải là lời giải?
9 4 chân sút của tuyển Anh chỉ ghi được 9 bàn ở 40 trận gần nhất tại Premier League. 548 Man United từng sở hữu bộ tứ đã ghi đến 548 bàn tại Premier League: Andy Cole-Dwight Yorke-Teddy Sheringham-Ole Gunnar Solskjaer. 258,7 Man United đã chi tới 258,7 triệu bảng dưới thời Louis van Gaal, nhưng không mang về một trung phong đẳng cấp nào. |
Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa
Tags