(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, cộng đồng mạng xã hội Facebook kêu gọi mọi người thay hình đại diện (avatar) với những khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia – không lái xe”, “Say xỉn lái xe là tội ác” và cùng hành động để thay đổi hành vi, vì một môi trường giao thông an toàn, văn hóa. Khi nhận thức còn chưa “chín”, nhiều người còn thờ ơ với chính mạng sống của mình và người khác, vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi có nồng độ cồn trong người vượt mức cho phép thì việc tìm một chế tài đủ sức răn đe là rất cần thiết.
*Chế tài chưa đủ sức răn đe
Phải nói rằng việc xử lý “ma men” tham gia giao thông là không hề đơn giản. Để xử lý được một trường hợp, lực lượng chức năng thường mất khoảng 30 phút, nếu đối tượng chống đối, phải mất nhiều thời gian hơn. Đã có một thời lực lượng chức năng tổ chức chốt chặn ở ngoài các quán nhậu và đã mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, biện pháp này bị khá nhiều người phản ứng, nhất là với người vi phạm và chủ các quán nhâu. Họ cho rằng đây là việc làm “phản cảm”. Trong khi ở nhiều nước hành vi uống rượu, bia (dù chỉ là chút ít, chưa nói đến mức "lơ mơ") nhưng vẫn lái xe được xem là vi phạm nghiêm trọng thì chúng ta vẫn đang loay hoay hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý tài xế uống rượu bia gây tai nạn.
“So với Việt Nam, quy định của pháp luật các nước mà chúng tôi tiếp cận đều cho rằng hành vi vi phạm nồng độ cồn là hành vi nguy hiểm nhất và người ta tập trung lực lượng để phát hiện xử lý. Đối với hành vi này, vi phạm đến mức độ nhất định là phải bị xử lý về mặt hình sự", Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), cho hay.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ở một số nước vi phạm nồng độ cồn ở mức cao có thể bị xử lý hình sự ngay, chưa cần gây hậu quả. Vi phạm nồng độ cồn cũng có thể bị tước giấy phép vĩnh viễn, tịch thu phương tiện và bắt lao động công ích.
Tại Nhật Bản, với nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện bị phạt tù từ 3 - 5 năm và nộp phạt một khoản tiền lớn, tương ứng 100-200 triệu đồng Việt Nam. Lái xe say rượu gây tai nạn sẽ phải ngồi tù 20 năm đối với tai nạn chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người. Tại Singapore người điều khiển phương tiện nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 mg/lít khí thở sẽ bị phạt tiền tương đương 85 triệu đồng Việt Nam và đối diện với 6 tháng tù giam. Nếu tái phạm lần hai, tài xế bị phạt tù từ 6 đến 12 tháng và phạt tiền tương ứng từ 50-130 triệu đồng Việt Nam, tái phạm lần ba bị phạt 510 triệu đồng và 3 năm tù, tước bằng lái vĩnh viễn. Nếu gây tai nạn do lái xe khi say rượu, tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chịu án tù từ vài năm tới vài chục năm.
Chỉ với nồng độ cồn vượt mức 0,05 mg/lít khí thở, lái xe Hàn Quốc sẽ bị quy vào tội hình sự, ngồi tù từ 3 năm trở lên và nộp phạt khoản tiền tương ứng 206 triệu đồng Việt Nam. Bằng lái sẽ bị thu hồi hoặc đình chỉ. Còn tạiTrung Quốc lái xe nếu bị phát hiện trong máu có nồng độ cồn từ 80mg/100ml máu trở lên sẽ bị tạm giữ 15 ngày, tước bằng lái xe và trong 5 năm không được cấp bằng trở lại. Lái xe say xỉn gây ra tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và ngồi tù.
Ở Việt Nam chế tài xử phạt hình sự hiện mới chỉ dừng lại với người gây ra tai nạn làm người bị nạn bị thương tích nặng hoặc tử vong. Chúng ta đang chủ yếu phạt tiền, song cũng có không ít trường hợp lái xe máy sau khi uống rượu bị phạt 4-5 triệu đồng mà xe của họ giá trị chỉ 2-3 triệu đồng nên họ đã bỏ xe luôn.
Theo Bộ luật Hình sự 2015, hành vi vi phạm về nồng độ cồn dẫn đến vi phạm giao thông là tình tiết tăng nặng hình phạt. Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã chia các khung xử lý vi phạm nồng độ cồn, song, mức xử phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm nồng độ của lái xe ô tô là 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng.
Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm việc lái xe ô tô có cồn trong cơ thể, đối với lái xe mô tô, xe gắn máy cũng chỉ ở ngưỡng không quá 50mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở nhưng vẫn còn không ít người điều khiển phương tiện sau khi đã uống khá nhiều rượu, bia, nhất là vào các dịp lễ, Tết.
* Mạnh tay với “ma men”
Khi gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện uống rượu bia, không ít ý kiến cho rằng cần nghiên cứu chế tài tịch thu phương tiện gây tai nạn giao thông hoặc người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, có khả năng uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông, an toàn xã hội; phải coi say xỉn lái xe là tội ác, tước bằng lái đối với lái xe uống rượu, bia rồi lái xe gây tai nạn chết người.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông, cho rằng Việt Nam là nước có lượng rượu bia tiêu thụ lớn, quyền tiếp cận với rượu, bia của chúng ta quá dễ so với các nước trên thế giới. Vì vậy, để giải quyết căn cơ tình trạng sử dụng rượu, bia mà vẫn lái xe, cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ và có hệ thống. Trong đó, việc đầu tiên cần phải làm là ban hành được luật liên quan đến tác hại của rượu, bia, đồ uống có cồn. Tiếp theo đó là sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hình phạt, chế tài xử lý vi phạm nồng độ cồn.
“Vi phạm về nồng độ cồn cần được xem là hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông, phải ngăn chặn ngay từ xa, từ khi chưa xảy ra tai nạn và kết nối giữa hình sự, hành chính và cả xử lý kỷ luật”, ông nói.
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông cũng nhấn mạnh đến việc bổ sung các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật của lực lượng chức năng, cần quy định về cưỡng chế khi lực lượng Cảnh sát Giao thông phát hiện lái xe có dấu hiệu vi phạm về nồng độ cồn, chẳng hạn có thể đưa về trụ sở Công an nơi gần nhất để kiểm tra, tạm giữ phương tiện, khi nào nồng độ cồn trở về trạng thái không vi phạm thì người đó mới được rời khỏi trụ sở. Vấn đề quan trọng là gắn chặt trách nhiệm của người điều khiển và tạo môi trường không dám vi phạm.
“Tăng nặng mức xử phạt đối với vi phạm nồng độ cồn nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn, đảm bảo hiệu lực thi hành và tính răn đe. Cơ quan quản lý giấy phép lái xe cần có các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ đối với những lái xe đã có vi phạm về nồng độ cồn, đặc biệt là đã gây tai nạn giao thông”, Đại tá Đỗ Thanh Bình nêu rõ.
Phó Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh nhận định, cần phải đa dạng hóa các hình thức xử phạt. Các quốc gia phát triển có bốn công cụ xử phạt là hình sự, giáo dục, hành chính, kinh tế. Việt Nam mới chú trọng vào hành chính, còn trách nhiệm hình sự mới chỉ xử lý khi tài xế uống rượu bia gây hậu quả. Về hình sự, cần xây dựng án lệ để xử lý những hành vi đặc biệt nghiêm trọng, kể cả khi chưa có hậu quả. Về hành chính, cần nghiên cứu có những mức phạt đủ mức răn đe. Lao động công ích thuộc về hình thức giáo dục, người vi phạm cần phải học lại và thi lại ở mức độ khó hơn người thường để đảm bảo không còn rủi ro khi cầm lái.
“Chúng ta cần sửa luật để tăng quyền cho lực lượng chức năng, để nhận thức người chống đối cũng phải thay đổi”, ông Trần Hữu Minh nói.
Chu Thanh Vân/TTXVN
Tags