"Nếu cảm thấy bản thân hay bị kích động bởi lời nói của người khác, cách tốt nhất là bình tĩnh, không bao giờ Vân vội vàng đáp trả. Vân thường sẽ giữ im lặng", Phi Thanh Vân nói.
Nghệ sĩ có cá tính mạnh trong Vbiz không thiếu, nhiều người chọn cách ăn miếng trả miếng ngay tức khắc, thậm chí, antifan dùng những lời lẽ "chợ búa" thì nghệ sĩ cũng dùng những ngôn từ thiếu văn minh để "đập lại". Tuy nhiên đáp trả với antifan thế nào khi bị họ công kích lại cho thấy rất rõ đẳng cấp của người nghệ sĩ nằm ở đâu.
Phi Thanh Vân được biết đến với danh xưng "nữ hoàng dao kéo", "nữ hoàng thị phi". Antifan của Phi Thanh Vân nhiều không đếm xuể. Tai tiếng và những lời mạt sát, chửi rủa Phi Thanh Vân không thiếu nhưng cách mà cựu siêu mẫu – diễn viên ứng xử với antifan và những thị phi đó lại khiến nhiều người phải suy nghĩ và… học hỏi.
Chia sẻ về điều này, Phi Thanh Vân bộc bạch: "Với Vân, từ khi bước chân vào nghề là diễn viên nhí tại nhà thiếu nhi quận 5, năm 1990, tuổi chỉ mới lên 8 lên 9. Vân đã phải đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều về việc tham gia nghệ thuật. Cứ như vậy lớn lên với nhiều ý kiến khen chê.
Trải qua không biết bao nhiều thăng trầm biến cố cuộc đời, Vân càng thấu hiểu sâu sắc một điều mà hiển nhiên cuộc sống của chúng ta, ai ai cũng phải đối diện đấy là không có ai được khen hết 100% và ngược lại.
Chúng ta có thể thấy từ cổ chí kim những vị vua và nữ hoàng giỏi nhất, quyền lực nhất cũng có nhiều lúc bị đưa ra những thị phi dù có hay không vẫn là những dấu chấm hỏi lớn.
Đến những năm gần đây khi mạng xã hội phát triển rầm rộ, thế giới gần như thu nhỏ lại chỉ bằng vài nút bấm bàn phím thì dù có làm ở vị trí cao nhất hay các bạn nghệ sĩ hoặc bất kỳ ngành nghề nào cũng có thể là một trong những nhân vật được khen hay chê trên các trang mạng xã hội.
Tuy nhiên Vân không muốn nói quá nhiều về những điều không mấy tích cực ấy. Vân muốn chia sẻ với một trái tim rất chân thành và thiện nhân, văn minh và yêu thương về vấn đề này.
Từ năm 2017, Vân đã tham gia rất nhiều khóa học thiền định từ ở Việt Nam lẫn nước ngoài như Thái Lan và Ấn Độ. Vân ngộ ra một điều đó là hãy yêu thương bản thân mình và yêu thương tất cả mọi người từ chính suối nguồn yêu thương vô bờ bến mà trời Phật và vũ trụ đã trao cho chúng ta từ khi ta mới sinh ra đã có.
Với Vân ở thời điểm hiện tại, việc tranh cãi hơn thua với mọi người là không bao giờ có bởi vì Vân đang sống với một tiêu chí giản đơn: "Nếu Vân muốn trái tim mọi người luôn yêu thương Vân. Vân cần đánh đổi bằng chính trái tim yêu thương của mình".
Dẫu biết tranh cãi là điều khó tránh khỏi ở đời nhưng để tổng hòa được mối quan hệ giữa người và người thì không thể bằng cách tranh cãi với nhau mãi được. Vân tin sẽ có nhiều bạn đọc đồng thuận với Vân về điều này.
Trên thực tế, con người không ai giống ai, vốn cùng cha mẹ sinh ra nhưng tính tình cũng đã khác nhau. Một cặp song sinh cũng chẳng thể giống nhau về tính tình dù dáng vẻ bên ngoài gần như 90% là giống.
Bên ngoài xã hội, chúng ta lại càng có rất nhiều sự khác biệt về lập trường quan điểm, hoàn cảnh xuất thân của từng người, môi trường sinh sống, học tập, dạy dỗ và cả kinh nghiệm sống trong quá trình phát triển bản thân, giá trị văn hóa tại mỗi khu vực, vùng miền hay quốc gia… với sự tổng hợp tất cả những điều trên thì khó tránh khỏi sự hiểu nhầm ý nhau.
Gặp nhau, biết nhau, yêu thương nhau, sống chung dưới một mái nhà còn xảy ra biết cơ man nào là mâu thuẫn, tranh cãi, nói chi đến chúng ta chỉ "vô tình lướt qua nhau" trên mạng xã hội.
Về mặt tâm lý học, những căng thẳng, xung đột trong quá trình giao tiếp và cuộc sống của mỗi người đều có, chỉ là ít hay nhiều mà thôi. Nhưng với xã hội hiện nay thì căng thẳng luôn rất nhiều vì vừa sau đại dịch lớn, mất mát và bi thương cộng với nền kinh tế cũng ảnh hưởng quá lớn.
Chính vì vậy khiến cảm xúc của con người bị đẩy lên cao trào, những trận cãi nhau trên mạng xã hội hay những tin tiêu cực nhan nhản hàng ngày như bị đổ thêm dầu vào lửa.
Rồi tiếp theo đó là những cơn giận dữ được dịp phát tán. Người thì đỏ mặt tía tai, người buông lời cay đắng. Và cả hai bên không ngừng công kích và chửi rủa lẫn nhau. Cuối cùng, cuộc giao tiếp bình thường đã biến thành cuộc cãi vã cả ở ngoài đời lẫn trên mạng xã hội. Chỉ khác nhau là thật và ảo mà thôi.
Mặt khác về tâm lý chung của con người, ai cũng muốn bảo vệ giá trị của bản thân mình, chính kiến của mình luôn được coi trọng và mong muốn mọi người ủng hộ.
Chúng ta không bao giờ thổ lộ hay nói ra những điều đó, nhưng rõ ràng trong tiềm thức chúng ta đều có tâm lý đề phòng và sợ người khác đánh giá thấp hoặc phủ nhận đối với quan điểm của mình.
Sau khi trải nghiệm qua những bài học thiền để cân bằng cảm xúc, Vân đã học được cách để tiếp cận những nguồn năng lượng tích cực và tránh xa mọi nguồn cơn có thể gây lên cảm xúc ngược lại.
Bên cạnh đó nếu cảm thấy bản thân hay bị kích động bởi lời nói của người khác, cách tốt nhất là nên bình tĩnh, không bao giờ Vân vội vàng đáp trả.
Vân thường sẽ giữ im lặng. Đấy cũng là lúc Vân chiêm nghiệm và nhìn sâu vào đứa trẻ bên trong mình. Chúng ta cũng có thể rèn luyện đếm từ 1 đến 20, rồi hãy tiếp tục trò chuyện để không bị cảm xúc tồi tệ chi phối.
Với một góc nhìn khác thì thắng thua ở đời cũng không làm chúng ta thêm thành công, giàu có hay hạnh phúc. Bên cạnh đó, là con người không ai hoàn hảo, khi chúng ta có thể nhẫn nại quan sát tìm kiếm những ưu điểm của đối phương, và nhìn khoan dung những nhược điểm của họ, chắc chắn chúng ta sẽ tránh được những xung đột không đáng có.
Một ngày, chúng ta đều chỉ có 24 tiếng như nhau nên Vân chọn giải pháp tập trung vào thiền định, hướng vào đứa trẻ bên trong mình. Chọn phương pháp sống vui vẻ, hạnh phúc nhất, hoàn thành mọi nhiệm vụ một cách xuất sắc nhất, luôn yêu thương cộng đồng và làm thiện nguyện từ tâm.
Bởi vì Vân luôn tâm niệm: con tranh cãi bố mẹ thì mang tội bất hiếu. Vợ chồng tranh cãi nhau thì hạnh phúc ngày một héo hon. Bạn bè tranh cãi thì mất đi tình bạn. Đối tác tranh cãi thì mất đi hợp đồng. Vậy nếu chúng ta làm điều ngược lại thì sẽ tuyệt vời biết bao.
Tức giận là bản năng, tĩnh lặng mới là bản lĩnh: Chỉ kiểu người sở hữu điều này mới có thể ung dung tự tại".
Tags