4 năm trước, khi chuẩn bị lên đường nhập học ở Học viện Múa Bắc Kinh, Tạ Thùy Chi đã có cuộc trò chuyện với TT&VH Cuối tuần. Lúc ấy, cô còn dè dặt với mọi dự định, và dường như cũng còn rất bé bỏng khi nói “Bố sẽ đưa em đi!”.
4 năm sau trở về, Thùy Chi vẫn được bố sang tận nơi đón về, nhưng ở cô đã không còn sự dè dặt và bé bỏng ấy nữa, thay vào đó là sự quyết đoán, chủ động. Tạ Thùy Chi một lần nữa trò chuyện với TT&VH Cuối tuần, một câu chuyện rất khác.
Tạ Thùy Chi trên sàn tập
* Chào Thùy Chi. Sau 4 năm, chị đã khác hẳn, cái khác nhìn thấy được là chị đang nỗ lực giới thiệu mình với công chúng trong chương trình múa mà chị đảm nhiệm tất tật các vai trò từ quan trọng tới ít quan trọng. Điều này trước đây không hề thấy ở chị, một người mà qua các cuộc nói chuyện, tôi cảm nhận là rất biết “đủ”. Điều gì làm chị thay đổi như vậy?
- Vị trí của một diễn viên rất khác với vị trí của người biên đạo. Trước đây, tôi không mạo hiểm, không liều vì vai trò diễn viên chưa cần tôi làm điều đó. Đến giờ, sau 4 năm học để làm công việc biên đạo, tôi muốn có sự thay đổi. Có lẽ chị ngạc nhiên vì vừa mới bắt đầu tôi đã làm một việc khá lớn nhưng tôi thì nghĩ, đây là thời điểm thích hợp cho việc đó. Tuy nhiên, tôi thực hiện chương trình này với sự động viên, hỗ trợ của rất nhiều người, nhất là anh Ngọc Anh - người cùng lên ý tưởng làm show và cùng đảm nhiệm tất cả các vai trò quan trọng trong chương trình, chứ không chỉ đơn độc có một mình.
* Tại sao tốt nghiệp diễn viên rồi biên đạo múa ở Trung Quốc mà chương trình đầu tiên của chị lại là múa đương đại?
- Với tôi, thu hoạch lớn nhất sau khi học về không phải là việc chọn thể loại ngôn ngữ múa gì mà là tư duy trong các tác phẩm như thế nào. Với vở diễn này, tôi hy vọng có thể truyền tải được nét đẹp của Việt Nam chứ không nhấn vào ngôn ngữ múa mà tôi đã theo học. Và vì tôi muốn hợp tác với biên đạo Ngọc Anh, cũng như thử sức mình ở một lĩnh vực mới, nên lựa chọn lần này của tôi là múa đương đại.
* Có khi nào còn vì lý do múa đương đại đang là mốt ở Việt Nam?
- Không hẳn thế. Múa đương đại mở ra mọi con đường. Tôi từng được xem qua các tác phẩm của anh Ngọc Anh, tôi thấy nó không chỉ hiện đại - tinh tế - sáng tạo, mà còn giúp khán giả đến gần hơn mới múa. Tôi có thể học ở đó tinh thần, thế mạnh và cách tư duy để tạo ra những tác phẩm tuy không phải là ngôn ngữ múa dân gian Việt Nam nhưng vẫn mang tâm hồn Việt.
Có thể nói không phải tôi chọn múa đương đại mà là múa đương đại đang mở ra một con đường cho phép tôi sáng tạo. Sau 4 năm học, tôi chọn con đường đã mở ra trước mặt mình và quyết thử sức với nó. Phép thử này có thể đúng hoặc có thể sai, điều đó sẽ thể hiện qua sự đồng cảm hoặc không đồng cảm của khán giả. Nếu tư duy của tôi đúng mà khán giả chưa cảm nhận thấy thì là cách làm của tôi chưa đúng, từ đó tôi cũng biết để điều chỉnh.
* Tại sao chị chọn Ngọc Anh để hợp tác chứ không phải Linh Nga, người bạn mà tên chị và tên cô ấy đã luôn gắn với nhau?
- Vì sao không phải là Linh Nga thì nếu mọi người hiểu được lý do vì sao tôi chọn ngôn ngữ múa đương đại cho chương trình này thì đó là câu trả lời của tôi.
Còn anh Ngọc Anh, giữa tôi và anh có một cơ duyên, chúng tôi cùng đi học vào năm 1998, tôi đi Quảng Châu, anh đi Hong Kong (Trung Quốc), nhưng cả hai đều chỉ biết tên chứ không hề biết mặt. Năm 2010 gặp lại, lúc anh Ngọc Anh về làm vở Mộc cùng với Arabesque, bố tôi nhận ra anh và 2 anh em có một cảm nhận gì đó thật sâu đậm về chữ “Duyên”.
Sau lần nhận tên, nhận cả mặt ấy, anh em chúng tôi cùng trò chuyện nhiều hơn và thấy có những điểm chung về tư duy sống lẫn tư duy nghệ thuật. Mặc dù vậy, chúng tôi chưa hề cùng nhau làm việc vì cứ lệch thời gian rảnh rỗi trở về. Đây là lần đầu tiên, hai chúng tôi cùng đưa ra ý tưởng, cùng biên đạo, biểu diễn cùng các anh chị Tố Như, Ngọc Khải, Chúc Quỳnh.
* So với chị của 4 năm trước, có vẻ như chị tự tin và mạnh dạn hơn…
- Tôi chín chắn, trưởng thành hơn nhưng sự mạnh dạn lại ít đi. Vì trước đây, còn trẻ thì điếc không sợ súng, cứ làm bừa đi. Được học nhiều, hiểu nhiều thì lại rụt rè, nhát tay. Chỉ có cái khác là trước đây tôi chỉ tập luyện, làm diễn viên, còn bây giờ tôi lại lao vào đủ thứ.
Hình ảnh trích từ vở múa Ta đã ở đó
* Thế còn đời sống của múa ở Việt Nam, chị có cảm nhận thấy sự thay đổi nào không?
- Dù đi học nhưng được nghỉ Hè tôi vẫn về và tham gia biểu diễn. Theo quan sát của tôi, múa ngày càng được khán giả quan tâm hơn, có một sự khởi sắc thật sự. Mấy tuần trước, tôi có tham gia cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo toàn quốc, tôi thấy tất cả đều tiến bộ rất nhiều về mọi mặt. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu những sân chơi, sân khấu cho múa chuyên nghiệp. Những vở múa mà đoàn Arabesque thực hiện được với sự nỗ lực rất lớn của bản thân các anh chị diễn viên, hay chương trình Sen của Nhà hát Bông Sen… đã thực sự phát triển được một lượng khán giả cho múa, tuy chưa thật nhiều.
* Chị học nước ngoài, hàng năm về vẫn biểu diễn cùng Arabesque nhưng sao vẫn muốn tham gia những cuộc thi, chị cần chứng tỏ điều gì ở những cuộc thi ấy?
- Đối với những cuộc thi, tôi không nghĩ đó là nơi để chứng tỏ mà là nơi để có trải nghiệm, rút kinh nghiệm và học hỏi. Nhưng tất nhiên lúc thi tôi cũng cực kỳ run.
* Tại sao?
- Run chứ. Sau khi đã tốt nghiệp biên đạo trở về, chắc chắn tôi sẽ yêu cầu cao hơn cho tác phẩm của mình, và hơn thế nữa là một cuộc thi chuyên nghiệp thì các tác phẩm đều sẽ bị “soi” rất kỹ. Bản thân tôi thì đã lâu rồi không múa solo, lại tự biên tự diễn, tự đứng vào tác phẩm nên sẽ không có được cái nhìn rộng, bao quát được như khi dựng cho diễn viên. Ban giám khảo lại toàn những cây đa cây đề, những người lớn trong nghề.
* Tôi thì lại lo những cây đa cây đề đó đã lạc hậu khi chấm tác phẩm của những người trẻ…
- Tôi không nghĩ thế. Các thầy các cô theo rất sát các xu hướng, thể loại mới. Biểu hiện là những tiết mục có đề tài xã hội đã được giám khảo đánh giá cao, có giải thưởng.
Tạ Thùy Chi bên bố mẹ: NSND Tạ Bôn và NSƯT Kim Dung
* Trong buổi họp báo công bố chương trình Ta đã ở đó, tôi thấy bố chị đã đến rất sớm, ân cần coi sóc con gái. Mẹ chị cũng vậy. Rồi nghe nói bố chị sang tận Bắc Kinh để đón chị về sau lễ tốt nghiệp. Cảm giác của chị thế nào vì sự lo lắng ấy, chị đã gần 30 tuổi rồi.
- Với bố mẹ, tôi lúc nào cũng bé bỏng. Hồi tháng 2/2009, bố đưa tôi đi, thời tiết Bắc Kinh lúc đó rất lạnh, trời rét căm căm. Một mình bố, dáng người nhỏ nhắn mà gồng lên che chở con gái. Cổng trường rất lớn, vắng vẻ, bố mặc chiếc áo choàng đứng chờ tôi học xong. Hình ảnh ấy làm tôi nhớ mãi. Buổi sáng trước khi đi học, bố hỏi “con thích ăn gì”, rồi ở nhà bố mua về, mua cả trái cây, nước trái cây để tôi đi học về ăn luôn cho nóng và không phải chờ đợi. Vì tôi có rất ít thời gian nghỉ trưa, chiều lại phải vào học. Lúc về bố cũng sang đón, nhưng là trời mùa Hè nên không khí ấm áp dễ chịu hơn, và lại là đón về nên cảm giác rất là hạnh phúc.
* Lần đi sau này có khác lần đi trước, khi chị đã trưởng thành?
- Khác nhiều đấy. Lúc trước còn nhỏ đi xa, tuy có nhớ nhà nhưng ký ức chưa đủ sâu sắc để thấy buồn, thấy nhớ nhiều. Hơn nữa, bên cạnh tôi còn có Linh Nga. Còn lần này, tôi đã lớn, ký ức đầy ắp nhiều thứ nên có nhiều lúc tôi thấy rất cô đơn. Trước đây ở ký túc xá với các bạn cũng không buồn, giờ phải ở một mình. Có lúc tủi thân lắm, cứ chiều tới là đi lang thang nhìn vào những cửa sổ sáng đèn của từng gia đình. Chỉ mong đến Hè để được về nhà, được diễn với mọi người.
* Bố mẹ chị có sốt ruột khi con gái đã xấp xỉ 30 mà vẫn “chưa đâu vào đâu” không?
- Bố mẹ tôi cũng không sốt ruột vì bố mẹ biết tính con. Lúc tôi đang chuyên tâm cho việc gì thì họ sẽ không làm tôi bị phân tâm, chỉ im lặng dõi theo.
* Thế chị đã tính gì cho chuyện riêng chưa?
- Phải lo cho chương trình đã. (Cười).
* Hy vọng sẽ có tin vui.
- Cảm ơn chị.
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần