Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Điện Biên, vào khoảng tháng 5/2010, Giàng A Chứ (tên gọi khác là Giàng A Xà) đã tham gia tổ chức do Tráng A Chớ cầm đầu với mục đích thành lập “Nhà nước Mông.”
Trong quá trình tham gia tổ chức, Giàng A Chứ đã tham dự 6 cuộc họp do Chớ chủ trì, bàn cách thành lập “Nhà nước Mông.” Tráng A Chớ đã soạn thảo ra một quyển tài liệu dùng để tuyên truyền lập “Nhà nước Mông.” Tổ chức này đã thực hiện đúc sao và hàm hiệu, phân công vai trò, vị trí những người tham gia tổ chức, trong đó Tráng A Chớ làm “Chủ tịch nước,” Giàng A Chứ có nhiệm vụ giúp việc cho “Chủ tịch nước” Tráng A Chớ.
Bị cáo Giàng A Chứ đã cất giấu một quyển tài liệu do Chớ soạn thảo, có nội dung tuyên truyền về Đạo Vàng Chứ, nói xấu Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, kêu gọi người Mông đi theo Vàng Chứ để thành lập “Vương quốc Mông.” Trong vụ án trên, các bị cáo Tráng A Chớ, Hờ A Phua... đã bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa trước đó.
Sau sự kiện tụ tập đông người chờ “xưng Vua,” gây mất trật tự an ninh tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé vào tháng 5/2011, bị chính quyền giải tán, ngày 20/2/2012, Giàng A Chứ bị khởi tố, sau đó bỏ trốn lên rừng.
Đến ngày 23/5/2013, Chứ đưa vợ con trốn sang Trung Quốc, bị Công an Trung Quốc bắt và trao trả cho Công an huyện Mường Nhé.
Tại phiên tòa, bị cáo Chứ đã thành khẩn khai báo và tỏ thái độ ăn năn hối cải. Để đảm bảo cho quyền lợi của bị cáo do là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức kém, lại không biết chữ, nên Hội đồng xét xử đã mời ông Giàng A Lử làm phiên dịch cho bị cáo.
Căn cứ các hành vi của bị cáo Giàng A Chứ, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đã tuyên bố bị cáo phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Giàng A Chứ 36 tháng tù. Đây là mức án thấp nhất trong khung hình phạt này do bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chưa có tiền án tiền sự, trình độ nhận thức kém.
Sau khi chấp hành hình phạt tù, bị cáo còn phải chịu 3 năm quản chế tại nơi cư trú.