Với những tính năng và tiện ích tích hợp, những chiếc điện thoại giờ đây còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc thuê thám tử hay các công ty theo dõi. Những smartphone trở thành vật chứng bất đắc dĩ trong những phi vụ đánh ghen đầy bi hài.
Dùng iPhone 4, bắt tại trận người yêu tới nhà nghỉ
Câu chuyện bắt đầu từ việc một thành viên mạng TinhT.. đưa lên một chủ đề đầy bức xúc sau khi phát hiện bị “cắm sừng”.
Vốn là dân công nghệ và cũng có điều kiện, anh chàng hay phải đi công tác xa này sắm hẳn cho người yêu một chiếc iPhone 4 để thi thoảng dùng tính năng FaceTime (chat video) cho đỡ nhớ.
Bẵng đi vài ngày, được hôm rảnh rang rủ người yêu đi chơi thì anh chàng bị chối khéo với lý do nhà nàng đang có việc bận, bố mẹ không cho đi. Tin lời người yêu nhưng cũng muốn thử tính năng mới cài trên iPhone 4 là Mobile Me, anh chàng xem chiếc iPhone 4 người yêu dùng đang nằm ở đâu.
Tràn đầy bức xúc, thành viên này đã gửi bài lên diễn đàn và Admin đã phải lược bỏ bớt một số câu từ phát ngôn do nóng giận. Nhưng chung quy lại, anh chàng vẫn gửi lời cảm ơn chân thành tới...CEO Steve Jobs cũng như đặt niềm tin tuyệt đối vào sản phẩm iPhone.
Một câu chuyện với tình tiết đậm chất công nghệ nhưng không mới bởi đây không phải là lần đầu tiên chủ sở hữu bắt tận tay, day tận trán kẻ xỏ mũi mình.
Anh Thế Anh, một dân “pro công nghệ” than thở: “Tháng trước có cậu bạn làm xây dựng dự án xa, nhờ mình tìm hộ một chiếc smartphone có 3G để cài Google Latitude vào máy và đem...tặng người yêu. Nó muốn dùng để kiểm tra xem bồ nó có ‘cho uống canxi mọc sừng’ trong lúc vắng nhà hay không”.
Còn anh Dương, chủ một cửa hàng di động lớn trên đường CMT8, TP.Hồ Chí Minh thì cho biết: “Mấy vụ bắt trộm, bắt bồ này chỉ là giải pháp miễn phí, xác suất sai lệch còn cao lắm. Chả làm gì được nếu nó...ngoại tình tại nhà nó. Thế nên một đợt rộ lên phong trào dùng phần mềm Mobile Spy. Cuộc gọi, tin nhắn, vị trí đều bị báo cáo liên tục hết. Chạy đằng trời”.
Phòng kẻ gian hại người ngay
Công nghệ nào cũng đều có giới hạn của nó về mặt đạo đức. Về bản chất, Mobile Me, Goolge Latitude hay bất kỳ phần mềm nào khác đều được sản xuất với mục đích bảo mật. Tại các quốc gia tiên tiến, người dùng không có thói quen đổi SIM và khi sử dụng một chiếc điện thoại là gắn với nhiều dịch vụ khác về thẻ tín dụng, thông tin cá nhân. Do đó, nếu một chiếc điện thoại bị lấy mất đã đăng ký các dịch vụ bảo mật, hệ thống sẽ lập tức truy vết và đưa ra các thông tin cụ thể để cơ quan chức năng và chủ cũ thu hồi máy.
Thế nhưng, thực tế thì rất ít người dùng dùng các công cụ này đúng mục đích. Theo một chuyên gia bảo mật, điện thoại di động đang đứng top đầu về vấn đề an toàn thông tin cá nhân. Một chiếc điện thoại smartphone giờ đây lưu trữ nhiều hơn cả một máy tính cá nhân với nhiều thông tin nhạy cảm từ thư tín, tài khoản, thông tin thẻ tín dụng và cả các file riêng tư như ảnh, video.
Các phần mềm gián điệp sau khi được cài vào máy, nhẹ thì tự động thông báo “đường đi nước bước” của mình qua Internet, nặng thì tự động ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn và upload lên một server để kẻ gian tải về.
Vốn dĩ các phần mềm không có tội nếu như không muốn nói đó là công cụ đắc lực để bảo vệ điện thoại. Thế nhưng, tùy do mục đích người dùng mà nó trở thành những siêu gián điệp nhờ vào những tính năng, công nghệ cao cấp mà nhà sản xuất tích hợp.
Theo Vietnamnet