PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi không thích con mình đưa mọi thứ lên mạng

Thứ Ba, 29/01/2013 08:33 GMT+7

Google News
Trao đổi với Tiền Phong, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái tỏ ra bức xúc trước hiện tượng nhiều bạn trẻ có những hành xử thiếu văn hóa trên cộng đồng mạng, đặc biệt cuồng thần tượng và những lệch lạc khác.

Không thể tự do một cách hoang dã

* Hiện tại trên cộng đồng mạng nhiều bạn trẻ có những phát ngôn gây sốc, những hành động cuồng thần tượng đến phản cảm, vậy với tư cách là một người mẹ, cô sẽ làm gì nếu con mình là một trong những trường hợp đó?

- Tôi không đồng tình và sẽ tìm cách uốn nắn. Tôi không thích con mình rơi vào những trường hợp “quá mù ra mưa” như thế. Tôi thích phòng bệnh hơn chữa bệnh.

* Cô sẽ có cách nào uốn nắn con để không xảy ra những sự việc thái quá như một số bạn trẻ mà ta vừa nhắc?

- Tôi sẽ dạy cho con biết rằng, thế giới ảo không phải nơi tốn quá nhiều thời gian. Việc quan trọng nhất bây giờ là học. Thời gian truy cập mạng phải có tỷ lệ vừa phải, không ảnh hưởng việc chính là học. Tôi không thích con mình đưa mọi thứ lên mạng.

- Có nhiều nhầm lẫn giá trị trên mạng xã hội



PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái: Thế giới càng phẳng, càng phải quan tâm định hướng cho giới trẻ. Ảnh: Hồng Vĩnh .


 * Có phải việc truy cập Internet bây giờ quá tự do nên giới trẻ thả sức tung hoành?

- Mạng là nơi mà mọi người có thể ra vào tự do nên giới trẻ hay bị ngộ nhận và làm những việc mình thích trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, nên đã và sẽ xảy ra nhiều nhầm lẫn, thuộc về nhận thức quyền hạn sử dụng cá nhân.

Vì thế tôi thích cách của GS Văn Như Cương, khi ông đưa ra những điều cấm kỵ đối với học sinh của mình.

GS Cương không cấm học sinh vào Facebook, mà muốn họ thực thi những quy tắc ứng xử văn hóa, tôn trọng trước hết đối với chính mình khi vào mạng xã hội, thí dụ không nói bậy, không phát ngôn quá đáng, đặc biệt là không được “chửi” thầy cô và bố mẹ, bạn bè.

Mỗi cấp học, thầy cô đều có cách giáo dục riêng về chuyện ứng xử này. Nhất là phải giáo dục giới trẻ trong nhà trường phổ thông, khi học sinh còn là tuổi vị thành niên. Hiện tại, thế giới trở nên phẳng, chỉ cần một cú click chuột là có thể biết được tất cả tin tức trên thế giới, điều này lại cần phải có định hướng cho lớp trẻ khi sử dụng internet.

Nhiều người nghĩ, lên mạng xã hội là hoàn toàn tự do, đặc biệt là trong phát ngôn. Điều này có đúng không?

Những người tử tế không quan niệm nhầm lẫn như thế, họ hiểu rõ sự tự do trong sử dụng mạng. Tự do, được hiểu theo đúng nghĩa triết học thẳm sâu và lành mạnh của nó, chứ không phải tự do một cách hoang dã. Tự do, thực chất chính là sự nhận thức được cái tất yếu trong tự nhiên và xã hội. Một khi cái tất yếu được nhận thức thì không ai dại gì mà đi ngược chiều gió.

Tôi cho rằng, việc tự do trên Facebook phải là sự tự do có nhận thức tử tế và đích đáng. Người nhận thức được sẽ không có những hành động, cử chỉ ngông cuồng... Nguyên nhân của việc này một phần do buông lỏng trong quản lý, giáo dục con cái của gia đình. Bên cạnh đó sự tác động của xã hội hiện đại cũng không nhỏ.

Định hướng thần tượng: Truyền thông giữ vai trò lớn nhất


PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái (ảnh) nói: “Cuồng thần tượng trên thế giới không hiếm, nhưng như ở Việt Nam thời gian qua thì đó là một chứng bệnh nặng. Thời gian gần đây những chuyện này càng có vẻ trầm trọng hơn, đặc biệt là đối với một bộ phận học sinh cấp 2, cấp 3.

Những hành động như liếm ghế thần tượng, gào thét, ngất, bạo lực với những người không cùng ý thích với mình… là quá đủ để chúng ta - những người lớn nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Trong gia đình, bố mẹ phải điều chỉnh, hướng dẫn các con; các thầy cô giáo ở trường cũng thế.

Truyền thông cần phải định hướng thông tin, bày tỏ quan điểm rõ ràng để các em biết ngưỡng mà dừng. Tôi nghĩ, truyền thông giữ vai trò lớn nhất trong vấn đề này”.


Theo Chinh Phạm - Ngọc Đinh

Tiền phong

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›