Trong 2 năm vừa qua, Hội Nhà văn Hà Nội kết nạp hơn 50 hội viên, người trẻ nhất mới ngấp nghé đôi mươi, người già xấp xỉ 80 tuổi. Làng văn đang rất xôn xao về “làn sóng” kết nạp của một hội địa phương.
PV đã có cuộc trò chuyện cùng nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội xung quanh vấn đề này.
* Thưa ông, việc kết nạp hội viên khá cởi mở thời gian vừa qua có phải là tiêu chí mới mà Hội Nhà văn Hà Nội hướng tới?
- Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Năm gần đây, có nhiều bậc cao niên, tên tuổi trong làng văn tự nguyện vào Hội. Mừng hơn nữa vì không chỉ những người viết nhiều tuổi, có bề dày văn nghiệp, tên tuổi, mà nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ cũng tham gia Hội như Di Li, Thụy Anh, Nguyễn Bình Phương hay Linh Lê. Họ đến với hội vì muốn được sinh hoạt trong bầu không khí nghề nghiệp thoải mái, cởi mở, uy tín. Việc kết nạp gần 50 người trong 2 năm vừa qua cũng có lẽ hơi nhiều, năm nay chúng tôi sẽ siết chặt lại việc này, theo phương châm “3 trong 1”: Hội Nhà văn Hà Nội là một hội địa phương, nhưng địa phương này là Hà Nội, và Hà Nội là thủ đô, cho nên Hội có tính phong trào nhưng phải vươn tới đỉnh cao, Hội mang tính địa phương nhưng phải có tầm Thủ đô.
* Vậy có chuyện “chạy” vào Hội không thưa ông?
- Nói “chạy” thì cũng hơi quá, nhưng quả là có chuyện nhờ giới thiệu gặp gỡ để biết mặt, biết tên. Nhìn ở khía cạnh tích cực thì như thế cũng là chứng tỏ Hội Nhà văn Hà Nội có uy tín và sức hút với các người viết Thủ đô. Tôi vốn tính thoải mái, dễ gần, người này người khác mời đi uống bia để ngỏ ý việc vào hội, nhưng tôi luôn nói thẳng với họ là không chạy gì được ở tôi đâu, ông Chủ tịch Hội cũng chỉ bỏ được một phiếu thôi, vẫn phải qua “ải” Hội đồng chuyên môn và Ban chấp hành. Điều quan trọng, họ vẫn cứ phải theo quy trình là làm đơn, phải có từ hai tác phẩm đạt chất lượng tốt trở lên. Chúng tôi không hẹp hòi gì trong việc kết nạp hội viên, mà chỉ thực sự muốn hướng tới chất lượng.
* Theo ông làm thế nào để nhân tài bớt “ác cảm” với việc vào Hội?
- Quan điểm của tôi là chỉ có cách nâng cao chất lượng tổ chức điều hành Hội. Không hành chính, không cơ chế xin cho, và “vui là chính”. Hãy để cho các hội viên cảm thấy được sự nghiêm chỉnh trong sự thoải mái của một hội nghề nghiệp, một mái nhà chung của những người làm nghề với nhau. Quan trọng nữa là người đứng đầu Hội phải tạo cho họ sự tin tưởng, yêu quý. Trong chừng mực nào đó tôi nghĩ là mình đã làm được thế.
* Đứng đầu một Hội quy tụ nhiều tài năng ông có gặp khó khăn gì không?
- Làm việc công tâm, trung thực với hết khả năng và trách nhiệm của mình thì sẽ giảm bớt được nhiều khó khăn và tránh được những phiền toái không đáng có. Tôi nói thí dụ như việc xét giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội. Hội đồng xét giải là toàn bộ Ban chấp hành và chủ tịch các hội đồng chuyên môn của Hội, họ phần lớn đều là những cây bút nổi tiếng, sung sức, hàng năm vẫn có những tác phẩm xuất bản, nhưng khi đã ở vị trí người chấm giải, chúng tôi tự nguyện không dự giải để tạo không khí tin tưởng, công tâm và đảm bảo uy tín của giải. Đó là một sự thiệt thòi, vì 5 năm ở vị trí đó anh đã phải hy sinh quyền lợi của mình để giải thưởng được minh bạch, như trường hợp của nhà văn Hồ Anh Thái - Nguyên chủ tịch Hội chẳng hạn. Anh Thái là một nhà văn chuyên nghiệp, sáng tác đều đặn với các tác phẩm có chất lượng khá trở lên nhưng suốt 5 năm đương chức anh không hề tham dự giải. Cho đến 2012, khi anh chuyển sang làm công tác khác thì tác phẩm của anh “SBC là Săn bắt chuột” mới được xét chấm và đoạt giải. Trong mọi hoạt động của hội nếu chỉ dừng lại ở những việc thường niên như kết nạp, trao giải thưởng… thì chỉ có vài dịp. Vì thế, để tạo ra không khí của một mái nhà chung thì cần tổ chức nhiều hoạt động khiến hội viên cảm thấy họ được thoải mái là người trong cuộc, người của Hội.
* Trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì việc tìm “Mạnh Thường Quân” cho giải thưởng có khó khăn?
- Kinh phí của giải này chủ yếu lấy từ nguồn được cấp hàng năm. Các năm trước giá trị của một giải là 10 triệu đồng, năm 2012 chúng tôi đã nâng lên 15 triệu đồng. Chuyện “Mạnh Thường Quân” thì chúng tôi có nghĩ đến nhưng thực tế là chưa kêu gọi được ai, ngoài một hội viên là nhà thơ Bành Thanh Bần đã quyết định đóng góp cho Hội mỗi năm 50 triệu đồng, bắt đầu từ năm 2011, nghĩa là bắt đầu của nhiệm kỳ này.
* Ông nổi tiếng với vai trò giới thiệu sách, được nhiều tác giả trẻ tín nhiệm. Gần đây, anh đánh giá và đặt sự kỳ vọng vào tác giả trẻ nào?
- Đúng là tôi có được nhiều tác giả trẻ tin cậy. Khi giới thiệu sách, tôi dù có “bốc”, nhưng cũng phải chừng mực, chọn chữ chọn lời. Những người trẻ giờ viết nhanh, viết khỏe, nhưng chưa sâu. Nhiều cây bút xác định được cách tiếp cận và đối tượng độc giả, nhưng lại chưa có khả năng đi đường dài. Những người có tư chất nổi bật như Nguyễn Ngọc Tư thì chưa có.
* Nghe nói, Hội Nhà văn Hà Nội đang tính đến phương án bồi dưỡng cho các cây viết trẻ?
- Hội nghị viết văn trẻ 2013, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 tới đây sẽ là cách tập hợp và kiểm kê lại đội ngũ những người viết trẻ, từ đó chúng tôi cũng tính tới việc mở lại các lớp bồi dưỡng viết văn để tạo ra động lực, khuyến khích sự phát triển của các cây viết. Hai mươi năm trước, các lớp bồi dưỡng cây viết trẻ này đã được tổ chức do cố nhà văn Vũ Bão và nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn phụ trách.
* Nhưng tài năng văn chương phần nhiều là thiên bẩm. Các nhà văn cần phải tự trải nghiệm, tự học hỏi…
- Đúng là do thiên bẩm. Chưa mở lớp nên tôi không thể kết luận về sự thành công, nhưng chắc chắn đó sẽ là động lực để họ tự học hỏi, khám phá. Chúng ta không thể làm thay họ được mà chỉ góp phần kích thích, tạo cho họ bệ đỡ vững chắc để phát triển. Tôi từng tham gia giảng dạy tại Khoa Văn học Báo chí của trường Đại học Văn hóa, tôi thường khơi lên để các bạn trẻ tìm hiểu, đọc để biết, từ đó mới có hành trang đi xa.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!