Nàng dâu khéo nịnh
Ngày chủ nhật được nghỉ, đưa cu Bi về thăm bà ngoại, chị Minh (Thanh Trì, Hà Nội) liền bị mẹ gọi ngay vào phòng riêng nhắc nhở: “Con dạo này lười lắm phải không, bỏ bê việc nhà, ngay đến chồng con cũng để mặc bà nội lo là sao? Lấy chồng gần nhà nên cái gì rồi cũng đến tai bố mẹ, vậy nên con liệu liệu mà cư xử cho đỡ xấu mặt bố mẹ đấy nhé”. Chị Minh ngẩn người, chẳng hiểu đầu đuôi thế nào mà mẹ lại nói như vậy.
Chị yêu và cưới trong sự tấm tắc của bà con lối xóm: “Con bé thế mà thông minh, lấy chồng gần ngay bố mẹ để sau này được nhờ”, rồi thì “đúng là con gái mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho”...
Nhưng chị Minh cũng hiểu, lấy chồng gần cũng có cái hại của nó, có chuyện gì không hay ho thì chỉ mấy phút sau là bay đến tai hai nhà ngay, chị mà không cẩn thận lại làm bố mẹ mình mang tiếng không biết dạy con. Biết thế nên trong mọi chuyện chị đều phải chú ý, từng cử chỉ, lời nói đến nét mặt, chẳng dám làm phật lòng nhà nội bao giờ. Thế mà nay, mẹ chị không biết nghe phong phanh chuyện gì lại nói như vậy.
Thế nào mà có người đánh tiếng sang cho mẹ chị rằng chị bị chê là lười nhác. Hóa ra mẹ chồng chị ngoài miệng thì cười nói chị yên tâm công tác nhưng sau đó lại đi nói chuyện với hàng xóm: “Con dâu tôi giỏi giang lắm, việc nước thì chẳng ai bằng, nhưng việc nhà thì toàn trốn thôi, chỉ được cái mồm khéo nịnh là nhanh”.
Nàng dâu… khéo ăn
Không lấy chồng gần như chị Minh, cũng không mang tiếng “trốn” việc, chị Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) lại được mẹ chồng tặng cho danh hiệu “nàng dâu khéo ăn”. Số là chị Hải vốn “tinh ăn”, lại thẳng tính hay nhận xét nên cứ hễ ăn món gì ngon hay không là chị lại “phát biểu ý kiến”. Hồi mới về làm dâu, thấy bố mẹ chồng kì cạch làm món nem rán không cho hành tây vì bố chồng chị bị dị ứng với hành, thế là chị ý kiến ngay: “Con thấy nem rán mà không cho hành tây thì mất cả ngon, chả thấy mùi thơm, nhà mình ăn kì lạ quá nhỉ!” Dù biết rằng chị không có ác ý, nhưng ông bà cũng có vẻ phật lòng. Lần khác, cùng nấu cơm với mẹ chồng, liếc thấy mẹ chồng cho cả chỗ cà chua vào nồi nước canh chua, chị Hải đã kêu toáng lên: “Sao mẹ lại không xào cà chua trước chứ, thế này thì canh làm sao có màu được, nhìn chẳng ngon mắt đâu”. Nói vậy thôi chứ chị cũng không để ý thái độ của mẹ chồng, nếu tinh ý ra, chắc chắn chị sẽ thấy mẹ chồng đang dành cho mình ánh mắt không mấy thiện cảm.
Rồi không ít những lần khác nữa, ngồi vào mâm cơm, món nào chị nấu thì không sao, nhưng người khác nấu là thế nào chị cũng cho nhận xét: món khoai tây chiên này giòn thế?; canh cà bung mà chả thấy mùi thơm của cà đâu?; sao rau luộc lại đỏ như vậy?… Dù được nhắc nhở nhiều lần, nhưng dường như thói quen “làm giám khảo” đã ăn sâu vào máu nên chị cũng chẳng thay đổi được là bao. Vẫn biết tính chị là vậy, không khéo ăn khéo nói và không để bụng bao giờ nhưng bố mẹ chị có thể bỏ qua cho con gái chứ bố mẹ chồng thì không. Mỗi lần nhà có khách, hễ khách khen ông bà có cô con dâu khéo nấu nướng là y như rằng mẹ chồng chị lại nói xéo làm chị Hải không ít phen đỏ mặt: “Tôi tốt phước mới có cô con dâu có mồm tinh ăn, nấu ăn ngon hơn hẳn cả nhà nên mẹ chồng mà nấu là con dâu thấy khó ăn lắm”.
Sẽ là không thiếu những hoàn cảnh, những xung đột hay bất hòa trong cuộc sống làm dâu. Trong mối quan hệ nhạy cảm này không thể nói tại ai, tại nhà chồng, nhất là mẹ chồng khó tính hay tại bởi con dâu không biết hòa đồng với nhà chồng. Có chăng, mỗi người nên hiểu và thông cảm với nhau một chút để cuộc sống dung hòa hơn.
Là phận làm dâu, đừng quá khách sáo đến nỗi cứ phải nịnh nọt hay biếu xén lấy lòng bố mẹ chồng để rồi bị cho là giả tạo. Nhưng cũng đừng quá suồng sã đến nỗi cái gì cũng có thể chê thẳng thừng để rồi làm mất lòng người khác.
Là bậc cha mẹ, đừng quá xét nét con dâu, bởi sau thời gian cùng chung sống thì dâu rể gì cũng là con mình, hãy cứ coi con dâu như con gái thì chắc chắn mẹ chồng nàng dâu sẽ hiểu và thông cảm với nhau hơn.
Theo PL&XH