(TT&VH Online) - Aragones đã có tất cả. Danh hiệu. Sự công nhận. Sự kính trọng từ các cầu thủ. Và tình cảm của các CĐV. Một kết thúc trọn vẹn cho 4 năm thăng trầm của ông già sắp bước sang tuổi 70 ở La Seleccion.
"Chẳng có lý do gì để tôi ở lại cả!", trong giây phút của sự thăng hoa cảm xúc, Luis Aragones vẫn không đánh mất sự tỉnh táo về lý trí của mình. Sứ mệnh lịch sử của ông với đội tuyển TBN, với cả đất nước này đã hoàn tất. Bản hợp đồng 4 năm cũng đã đáo hạn. Thuyền trưởng mới cho La Furia Roja cũng đã được chỉ định (Del Bosque). Bản thân Aragones cũng đã tìm được điểm đến mới cho mình (đội bóng TNK Fenerbahce). Aragones giờ như một chiếc phi cơ đã bay qua "điểm có thể quay về" rồi!
Tiếc nuối
Họ cũng hối hận, vì đã không để cho Aragones có lấy một ngày yên bình sau khi ông nhất quyết gạt công thần Raul Gonzalez ra khỏi đội hình. Cứ mỗi khi số 7 của Real Madrid ghi bàn, người ta lại chất vấn Aragones. Cứ mỗi khi đội tuyển gặp khó khăn về nhân sự hay trong khâu dứt điểm, người ta lại gọi tên Raul. Suốt một năm như thế, cái tên Raul trở thành nỗi ám ảnh với Aragones, đến mức ông buộc phải công bố danh sách triệu tập cho các trận đấu qua Internet, và sẵn sàng nổi cáu với bất kỳ tay phóng viên nào dám mở miệng nhắc tới Raul. Thậm chí là ngay cả trong thời điểm EURO đã cận kề, báo chí Madrid vẫn không ngừng gây áp lực để Aragones đưa Raul, người vừa trải qua "mùa xuân thứ hai trong sự nghiệp", đến Áo và Thụy Sỹ.
Thời gian đã chứng tỏ, dư luận đã sai và Aragones đã đúng. Tại sao lại phải cần đến Raul, một người chưa bao giờ thể hiện được mình ở các giải đấu lớn, khi mà TBN đã có một David Villa tinh quái và đáng tin cậy, một Torres luôn biết tỏa sáng đúng thời điểm và một "Siêu dự bị" Guiza chưa bao giờ gây thất vọng? Khi không có Raul, nghĩa là không còn ai quá nổi trội so với phần còn lại, TBN trở thành một tập thể đúng nghĩa và tránh được những rắc rối không đáng có trong hậu trường. Hơn nữa, qua "vụ Raul", Aragones còn ngấm ngầm gửi đến phần còn lại thông điệp "bất tuân là chết!". Ở EURO 2008, Torres, Ramos đã từng có những biểu hiện bất mãn, nhưng cuối cùng bọn họ đều phải tự tìm đến và nói lời xin lỗi với Aragones...
Nuối tiếc thì quá rõ! Phải mất gần nửa thế kỷ, người TBN mới tìm được một nhà VĐ đúng nghĩa trên băng ghế huấn luyện. Một người có thể phát huy tối đa khả năng kỹ thuật của các cầu thủ và hạn chế đến mức tối thiểu điểm yếu tinh thần của họ. Một người luôn chấp nhận đứng nơi đầu sóng ngọn gió, hứng chịu tất cả bão tố của dư luận thay cho các học trò. Một người dám nghĩ, dám làm, có thừa ý tưởng và thừa sự dũng cảm để thực thi những ý tưởng ấy. Có HLV nào dám rút nốt tiền đạo chính thức còn lại ra ngoài khi trận đấu còn chưa ngã ngũ như khi Aragones rút Torres giữa trận gặp Nga không? Có ai đủ dũng cảm thay cả Fabregas lẫn Torres vào đúng thời điểm căng thẳng nhất của trận CK không? Để làm được thế, ngoài nhạy cảm chiến thuật, người ta còn phải có cả một cơ quan thần kinh bằng thép nữa!
Khoảng trống
Aragones ra đi, để lại cho người kế nhiệm di sản quý báu là một đội bóng vô địch EURO và một lối chơi đã được định hình, nhưng đồng thời cũng để lại những áp lực không nhỏ. Áp lực phải chơi đẹp như TBN của Aragones đã từng chơi. Áp lực phải giành được những kết quả tương xứng với tầm cỡ của một nhà VĐ. Rồi áp lực phải san bằng những kỷ lục vừa được lập ra. Và còn nhiều, rất nhiều những thứ áp lực không tên khác mà những kẻ đi sau luôn phải gánh chịu. Cứ nhìn vào Donadoni, người kế vị Lippi ở đội tuyển Italia thì rõ. Với một lực lượng què quặt, việc HLV trẻ này dẫn dắt được Italia vào được vòng tứ kết và chỉ chịu thua đội bóng sau đó lên ngôi VĐ trên chấm 11m có thể xem là thành công. Nhưng chẳng ai chịu nhìn nhận điều ấy cả. Đơn giản, vì Italia là nhà VĐTG...