(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 26.4, tại Quảng Ninh, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ 9 Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội đã thẩm tra dự án Luật Thư viện. Chủ nhiệm Uỷ ban Phan Thanh Bình chủ trì Phiên họp.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Trưởng ban soạn thảo Luật Thư viện đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật này.
Trong đó khẳng định: Sau hơn 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện (năm 2000) đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa bao quát được hết mọi vấn đề, quan hệ xã hội mới phát sinh. Mặt khác, sự phát triển và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp 2013, các đạo luật quan trọng được ban hành khiến nhiều quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp.
Vì thế, việc ban hành Luật Thư viện thời điểm này là cần thiết. Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện.
Dự thảo Luật Thư viện có 7 Chương, 51 Điều. Trong đó có các quy định chung; thành lập thư viện; hoạt động của thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; xếp hạng và đánh giá hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện; điều khoản thi hành.
Chủ nhiệm Phan Thanh Bình đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về sự cần thiết ban hành Luật này, phát huy ra sao và làm rõ các vấn đề phát triển hệ thống thư viện, quản lý hệ thống thư viện, phát triển công nghệ của truyền thông trong tương lai. Bên cạnh đó, cho ý kiến về tên gọi, cấu trúc dự án Luật; phân loại thư viện; điều kiện thành lập, liên thông thư viện, ngày sách Việt Nam.
“Hiện nay Việt Nam có gần 17.000 thư viện lớn nhỏ. Vì thế, cần xác định các loại hình thư viện và công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm về vấn đề này để hoạt động thư viện càng ngày càng tốt hơn”, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Cần có những quy định để việc liên thông thư viện hiệu quả, đúng luật
Phó chủ nhiệm Ủy ban VHTNTN&NĐ của Quốc hội Triệu Thế Hùng cho biết: Đây là thời điểm cần thiết để ban hành đạo luật về thư viện. Tuy nhiên, cần tiếp cận ở góc độ đổi mới cách nhìn nhận về thư viện, tạo hành lang pháp lý để hiện đại hóa thư viện chứ không phải nâng cao pháp lệnh về thư viện. Từ đó, có thế ứng xử đối với ngành này. Thư viện là để giúp con người đi tìm kiến thức mới. Vì thế, cần xác định, quy định rõ các loại hình thư viện và công tác quản lý nhà nước về thư viện; đào tạo nguồn nhân lực thư viện cho phù hợp với thời đại công nghệ số…. Việc ban hành Luật là để phát triển ngành Thư viện chứ không phải chỉ để quản lý ngành.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) khẳng định sự cần thiết phải cho ra đời Luật Thư viện. Tuy nhiên đại biểu gợi ý nội dung hỗ trợ và duy trì thư viện cộng đồng phải quy định rõ. Nếu không rất dễ rơi vào tình trạng có quy định tại Luật nhưng lại không thực hiện được. Nội dung liên thông thư viện là hết sức quan trọng, thậm chí thư viện cần được liên thông trên phạm vi toàn quốc, trên các vùng miền. Mặc dù vậy, việc liên thông thư viện có thể xảy ra tình trạng vướng Luật Sở hữu trí tuệ. Ví dụ: 1 tài liệu được chuyển giao cho 1 thư viện nào đó, thư viện sử dụng thì được nhưng nếu đưa lên mạng công cộng hoặc chuyển cho người khác sử dụng lại vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Vì thế, cần có những giải pháp, quy định để thực hiện việc liên thông hiệu quả, đúng luật.
Về nội dung xếp hạng thư viện, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết nêu có những thư viện lớn, được đầu tư nhiều, hoạt động tốt, năng lực tốt nhưng hiệu quả hoạt động không cao, chưa phục vụ được đông đảo bạn đọc. Trong khi đó, có những thư viện nhỏ lại phục vụ rất đông người dân. Vì thế, khi đưa vào xếp hạng, có thể những thư viện quy mô nhỏ sẽ không được xếp hạng đúng với hiệu quả mà nó mang lại. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng xếp hạng thư viện dựa trên tiêu chuẩn và tiêu chí hiện nay ở trong hệ thống các trường đã thực hiện. Vì thế, Luật cần quy định để đánh giá hệ thống thư viện, kèm theo các tiêu chí và tiêu chuẩn của các loại thư viện.
Nhiều đại biểu đánh giá, việc liên thông thư viện hiện nay chưa làm tốt, vẫn mạnh ai nấy làm. Đại biểu cũng cho rằng cần tạo điều kiện cho nhân dân đến tra cứu tại các thư viện; việc xếp hạng thư viện cần phải có để người làm thư viện có động lực phấn đấu và phải quy định cụ thể, nếu chỉ ghi chung chung rất khó để thực hiện ở cơ sở.
Các đại biểu cũng cho ý kiến chi tiết liên quan đến nội dung quy định về Điều kiện thành lập thư viện, nên hay không nên quy định Ngày sách Việt Nam trong Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng cần thiết phải xây dựng thư viện số để mang đến tiện ích nhất cho người dân và quan tâm nhiều hơn, thay đổi cách khai thác, truyền bá thông tin để thu hút người sử dụng.
Không phải chỉ củng cố văn hóa đọc mà hình thành văn hóa chung
Nhất trí với việc cần phải có Luật Thư viện, đại biểu Lưu Thành Công cho rằng Luật này ra đời sẽ củng cố văn hóa đọc, đó phục vụ cho việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Làm sao để cho thanh thiếu niên càng ngày càng thích đọc sách, ngày càng yêu sách, muốn có được tri thức mới càng tốt. Hiện nay có nhiều tủ sách tư nhân hoạt động tốt chứng tỏ sách vẫn thu hút người đọc.
Tuy nhiên, có một thực tế là văn hóa nghe nhìn hiện nay đang lấn át văn hóa đọc. Nếu chỉ duy trì loại hình thư viện truyền thống là không còn phù hợp. Tra cứu và tìm kiếm thông tin thời đại này đã khác xưa khi điện thoại thông minh tràn ngập khắp vùng đồng bằng, miền núi, thành phố lẫn nông thôn.
Sau ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có ý kiến giải trình, tiếp thu. Bộ trưởng cho biết: “Ban soạn thảo xin nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu và tiếp tục hoàn thiện dự án Luật này. Quan điểm của Ban soạn thảo là theo hướng đơn giản hoá trên tinh thần cải cách hành chính, “mở” hết cỡ để thư viện phát triển. “Mở” nhưng vẫn kiểm soát được, quản lý được. Làm sao để khi Luật Thư viện ra đời, nhà nhà đọc sách, người người đọc sách, mọi người quan tâm đến đầu tư cho thư viện, ngành Thư viện phát triển hơn, mọi người được hưởng thụ thông tin, tiếp cận thông tin dễ dàng.
Việc xếp hạng cần thực hiện bắt buộc đối với thư viện công lập có tư cách pháp nhân, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của thư viện). Đồng thời cần cần quy định rõ việc xếp hạng vì còn liên quan đến chế độ chính sách, quản lý nhà nước và tình hình hiện nay”.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: “Thư viện công cộng nhà nước phải đầu tư, hình thành hạt nhân từ đó giúp cho thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, thư viện có yếu tố nước ngoài phát triển”.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban VHTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh việc nhất trí cao việc ban hành Luật Thư viện. Với những thay đổi hiện nay về công nghệ số, phương tiện thông tin, truyền thông thì hệ thống thư viện cần được nhìn nhận lại. Đây là Luật chuyên ngành sâu, đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của công dân. Phải làm sao ứng dụng được, công nghệ thông tin, công nghệ số trong phát triển. Hệ thống thư viện công cộng khá phức tạp. Thư viện của các tổ chức, nhà nước, tư nhân và cũng cần tính đến thư viện có yếu tố nước ngoài. Điều kiện cụ thể của đất nước hiện nay cũng có những khó khăn.
Về hình thức cơ bản hồ sơ dự án luật này là đủ tuy nhiên cũng cần lưu ý đánh giá tác động của hệ thống thư viện hiện nay. Việc hình thành các thư viện cũng cần được nhìn xa và rộng hơn, không phải chỉ hình thành văn hóa đọc mà văn hóa chung, học tập suốt đời, góp phần hoàn chỉnh con người của chúng ta trong tương lai khi văn hóa nghe, nhìn quá phát triển.
Trong hoạt động thư viện hiện nay, yếu tố hiện đại và yếu tố truyền thống đang đan xen nhau và cũng chưa biết cái nào lấn lướt cái nào vì thế cũng không nên có cái nhìn quá bi quan về hệ thống thư viện truyền thống.
Dự thảo Luật cần chỉ rõ trách nhiệm của Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành khác như thế nào, quản lý tới đâu, sự tham gia của cộng đồng ra sao? “Những ý kiến của các đại biểu tại phiên họp sẽ được xem xét tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật Thư viện cũng như làm sâu sắc hơn Báo cáo thẩm tra Dự án Luật”, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nói.
Tại phiên họp, 35/45 (78% số đại biểu) đại biểu đã biểu quyết 2 nội dung còn ý kiến khác nhau:
Xếp hạng thư viện như trong Dự thảo Luật và có xếp hạng nhưng nhà nước không xếp hội nghề nghiệp xếp hạng
12/35: Đồng ý theo phương án của Dự thảo Luật
22/35: Nếu có xếp hạng thì do đoàn thể xếp.
1 ý kiến là có hoặc không xếp hạng
Có đưa ngày sách vào trong Luật không (ngày 21.4)?
18/35: Không đồng ý có ngày sách Việt Nam ghi trong Luật
17/35: Đồng ý Có ngày sách Việt Nam ghi trong Luật:
35/35 đại biểu biểu quyết đồng ý thông qua dự thảo báo cáo thẩm tra, hoàn thiện văn bản gửi Quốc hội vào kỳ họp tới.
Theo Báo Văn hóa
Tags