(Thethaovanhoa.vn) - Bên cạnh rất nhiều thành ngữ hàm ý tốt, nói lên truyền thống tốt đẹp của người Việt như Uống nước nhớ nguồn, Tôn sư trọng đạo, Không thầy đố mày làm nên, Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, Học thầy chẳng tày học bạn... thì người Việt - trong tinh thần “có qua có lại” - luôn sẵn không ít câu với vai trò phản tư, phản biện lại như Chữ thầy lại trả cho thầy, Ăn cháo đá bát, Được cá quên nơm, Vắt chanh bỏ vỏ…. và thành ngữ Lừa thầy phản bạn chỉ là một trong số đó.
Ngày nay, lên mạng chúng ta có thể thấy những cụm từ như “thầy giáo giết người”, “thầy giáo giết học sinh”, “học sinh giết cô giáo”, “thầy giáo ép học sinh quan hệ tình dục”, “thầy giáo cưỡng hiếp học sinh”, “thầy giáo lừa tình học sinh”, “nữ sinh giết bạn ngay trong trường học”, “học sinh lớp 9 giết bạn gái dã man”, “học sinh hiếp cô giáo”… đã xuất hiện với cường độ dồn dập. Đó là gì, nếu chẳng phải là “Lừa thầy phản bạn”?
Họa sĩ Song Phạm: Vấn đề là thầy nào, bạn nào?
Câu này thuộc dạng thành ngữ... huỵch toẹt, nói trắng, nói thẳng, không ngụ ý, hàm ý, không nói giảm, nói vòng, nói tránh - như nhiều thành ngữ khác, hay như cách nói của nhiều người Việt, không đi thẳng vào vấn đề vì sợ làm người khác mất lòng, tổn thương. Tự bản thân câu thành ngữ đã mang hàm nghĩa xấu, nào “lừa”, nào “phản”, chê bai thói lừa lọc, phản phúc, lật lọng, đoản hậu, không trước không sau.
Những câu thành ngữ tương tự như Qua cầu rút ván, Nuôi ong tay áo... là rất nhiều; tiếng Anh cũng có thành ngữ tương tự You Judas (Đồ phản bội, lấy từ điển tích Kinh Thánh, Judas bán Chúa).
Lẽ dĩ nhiên, “Lừa thầy phản bạn” là tuyệt đối xấu, không ai chấp nhận, không có gì phải tranh luận hay bàn cãi. Vấn đề chúng ta muốn nói ở đây là thầy nào, bạn nào? Thầy ngày nay cũng năm bảy đường thầy, và bạn cũng trăm nghìn loại bạn.
Thầy hay bạn cũng chỉ là con người với các mặt trái-phải, tốt-xấu. Nếu thầy không ra thầy và bạn không ra bạn mà trò vẫn nhất nhất nghe theo, tin theo, đi theo thì sao? Nếu một ngày bạn chợt nhận ra con bạn có thầy xấu, bạn xấu, liệu bạn có im lặng làm ngơ?
Thật rất đáng ngại nếu thử gõ chữ “gạ tình đổi điểm” trên Google, bạn sẽ thấy gần 250.000 kết quả. Đây thực sự không thể là điều bình thường.
Rồi thì cơ man nào là bạn. Ví dụ, nếu con bạn tình cờ phát hiện ra bạn mình làm chuyện xấu (hút xách, chôm chỉa, cướp...), nó về nhà nói với bạn rồi nhờ bạn cho lời khuyên, bạn sẽ làm sao? Có 2 tình huống: Thứ nhất, bạn khuyên con nên im lặng, tránh xa, “im lặng là vàng” mà - như cách mà mọi người lớn chúng ta vẫn làm hàng ngày nơi công sở, trong xã hội.
Thứ hai, bạn khuyên con nên báo với thầy cô, Ban giám hiệu, thậm chí công an, vì bạn biết tội “che giấu, không tố giác tội phạm” là không hề nhẹ. Như vậy đối với bạn là bình thường, là trách nhiệm của công dân, nhưng dưới mắt bạn của con bạn, rất có thể con bạn là đứa bội phản.
Ngày nay, không ít người dễ dàng hùa theo khi nghe “đó là loại lừa thầy phản bạn” là xúm vào ném đá, chứ ít thấy chịu ai lật vấn đề, hỏi ngược lại rằng thầy, rằng bạn của họ ra sao, cư xử với họ thế nào, việc họ bị lừa, bị phản có oan ức hay không?
Dĩ nhiên, chúng ta không ủng hộ “lừa”, “phản”, nhưng không thể vì sợ mang tiếng lừa, phản mà im lặng, đồng lõa với cái xấu, cái ác, ngậm miệng làm ngơ, nhắm mắt trước bất công, trước những thông tin một chiều.
Chính vì vậy nên chăng thành ngữ hay bất cứ lời khẳng định, thậm chí quy luật giá trị nào cần hiểu thấu đáo cả đôi đường.
Nếu chỉ chăm chắm một chiều không chỉ giết chết tưởng tượng, sáng tạo và phản biện mà còn gây hại, trước nhất là cho bản thân mình.
Xin được nhắc lại nhân vật Judas trong sách Phúc âm đã 3 lần chối Chúa, sau cùng là bán Chúa lấy 30 đồng vàng - một ẩn dụ kinh điển về sự phản bội. Tuy vậy, vẫn có những tác phẩm phản đề rất ấn tượng, “giải thiêng” Jesus và lật lại nhân vật Judas, xới tung cả điển tích này. Một trong số đó là Sự cám dỗ cuối cùng của Chúa của Nikos Kazantzakis.
Giải thiêng, giải thoát những thứ đã ám ảnh thực tại con người, khiến những điều tối tăm được cởi bỏ, lộ diện, giải thoát và tỏa sáng giúp con người tiến lên phía trước. Cũng vậy, nếu không có bóng tối thì khó có thể định nghĩa được ánh sáng.
Đây là quy luật nhị nguyên đối đãi, tương đối, quy luật sống, phát triển. Mọi thứ đúng-sai, phải-trái chỉ nhằm giúp con người nhận thức.
Cái sai giúp cái đúng, bóng tối nuôi dưỡng ánh sáng... Nếu không có đêm đen thì cũng không thấy được ánh sáng của đom đóm. Hay tất cả sự tỏa sáng đều từ bóng tối mà hiện hữu, hay bóng tối có mặt để ánh sáng được biểu hiện. Hiểu được bóng tối thì năng lượng yêu thương sẽ không ngừng nghỉ. Hiểu được mặt trái của mọi quy luật, mọi thành ngữ thì cánh cửa tự do sáng tạo sẽ bật mở.
Nhà văn Vũ Thành Sơn: Vẫn còn mảnh đất màu mỡ của “lừa thầy phản bạn”
Theo tôi, ta có thể hiểu “Lừa thầy phản bạn” không chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp đối với hai đối tượng thầy và bạn mà nên được nhận thức rộng rãi như là hành vi phản trắc, lừa lọc với cả những người đã từng cưu mang, bảo bọc, gắn bó và đặt tất cả sự tin tưởng của họ vào mình vì một mục đích nào đó hoàn toàn cá nhân, tư lợi.
Dĩ nhiên, mục đích đó không thể và không bao giờ trong sáng, hay chân chính cả khi mà nó đã được thực hiện bởi một phương cách xấu xa, tồi tệ.
Dưới cái nhìn đạo đức con người, tất cả các tôn giáo cũng như truyền thống luân lý, đạo đức thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau đều coi đó là một thứ khiếm khuyết về nhân cách, thậm chí coi là tội lỗi.
Và vì vậy, rất dễ hiểu là từ xưa cho đến nay người ta không hề bênh vực, mà trái lại, dễ dàng thống nhất với nhau trong việc lên án hành vi thấp hèn này.
Tuy nhiên, điều chúng ta có thể (và nên) đề cập ở đây, đó là xét ở khía cạnh xã hội, hành vi lừa thầy phản bạn đó gây ra hậu quả gì đáng nói không?
Có thể thấy trước hết là nó làm đổ vỡ, băng hoại lòng tin giữa các thành viên trong nội bộ cộng đồng với nhau, vốn dĩ là một trong những điều kiện cơ bản cần thiết để xây dựng một cộng đồng vững mạnh.
Ở đâu và thời kỳ nào mà lối sống lừa thầy phản bạn, hay có thể nói rộng hơn, sự giả dối, gian trá, lừa lọc, lời nói không đi đôi với hành động… lên ngôi, thì ở đó, sự khủng hoảng lòng tin có nguy cơ dẫn đến một sự sụp đổ không thể cứu vãn của cộng đồng.
Và ngược lại, ở đâu, thời kỳ nào mà lòng tin bị khủng hoảng, thì ở đó có thể có (tôi xin nhấn mạnh, có thể có) vấn đề về lối sống trung thực, công chính.
Cho nên dễ hiểu là ngày nay trước những thách thức trong đời sống chính trị, xã hội hay trong bang giao quốc tế, chúng ta thường nghe nói nhiều đến việc xây dựng lòng tin, lòng tin chiến lược…
Sau cùng, tuy không tin là đâu đó trên thế giới này có một thứ gọi là “văn hóa lừa thầy phản bạn”, song tôi cho rằng có những môi trường xã hội nhất định là mảnh đất tốt cho những giống độc ấy sinh sôi nảy nở.
Đó là khi mà xã hội không đề cao nguyên tắc pháp trị và những giá trị nhân bản, đạo đức phổ quát của loài người, mà ngược lại, dung túng hay khuyến khích lối sống thực dụng, lấy sự thành đạt cá nhân về mặt vật chất làm mẫu mực.
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags