(Thethaovanhoa.vn) - Lu sinh năm 1989, là chủ quán cafe Nhà Sàn. Lu làm thơ từ rất lâu, và có một lượng độc giả đông đảo.
Chưa ai biết tên thật của Lu, càng chưa biết nick name “Lu” ý nghĩa gì với anh, cũng chẳng nhiều chuyện để chia sẻ. Thông tin bản thân thảng hoặc chung chung không rõ ràng, có gì đó “bí mật riêng” mà anh chàng muốn giấu, ngay cả tấm hình in trên trang bìa, cũng “mờ mờ nhân ảnh”.
Lu vừa ra mắt tập thơ Lấp kín một lặng im (Nhã Nam & NXB Lao Động).
Nhà thơ Lu
Rời giảng đường, chọn lối sống tự do
Lu sinh ra tại Hà Nội, dở dang đại học, đang theo ngành biên dịch tiếng Anh, bỗng nhiên lặng lẽ rời giảng đường, chọn lối sống tự do.
Mưu sinh bằng việc mở quán cà phê, mà chọn địa điểm rất khéo, ở Nhà Sàn, trung tâm nghệ thuật thể nghiệm một thời sôi nổi của hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức (Đức Nhà Sàn), sống bằng chụp ảnh và làm thơ, yêu phố và từng bước chân long rong phố.
Toàn bộ nhịp sống của Lu gắn bó với nghệ thuật. Đó là lối sống của hiện tại, thưởng thức cuộc đời trong khoảnh khắc mà không màng đến ngày mai. Bỏ qua vùng an toàn, để thả thân vào dòng nước chảy, đó có phải là cá tính của thế hệ cuối 8X? Có thể lúc nào đó mắc cạn giữa cuộc đời, nhưng với niềm tin vào vẻ đẹp của cuộc sống, như tâm hồn Lu đang rung động với từng nhịp đập của trái tim người cùng linh cảm phố, rồi có ngày dòng sông sẽ đưa Lu ra biển lớn.
Trông nét người rắn rỏi nam tính, bỏ học vì không ưa chật chội trường lớp mà ưa lang thang chiêm nghiệm, Lu dễ làm người ta mường tượng đến hình ảnh của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, vào khoảng năm 2005. Khi ấy Linh đột ngột nổi tiếng với cuốn Chuyện của thiên tài, mà trước đó còn chưa ai biết gì về anh.
Bìa cuốn sách Lấp kín một lặng im
Như “cơn mưa ngang qua”
Lấp kín một lặng im của Lu không có những tuyên ngôn bạo dạn như trong Chuyện của thiên tài của Linh, nhưng những câu thơ làm người khác nhói tim vì rung cảm thì có.
“Đi về đến cuối
để rồi thấy cuối cũng như không
đi về đến phố
để rồi thấy phố cũng như sông” (T.30)
hay:
“Đường Hoàng Quốc Việt buổi trưa
mấy hàng cây đứng rất thừa
tiễn tôi” (T.31)
Thơ Lu mang bên trong từng câu chữ sự trong sáng hồn nhiên. Thuộc về một tâm hồn biết rung động và yêu thương mọi sự cấu thành nên nhịp sống. Đọc thơ rất dễ gặp người. Thơ là lời ca của lòng người, tiếng nhạc của tâm trí. Tính cách hay suy nghĩ đều qua thơ mà bộc lộ.
Đi qua hiện tướng của thể xác để bắt gặp tinh thần, là điều chỉ có nghệ thuật mới làm được. Đọc thơ Lu, sẽ thấy bóng một gã đàn ông phong trần mẫn cảm mà không hề yếu đuối. Cứ ngơ ngẩn nhìn một cơn mưa ngang qua, lá rơi, nước tràn loang lòng phố, vòng xe đạp, sông, vùng cỏ khô, ghế ngổn ngang, cả cái vấp chân của người thiếu nữ.
Vạn vật cuộc sống quen thuộc trôi ngang một ánh nhìn, thanh bình giản đơn nhưng bên cạnh đó là những tâm tư sâu đậm của một người ưa đi vào bản chất của sự vật để tìm ra quy luật vận hành của sinh mệnh và thiên nhiên.
“cánh cửa mở ra hằn thêm nhiều vết nứt
bức tường xanh mưa gió bạc màu
tổ ong trên mái bỏ hoang đã bao lâu
cũng không sao biết được.
cũng chẳng biết đã bao lâu rồi không còn như trước
sân thượng thôi là nơi ta thả trôi những nỗi buồn mình”.
(Sân thượng, T12-13)
Và một Hà Nội dịu dàng
Gặp Lu là gặp phố, phố của Lu là Hà Nội, nơi đã sinh thành và nuôi dưỡng anh. Hà Nội của Lu mang một nỗi buồn thẳm sâu mà hết sức dịu dàng, được viết bằng ngôn từ giản dị như tuôn thẳng từ dòng cảm xúc mà không cần “làm màu” câu chữ.
Lu viết thơ mà không chú ý nhiều lắm đến việc tìm kiếm từ “đắt”. Đó là cách viết chỉ muốn kể lên một câu chuyện, dựng lên khung cảnh, nhuộm màu trầm rồi đặt nhân vật nhẹ nhàng vào bên trong. Không có từ mới nào được tạo lập từ thơ của Lu, một lựa chọn của người chẳng kỳ vọng vào sự chuyên nghiệp trên con đường văn chương của mình. Lu làm thơ tự nhiên như hơi thở, với vùng nguyên liệu dồi dào xung quanh và sẵn có. Chủ ý duy nhất của Lu, là cách sắp xếp đặt bày câu thơ trên trang sách, như thể một bức tranh xinh xinh nho nhỏ.
Tập thơ không dày dặn, chữ nghĩa cũng hết sức ngắn gọn, được dàn ra hơn trăm trang sách, có trang chỉ dành cho vỏn vẹn hai dòng thơ. Cầm lên, đọc chậm cũng chỉ vài tiếng là xong. Để thấy mình trôi đi trong một cung nhạc nhẹ nhàng mà vẫn đọng lại dư vị của một ngày trong phố, dù mưa hay nắng thì vẫn mang vẻ đẹp ngọt ngào.
Quỳnh Trang
Thể thao & Văn hóa
Tags