(Thethaovanhoa.vn) - Để diễn giải một Manchester United theo “phong cách Forrest Gump”, xin được biến tấu một câu nói trong bộ phim nổi tiếng ấy: “Manchester United giống như một hộp chocolate. Bạn không bao giờ biết được mình sẽ nhận được những gì”.
Tuần này qua tuần khác, họ thay đổi không ngừng. Louis van Gaal đã dùng đến 6 hệ thống chiến thuật cho Manchester United sau 13 vòng đấu Premier League. Khởi đầu với 3-4-1-2. Thất bại. Cố gắng với 3-3-3-1. Không khá hơn. Bị giới chuyên môn chê tơi bời, như cựu cầu thủ Gary Neville nói thẳng: “3-5-2 không phải một cách chơi bóng đá”, chính Louis van Gaal nhận thấy không thể bướng bỉnh với chỉ một công thức. 4-3-1-2 ra đời, với các biến thể 4-2-3-1 và 4-1-4-1. Thành tích của Man United khá hơn.
Luôn luôn biến động
Sau trận thắng 3-0 trước Hull City, Louis van Gaal khen ngợi công khai: “Đấy là màn trình diễn tốt nhất từ đầu mùa”. Lần đầu tiên Man United kiểm soát trận đấu từ đầu đến cuối, không gặp rắc rối trong phối hợp, ghi bàn, hoặc chống phản công. Ngay chấn thương của Di Maria cũng không khiến họ bối rối: Van Gaal tung Ander Herrera vào thay, Man United thay đổi kế hoạch từ 4-1-4-1 sang 4-1-2-1-2. Không vấn đề. Ba bàn được ghi. Van Persie phá dớp tịt ngòi, và Man United thắng trận thứ ba liên tiếp. Lần đầu tiên từ tháng 12/2013 họ mới đạt được thành tích này.
Man United giành chiến thắng 3-0 trước Hull City
Van Gaal giữ nguyên vẹn những gì làm nên tên tuổi ông từ đầu sự nghiệp: Cực kì quyết đoán trong các quyết định, và rõ ràng với các mục tiêu. Ông không sợ dùng Tyler Blackett, một cầu thủ mới 20 tuổi, không chỉ ở vị trí trung vệ mà còn đá hậu vệ biên. Ông cho McNair ra mắt, sử dụng trở lại Adnan Januzaj sau thời gian đầu ngỡ như bỏ quên. Di Maria đã chơi đủ vị trí trong hàng tiền vệ, tương tự Juan Mata. Ander Herrara không chắc suất sau khi trở lại từ chấn thương và Carrick bình phục. Marouane Fellaini khiến giới chuyên môn tròn xoe mắt: Từ cầu thủ chân trước chân sau rời đội, trở thành nhân tố quan trọng bậc nhất của tuyến giữa. Mỗi ngày, Van Gaal cho chúng ta thưởng thức một hương vị chocolate.
Nó không chỉ có vị ngọt ngào, mà còn có cả vị đắng của thất bại. Nhưng sau 13 vòng đấu, Van Gaal đã cho mọi người hiểu rằng ông không phải một vị thánh. Ông là một HLV và là người tái thiết, nghĩa là ông cần thời gian, ông thực tế và cần được phép sai lầm. Trong giai đoạn sở hữu đội hình chắp vá bậc nhất lịch sử, Man United được so sánh với Real Madrid của phần đầu năm 2004: Những Zinedine Zidane và những Ronaldo gánh trên vai những Francisco Pavon và những Thomas Gravesen. Như những Wayne Rooney và Di Maria gánh trên vai những Mc Nair và những Ashley Young. Quan trọng là chọn đúng con đường đi tìm lại bản ngã của mình, và cũng là tìm lại niềm tự hào đã mất.
Sự kiên định của Van Gaal
Các đội bóng của Louis van Gaal đều cần thời gian làm quen với sự khác thường của HLV này. “Tôi không huấn luyện đôi chân cầu thủ như các HLV khác. Tôi huấn luyện bộ não của họ”. Để hơn hai chục bộ não hiểu rằng tay HLV mới muốn gì ở mình, hoặc trong sơ đồ này mình sẽ đá ở đâu, anh ta vào sân thì mình sẽ di chuyển khác đi như thế nào, chắc chắn không giống việc chăm chăm đá quả bóng sao cho thật chuẩn. Van Gaal vẫn luôn rất kiên định vào con đường của mình, và dùng sự kiên định đó thuyết phục cầu thủ.
Van Gaal từng cho Clarence Seedorf dự chung kết Champions League năm 19 tuổi
“Bạn đã thấy trong suốt sự nghiệp, tôi bị cho là kiêu ngạo”, ông nói ngày 7/11 trên Telegraph. “Nhưng khi bạn theo dõi xuyên suốt sự nghiệp của tôi, bạn sẽ thấy tôi tự tin. Không phải kiêu ngạo. Đấy là tin vào bản thân mình, vào các cầu thủ, vào cấu trúc và cách tổ chức của đội bóng”. Ông vẫn tự hào rằng mình biết nhìn người, dám cho người trẻ cơ hội và dám đi ngược lại những tiên đề. “Tôi đã dùng một cầu thủ 19 tuổi chơi ở Champions League”, Van Gaal trên Independent của Ireland ngày 2/12. “Clarence Seedorf đã dự chung kết Champions League năm 19 tuổi. Patrick Kluivert ghi bàn ở tuổi 18 (trước AC Milan)”.
Đó là thứ, như Van Gaal nói, “một tầm nhìn rõ ràng”, yếu tố hết sức quan trọng trước mọi cuộc thay đổi. Van Gaal rõ ràng với chính ông (“Tôi không kiêu ngạo, mà là tự tin”), rõ ràng với các nhà báo (“Hỏi đi, câu nào cũng được, tôi không giấu gì hết”, trên Independent của Ireland ngày 2/12), và đặc biệt rõ ràng với các cầu thủ. Shinji Kagawa không cần phải bóp trán nghĩ tại sao David Moyes tảng lờ đi dù anh mạnh khỏe, bởi Van Gaal đã nói thẳng với anh ngay từ giai đoạn tập huấn đầu mùa. “Kagawa là số 10 ở Dortmund, nhưng tôi muốn anh ta chơi vị trí số 6 và số 8”, ông nói thẳng trên truyền thông. Ông cho Kagawa cơ hội, dùng anh ở vị trí tiền vệ trung tâm trong suốt thời gian ở Mỹ. Nhưng “Kagawa không đáp ứng được mong muốn của tôi, triết lý của tôi”. Kagawa trở về Dortmund.
Cứ đi rồi sẽ đến
Tiền đạo Robin van Persie nhận xét: “Tôi đã làm việc với ông ấy 2 năm (ở tuyển Hà Lan) và ông ấy rất rõ ràng. Ông ấy rõ ràng ở cách yêu cầu cầu thủ mỗi ngày. Tôi biết vị trí của mình ở đâu và sẽ giúp cầu thủ khác thế nào”. Giggs tin tưởng: “Ông ấy hết sức tự tin. Dù đội bóng có thay đổi và biến động thế nào cũng không thể làm ông ấy sợ”.
Ngay trước khi Manchester United tiếp Valencia trong trận giao hữu đầu mùa giải ngày 12/8, Van Gaal gặp Fellaini trong văn phòng. Cầu thủ người Bỉ đã đặt 1 chân ra khỏi Old Trafford và trước mặt anh, Napoli mời chào. Nhưng Van Gaal khiến anh bất ngờ. Thay vì bảo cậu được tự do ra đi, Van Gaal nhắc rằng Fellaini là một phần trong dự án của ông tại Man United. Khi Fellaini bị chấn thương bàn chân vào giữa tháng 8, Van Gaal cho phép anh về Bỉ tập trung bình phục.
Van Gaal giúp Fellaini thi đấu tiến bộ ở Man United
Tiền vệ này trở thành một trụ cột của hàng tiền vệ hiện nay. Anh vào sân trận gặp West Brom, ghi bàn, và từ đó trở về sau luôn đá chính. David Moyes đã cố gắng khai thác anh như một số 10 sau các tiền đạo. Van Gaal sau này mới bảo: “Tôi nhận thấy sự cần kíp của một tiền vệ phòng ngự”.
Anh chàng Forrest Gump đã chạy suốt cuộc đời mình. Chạy khi bị bạn bè chòng ghẹo. Chạy trốn khỏi những hiểm nguy. Chạy trốn súng đạn trong trận chiến. Chạy vòng quanh nước Mỹ mà… chẳng để làm gì. Chạy như một nhu cầu và không bao giờ ngoảnh lại. Anh thích ứng với chỉ số IQ thấp kém và gian truân của đời thực bằng nguyên tắc đơn giản: “Khi mệt, tôi nghỉ. Khi đói, tôi ăn. Và tôi lại chạy”.
Rất giống hành trình của Louis Van Gaal ở Man United mùa này: Cứ đi, rồi sẽ đến.
Lịch thi đấu “bão táp” của Man United Ngày 2/12: Stoke City (Sân nhà) Ngày 8/12: Southampton (Sân khách) Ngày 14/12: Liverpool (SN) Ngày 20/12: Aston Villa (SK) Ngày 26/12: Newcastle United (SN) Ngày 28/12: Tottenham Hotspur (SK) Ngày 1/1: Stoke City (SK) Ngày 3/1: Vòng 3 FA Cup |
Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags