Lời cám ơn muộn…

Thứ Tư, 24/07/2019 06:54 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối cùng thì những đàm tiếu về cô gái trong vụ bắt cướp tại Bình Dương đã khép lại - khi vào chiều qua 23/7, “nhân vật chính” đã tìm gặp hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải để cám ơn, đồng thời mong có sự thông cảm về cách xử sự trước đó của mình.

Đừng 'tiết kiệm' lời cám ơn

Đừng 'tiết kiệm' lời cám ơn

Buổi trưa một ngày giữa tuần mới đây (15/6), tôi ghé vào một cây ATM để rút tiền. Khi tôi đang thực hiện những thao tác rút tiền của mình, thì tại buồng bên cạnh có một người thanh niên, khoảng chừng gần 30 tuổi cũng đang rút tiền.

Mọi việc bắt đầu từ ngày 22/7, khi nhóm “hiệp sĩ đường phố” của Nguyễn Thanh Hải phát hiện 2 đối tượng khả nghi tại Bình Dương. Bị rượt đuổi suốt 15km đường phố, 2 đối tượng này đã dùng hơi cay chống trả quyết liệt, trước khi Hải và các bạn bắt giữ một tên, kèm theo chiếc xe máy vừa lấy cắp. Các anh dẫn tên trộm về tận nhà chủ nhân chiếc xe để trả lại…

Để rồi, clip được ghi lại trong buổi gặp gỡ cho thấy: các hiệp sĩ đều hụt hẫng trước  những gì xảy ra. Sau khi xác nhận chiếc xe của mình vừa bị mất, chủ nhân của nó - một nữ sinh viên - hồn nhiên không nói một lời cám ơn với các hiệp sĩ mà còn nói: “Em mới mất xe, tuy nhiên các anh không bắt thì em báo công an họ cũng bắt được, nhà em có camera”.

Tất nhiên là các hiệp sĩ buồn - dù họ làm việc thiện, không vì mục đích vụ lợi. Khi clip được chia sẻ trên mạng, chủ nhân của chiếc xe lập tức nhận được một cơn bão những lời chỉ trích, đàm tiếu và cả mạt sát của cộng đồng.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Cơn bão” ấy ngày càng dâng cao, dù nhân vật chính phải khóa Facebook , còn các hiệp sĩ cũng đã lên tiếng đỡ lời. Mọi thứ chỉ dịu dần khi lời cám ơn cuối cùng cũng được đưa ra vào chiều qua, chậm 24 giờ so với thời điểm nó cần xuất hiện.

Như lời giải thích, khi ấy cô quá vui, quá bất ngờ và bối rối nên quên cám ơn các hiệp sĩ.

***

Cám ơn, về bản chất, là một ứng xử văn hóa. Nó không chỉ mang theo sự biết ơn đối với người cho, đem niềm vui tới người nhận, mà còn làm người trong cuộc xích lại với nhau hơn và theo một nghĩa nào đó, vị tha hơn. Bởi thế, cũng chẳng có gì sai khi nói rằng lời cám ơn là một trong những chuẩn mực để đánh giá tư cách mỗi người.

Và cũng bởi thế mà ở tất cả các lớp mẫu giáo hay trong mỗi gia đình, chúng ta luôn thấy việc nói lời cám ơn (hoặc mang nghĩa cám ơn) là yêu cầu đầu tiên mà người lớn luôn trông đợi và hướng dẫn trẻ em thực hiện. Cũng như trong mắt chúng ta, một đứa trẻ ngoan luôn phải biết nói lời cám ơn một cách tự nhiên mà không cần thúc ép.

Thẳng thắn, dù ở giai đoạn nào của xã hội, chúng ta vẫn thường xuyên thấy trẻ nhỏ nói lời cám ơn khi cần. Đơn giản, với những gì được dạy từ nhỏ, việc sử dụng 2 chữ “cám ơn” đã trở thành thói quen và luôn thường trực trong ý thức các em. Việc ngại dùng, quên dùng hoặc không muốn dùng từ cám ơn chỉ diễn ra đối với những trường hợp… đặc biệt.

Sẽ có rất nhiều cách giải thích để nói về việc xã hội bây giờ còn thiếu vắng lời cám ơn. Có thể, điều ấy đến từ việc những giá trị đạo đức đang bị xáo trộn quá mức, từ việc một số người, thậm chí là có vị trí trong xã hội, nhưng nền tảng văn hóa từ gia đình lại khá chông chênh - hoặc từ cách mà nhiều người lập luận: bối cảnh bây giờ dễ khiến người ta có tâm lý hồ nghi, dè dặt và không dễ tin vào những điều tốt đẹp đủ để nói lời cám ơn khi cần thiết.

Dù là lý do gì đi nữa, cũng chẳng dễ để nói rằng một lời cám ơn muộn màng và gượng ép thì vẫn còn tốt hơn là việc người ta đã mất hẳn thói quen cám ơn.

Anh Bảo

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›