Linh tinh tình phộc hay hoa hồng xanh!?

Thứ Sáu, 14/02/2014 09:07 GMT+7

Google News


(Thethaovanhoa.vn) - 1. Ngày Valentine thường trùng dịp lễ hội đầu Xuân. Vậy là khi người lớn râm ran chuyện lễ hội, khai Xuân thì người trẻ lại bận rộn suy nghĩ về ngày lãng mạn nhất năm.

Rõ ràng, đây là ngày lễ của phương Tây. Một tích chuyện từ thế kỷ thứ 3 kể rằng, thành Rome nằm dưới sự cai trị của Hoàng đế Claudius. Claudius muốn xây dựng một đội quân hùng mạnh, tất cả đàn ông phải tham gia quân đội. Thế là, ông ta không cho phép người đàn ông nào được kết hôn. Nhưng linh mục Bishop Valentine bất chấp lệnh cấm vẫn se duyên cho các cặp tình nhân.

Valentine bị kết án tử hình nhưng ngày ông tử vì đạo, chết vì tình yêu, đã trở thành ngày tình yêu trên toàn thế giới.

Valentine được du nhập vào Việt Nam hơn chục năm nay, chủ yếu với những người trẻ hướng ngoại và hội nhập nhanh. Với người trẻ, tiếp thu cái mới dễ hơn, quà tặng cho tình nhân cũng ngày càng độc và lạ, như năm nay, không chỉ thiệp Valentine, hoa hồng, sô-cô-la….nhiều người phát sốt với hoa hồng xanh dương, hồng 7 màu...

Hai loại hoa này được nhập khẩu từ xứ sở hoa Hà Lan. Loại hoa màu xanh dương được bán với giá 150 nghìn đồng mỗi bông, còn hồng bảy màu giá 250 nghìn đồng. Với mức giá như vậy, có bó hoa có giá hàng chục triệu đồng.

2. Việt Nam đang mùa lễ hội, có cả lễ hội tình yêu chỉ cách đây vài ngày. Hẳn nhiều người biết lễ hội Trò Trám, hàng vạn người nô nức tìm về Phú Thọ để tận mắt chứng kiến lễ hội “Linh tinh tình phộc” diễn ra vào đêm 11 rạng sáng ngày 12 tháng Giêng.

Ở đó, cặp sinh thực khí, “nõ” và “nường” làm bằng gỗ được thờ trong miếu hẳn hoi. Đúng 0 giờ, lúc giao hòa giữa trời và đất, cụ thủ từ miếu Trò thắp hương và rước “nõ, nường” trao cho đôi nam nữ đã được chọn từ trước. Đôi vợ chồng được tuyển chọn cầm nõ và nường là cặp đôi yêu nhau tha thiết, sống thuận hòa.

Đèn, nến đều tắt, cụ chủ tế hô “linh tinh tình phộc,” hai nhân vật chính là nam cởi trần đóng khố cầm nõ, nữ mặc váy đeo yếm đào cầm nường làm các thao tác tượng trưng hoạt động tính giao.

Trong đêm tối, chủ tế nghe “cạch” đủ ba tiếng, đèn sáng lại. Phút ấy gọi là phút “thiêng”, “dập” chiêng trống để mừng và kính cáo với thần linh, thiên địa biết “lễ mật” đã thành công.

Xưa kia, sau 3 câu khẩu lệnh, chủ tế sẽ tô hô to “tháo khoán”. Mọi người hò reo, nam nữ đuổi bắt nhau. Và đêm ấy là đêm của tình yêu. Thanh niên, nam nữ được tự do tâm tình, cởi mở tấm lòng... Những đứa trẻ sinh ra từ đêm “Linh tinh tình phộc” tính theo ngày được làng trọng thưởng.

Còn một ngày khác, theo văn hóa phương Đông, ngày lễ tình yêu được tổ chức vào ngày Thất tịch (7 tháng 7 Âm lịch). Ngày này gắn với câu chuyện về vợ chồng Ngâu, Ngưu Lang Chức Nữ. Ở Việt Nam, cũng có nói đến ngày này, nhưng chẳng cặp tình nhân, đôi vợ chồng nào tặng quà hay ăn mừng cả.

Thế mới thấy, sức mạnh của hội nhập. Dù chưa lâu, nhưng ngày Valentine hằng năm đã trở thành lễ kỷ niệm với nhiều người. Chỉ có điều, cứ vào dịp Valentine, trên báo chí nước ta nhan nhản các thông tin, như: “Cháy nhà nghỉ vì Valentine” hay “Dại một giờ” vì đi chơi với người yêu đêm Valentine”… Âu cũng là điều khó tránh thời văn hóa hội nhập. Cũng là “Linh tinh tình phộc” nhưng kín đáo hơn, trong nhà nghỉ, khách sạn.

Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›