Liên tiếp xâm phạm bản quyền mỹ thuật: Chỉ xin lỗi, xin lỗi và xin lỗi

23/05/2019 08:20 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhóm họa sĩ bị xâm phạm bản quyền tranh in lên áo dài đã quyết định công khai group với tên gọi “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa” và ngay sau đó, không ít họa sĩ đã lên tiếng kêu than khi những “đứa con tinh thần” của họ đã bị trắng trợn xâm phạm.

Quy chế giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh: Sẽ không còn tranh nhái, ảnh chôm?

Quy chế giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh: Sẽ không còn tranh nhái, ảnh chôm?

Những lùm xùm không hồi kết liên quan đến câu chuyện tác quyền mỹ thuật, nhiếp ảnh đã đặt ra sự cần thiết hơn bao giờ hết về một hành lang pháp lý đưa công tác giám định tác phẩm trong hai lĩnh vực nghệ thuật này đi vào nề nếp.

Gần nhất là vụ việc họa sĩ Hà Hùng Dũng bất ngờ phát hiện 15 bức tranh của anh đã bị sao chép để vẽ lên tường cho một CLB thuộc Khách sạn Pao’s (Sa Pa, Lào Cai). Vụ việc sau đó cũng đã tạm coi là có động thái xử lý hậu quả, tuy nhiên những mất mát tinh thần và vật chất của họa sĩ, điều vốn khó đong đếm thì lại vẫn tiếp tục không được giải quyết thấu đáo.

Như chốn không người

Trong lần triển lãm tranh tại Sa Pa, họa sĩ Hà Hùng Dũng đã rất bất ngờ khi phát hiện một đơn vị tự xưng là tranh tường Trần Tuân (Hà Nội) sao chép toàn bộ 15 bức tranh của anh để vẽ lên tường cho Mẩy Club, thuộc khách sạn Pao’s (Sa Pa, Lào Cai). Họa sĩ bày tỏ nỗi bất bình bởi mỗi “đứa con tinh thần” đều là những tâm huyết, trăn trở của mình nhưng lại bị trắng trợn sao chép mà không hề hỏi ý kiến cũng như trả tiền bản quyền.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh
 Tác phẩm gốc của Hà Hùng Dũng (ảnh trên) và tác phẩm bị sao chép trái phép tại Mẩy Club thuộc khách sạn Pao’s Sa Pa

Thế nhưng, khi họa sĩ Hà Hùng Dũng chủ động liên hệ thì thái độ của người đứng đầu tranh tường Trần Tuân lại bao biện, cho rằng việc “vẽ lại” tranh không phải cố ý đánh cắp bản quyền. “Bọn em là sinh viên, vẽ tranh để kiếm thêm chút thu nhập...”, người đứng đầu tranh tường Trần Tuân trả lời Hà Hùng Dũng. Hồn nhiên không kém khi giải thích về sự tự ý sử dụng các tác phẩm này, tranh tường Trần Tuân nói rằng vì chủ đầu tư (khách sạn Pao’s) giao thực hiện đề tài về các cô gái dân tộc nên đã lên mạng tìm kiếm và phát hiện ra những bức tranh của Hà Hùng Dũng. Đơn vị này đã chép các tác phẩm của họa sĩ lên tường và tiện tay sao luôn lên một số chất liệu khác, sau đó đóng khung để trang trí cho không gian của Mẩy Club.

Mặc dù “ngại va chạm” nhưng sự trắng trợn từ phía đơn vị xâm phạm bản quyền đã khiến nạn nhân vụ việc hết sức bất bình. “Họ nói với tôi như đó chỉ là một sự vô tình, nhưng thực tế họ đã kiếm lời trên mồ hôi, nước mắt của tôi...”, anh chia sẻ cùng báo chí.

Khách sạn Pao’s đã lên tiếng xin lỗi họa sĩ Hà Hùng Dũng và gửi tới họa sĩ chứng cứ phá hủy các bức tranh có sai phạm. Giám đốc Khách sạn cho biết, Ban Giám đốc khách sạn Pao’s có nhận được ý kiến phản ánh của họa sĩ Dũng trên Facebook cá nhân về việc các tác phẩm nghệ thuật của anh bị nhóm vẽ tranh tường sao chép. Ngay sau khi biết sự việc, khách sạn đã gửi công văn yêu cầu đơn vị phụ trách thiết kế Mẩy Club và bên vẽ tranh tường giải trình, khẩn trương xử lý.

“Sơ suất trong khâu kiểm duyệt của nhà thầu thiết kế cùng sự thiếu trách nhiệm và không chuyên nghiệp của nhóm vẽ tranh đã dẫn đến sự việc đáng tiếc này. Các bên liên quan đến sự việc đã tiến hành họp khẩn, theo đó, bên vẽ tranh đã nhận hoàn toàn trách nhiệm. Khách sạn Pao’s Sa Pa cũng đã nghiêm túc yêu cầu bên vẽ tranh phải công khai gửi lời xin lỗi đến tác giả của tác phẩm gốc là họa sĩ Hà Hùng Dũng, đồng thời, với thiện chí cũng như mong muốn bảo vệ tác quyền của họa sĩ, Ban quản lý khách sạn đã chỉ đạo tháo dỡ, xóa bỏ tất cả hạng mục tranh vi phạm. Việc niêm phong tranh tường, dỡ bỏ tranh treo nêu trên đã được hoàn thành vào chiều ngày 18/5”, thư xin lỗi của Pao’s gửi họa sĩ Hà Hùng Dũng viết.

Mặc dù nhận được chứng cứ các bức tranh vi phạm bản quyền đã bị phá hủy, nhưng chắc rằng những nạn nhân bị xâm phạm bản quyền như Hà Hùng Dũng không thể nào vui. Hồn nhiên sao chép, đạo nhái tranh như chỗ không người, cách làm ăn chộp giật như tranh tường Trần Tuân không hiếm. Một câu hỏi được đặt ra, sau khi hủy các bức tranh tường vi phạm bản quyền thì những thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần cho họa sĩ liệu có được đền bù?

Chú thích ảnh
Tranh tường vi phạm đã bị hủy

Ngại kiện tụng mãi sao?

Họa sĩ Hà Hùng Dũng cho biết, bản thân anh vốn ngại kiện tụng. Tuy nhiên, vụ việc lần này khiến anh rất bức xúc về việc bị đánh cắp sở hữu trí tuệ ngang nhiên. Họa sĩ cũng đã nhờ phía luật sư tư vấn về cách thức xử lý vụ việc, nếu các bên liên quan không chịu giải quyết, có khả năng anh sẽ kiện ra tòa.

Cũng là một “nạn nhân” bị xâm phạm bản quyền, họa sĩ Đặng Tiến cho biết một cơ sở trang trí nội thất tại Hà Nội đăng quảng cáo, trong đó có 3 bức tranh chép từ tranh của ông. Khi liên lạc với chủ cơ sở, ông đã nhanh chóng nhận được lời xin lỗi cùng những hình ảnh chụp lại quá trình hủy những bức tranh chép vi phạm bản quyền. Ghi nhận thiện ý sửa sai, họa sĩ Đặng Tiến bày tỏ mong muốn những chuyện tương tự sẽ ngày càng hạn chế.

Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, câu chuyện bản quyền mỹ thuật nếu muốn rạch ròi thì phải có giải pháp xử lý kiên quyết hơn là xin lỗi suông. Khi mạng xã hội lên ngôi, các họa sĩ vừa có thêm những cơ hội quảng bá, giới thiệu tác phẩm, nhưng cũng phải đối diện thách thức trở thành “nạn nhân” của xâm phạm bản quyền. Bất bình nhưng lúng túng như Hà Hùng Dũng, hay ghi nhận thiện chí và bỏ qua như họa sĩ Đặng Tiến, Bùi Trọng Dư... trong giới mỹ thuật không ít. Nhiều luật sư cho rằng, hầu hết các vụ xâm phạm bản quyền tranh khi bị phát hiện trước giờ đều nhanh chóng “chìm xuồng” là do các tác giả chưa làm đúng trình tự pháp luật và thiếu quyết tâm đi đến tận cùng của sự việc.

Theo luật sư Tám Trần (luật sư bản quyền, công ty IPCom Việt Nam), khi phát hiện ra tranh bị “đạo” in lên vải, vẽ lên tường thì bước đầu tiên cần làm là thu thập chứng cứ xâm phạm. Đại đa số các họa sĩ đều bỏ qua bước này và chỉ chụp lại ảnh để làm bằng chứng. Nếu khởi kiện ra tòa dân sự, những bức ảnh chụp này hầu hết không có giá trị.

Như vậy, cho tới thời điểm hiện tại, các họa sĩ bị xâm phạm bản quyền đều đã để các công ty vi phạm xóa dấu vết mà chưa kịp lập vi bằng. Luật sư Tám Trần cũng tư vấn cho các họa sĩ các bước tiếp theo trong việc yêu cầu các đơn vị xâm phạm bản quyền phải thực hiện đúng là liên hệ bên xâm phạm yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại, nếu có. Tiếp đó là yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý xâm phạm (nếu bước 2 không hiệu quả). Bước thứ 3 này chính là việc khởi kiện ra tòa án dân sự hoặc nhờ tới các cơ quan chức năng như thanh tra văn hóa, quản lý thị trường vào cuộc).

Luật sư Tám Trần cho rằng, việc thu thập chứng cứ và lập vi bằng là cực kỳ quan trọng. Đặt vào trường hợp của họa sĩ Hà Hùng Dũng bị tranh tường Trần Tuân vi phạm tác quyền của 15 bức tranh, luật sư Tám Trần nhận định, nếu bước đầu tiên được tuân thủ, ngay cả khi khách sạn Pao’s đã niêm phong các bức tranh tường và xóa sạch các bức tranh chép, họa sĩ vẫn hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường.

Tuy nhiên, cho tới nay, nhiều họa sĩ Việt Nam hầu như đều bỏ qua bước này. Vì thế, kết quả tốt nhất họ nhận về chỉ là lời xin lỗi của phía sai phạm và hủy bỏ các sản phẩm có sử dụng bản quyền tác phẩm. Sau vụ liên quan đến khách sạn Pao’s Sa Pa, họa sĩ Hà Hùng Dũng lại phát hiện thêm một cơ sở spa mang tên “Junhee beauty Academy” ở Hà Nội sao chép tranh của anh lên tường. Bản thân họa sĩ đang rất mệt mỏi khi phải chạy theo các vụ việc liên quan tới bản quyền tranh.

Khi phát hiện ra tranh bị “đạo” in lên vải, vẽ lên tường thì bước đầu tiên cần làm là thu thập chứng cứ xâm phạm. Đại đa số các họa sĩ đều bỏ qua bước này và chỉ chụp lại ảnh để làm bằng chứng. Nếu khởi kiện ra tòa dân sự, những bức ảnh chụp này hầu hết không có giá trị.

(Luật sư Tám Trần, luật sư bản quyền, công ty IPCom Việt Nam)

Theo Hoàng Ngân - Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm