(Thethaovanhoa.vn) - Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm Khu Đền tháp Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, ngày 3/12, Ban tổ chức hoạt động kỷ niệm 20 năm Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn tổ chức Tọa đàm chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành cùng di sản”.
Hơn 100 doanh nghiệp lữ hành tham gia buổi tọa đàm và đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi nhằm khai thác và đảm bảo bền vững cho di sản.
Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn nhấn mạnh, những năm trước đây, di sản chủ yếu dựa vào nguồn chính là khai thác tài nguyên sẵn có, chưa khai thác được sản phẩm du lịch đặc thù, có hàm lượng văn hóa cao. Tuy nhiên, sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới và được sự trợ giúp của chính quyền và ngành chức năng, sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là sự nhập cuộc của các doanh nghiệp lữ hành, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Từ một phế tích, Di sản thế giới Mỹ Sơn đã trở thành điểm đến thu hút nhiều khách tham quan và trở thành hạt nhân trong đà bứt tốc phát triển của ngành du lịch Quảng Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh cho rằng, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn là tiềm năng vô giá, là sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Quảng Nam trong Hành trình Di sản Miền Trung. Tuy nhiên, để di sản phát huy được giá trị một cách bền vững cần có sự kết nối, chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp lữ hành và người dân địa phương. Mặt khác, hạ tầng hỗ trợ cho du lịch Mỹ Sơn nói riêng và hạ tầng cho du lịch sinh thái, du lịch văn hóa của tỉnh Quảng Nam nói chung cần được đầu tư đồng bộ hơn để thu hút ngày càng nhiều lượng khách du lịch có chất lượng đến tham quan.
Chia sẻ những băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp lữ hành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhận định: Để khai thác bền vững tiềm năng Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, để du lịch Mỹ Sơn trở thành vùng động lực, cần có sự đồng hành của doanh nghiệp với cộng đồng và chính quyền địa phương; đồng thời, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình dịch vụ, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của du khách. Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp cần có sự chia sẻ, kết nối rộng và có chất lượng hơn giữa Mỹ Sơn và các trung tâm du lịch trong khu vực và cả nước nhằm đưa sản phẩm du lịch Mỹ Sơn lan tỏa ngày càng sâu rộng hơn.
Trong năm 2019, lượng khách du lịch đến Quảng Nam ước đạt gần 7,7 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế chiếm gần 4,5 triệu người, trong khi đó lượng khách đến Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn chỉ đạt khoảng 420.000 lượt người. Nếu du lịch Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn không tự làm mới mình, du khách sẽ không tìm đến.
Do đó, bên cạnh việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và phát triển các sản phẩm du lịch mới có hàm lượng văn hóa cao, cộng đồng doanh nghiệp du lịch cam kết sẽ chung tay xây dựng và gìn giữ thương hiệu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, tạo sự liên hoàn liên kết các sản phẩm du lịch, nâng tầm giá trị sản phẩm, hướng tới phát triển du lịch bền vững và thân thiện.
Đoàn Hữu Trung/TTXVN
Tags