Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn đang tồn tại trong thế giới hiện đại.
Ttrong thông điệp trên, ông Ban Ki-moon đặc biệt nhấn mạnh tới nỗi thống khổ mà phụ nữ và các bé gái phải chịu đựng trong chế độ nô lệ cũng như các hoạt động buôn bán nô lệ. Họ phải chịu đựng nhiều hình thức bạo lực khác nhau, từ cách đối xử thô bạo, bị đánh đập, đến bạo lực tình dục, bị bắt làm việc trong các nhà chứa, bị buộc phải bán con, hay phải làm khổ sai...; song, những người phụ nữ luôn dũng cảm đấu tranh vượt qua tất cả.
Vì vậy, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị chọn chủ đề "Phụ nữ và chế độ nô lệ” làm chủ đề chính cho ngày quốc tế truyền thống năm nay tưởng nhớ các nạn nhân của chế độ nô lệ và nạn buôn bán nô lệ.
Ông kêu gọi toàn thế giới đấu tranh chống mọi biểu hiện của chế độ nô lệ, buôn bán người và có những biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ phụ nữ và các bé gái, giúp họ chống lại mọi hành vi bạo lực, thực hiện bình đẳng giới cũng như tất cả các quyền cơ bản của con người theo các công ước và luật pháp quốc tế.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh một thực tế đáng buồn rằng hiện nay tình trạng buôn bán người vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, và các nạn nhân phải làm việc như khổ sai, bị tước các quyền cơ bản, không được trả lương đầy đủ, thậm chí rất nhiều người bị cưỡng bức lao động tình dục...
Theo ông Ban Ki-moon, đây thực sự là vết nhơ của nền văn minh nhân loại, không được phép tồn tại, vì thế, mọi người, mọi cộng đồng dân cư và tất cả các quốc gia cần hợp tác, kiên quyết đấu tranh, trừ khử tận gốc mọi biểu hiện của chế độ nô lệ và tình trạng buôn bán người.
Cùng ngày, trong khuôn viên trụ sở chính của Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ) đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài tưởng nhớ các nạn nhân của chế độ nô lệ.
Ngoài ra, nhiều hoạt động khác, như míttinh, hội thảo và biểu diễn ca múa nhạc cũng đã được tổ chức tại New York để tưởng nhớ các nạn nhân của chế độ nô lệ, kêu gọi mọi người cùng đấu tranh chấm dứt vĩnh viễn chế độ tàn bạo này.
Tags