LHP Sundance 'nã đại bác' vào nạn bạo lực súng đạn ở Mỹ

Thứ Năm, 28/01/2016 18:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tình trạng bạo lực do sử dụng súng ở Mỹ đã trở thành chủ đề tâm điểm tại LHP Sundance năm nay, nơi có tới 4 bộ phim tập trung vào các khía cạnh khác nhau của vấn đề này cũng nhưng tác động của nó tới cộng đồng.

Một trong những tác phẩm lấy cảm hứng từ đề tài này là Newtown, bộ phim tài liệu tập trung vào hậu quả của vụ thảm sát năm 2012 tại một trường học ở Connecticut, khiến 20 trẻ em thiệt mạng. Phim được dự đoán là thổi bùng các cuộc tranh luận về kiểm soát súng ở Hoa Kỳ, nơi các vụ xả súng xảy ra ngày càng phổ biến.

Các bộ phim được trình chiếu trong bối cảnh tình trạng bạo lực do lạm dụng súng đang là chủ đề nóng trong cuộc chay đua giành chức Tổng thống ở quốc gia này.

"Tôi muốn mọi người nhìn bộ phim như một bức tranh chân thật (về vấn nạn này)" - Kim Snyder, đạo diễn phim Newtown, phát biểu tại một cuộc thảo luận trong khuôn khổ LHP - "Mục tiêu chính của tôi là cố gắng để mọi người nhận thức được rằng, những việc đang xảy ra ngoài kia là rất nguy hiểm và không ai trong chúng ta có thể kiểm soát được chúng".


Những cảnh được trích từ phim "Under the Gun", "Newtown", "Dark Night" (từ trên xuống). Ảnh: Buzz Feed

Nội dung của Newtown xoay quanh những hỗn loạn mà cộng đồng phải đối mặt sau vụ thảm sát kinh hoàng. Một số bậc cha mẹ mất con đã chia sẻ về cuộc sống đầy tổn thương của mình, đồng thời bày tỏ quyết tâm thúc đẩy các đạo luật kiểm soát súng đạn.

"Chúng tôi hiểu rằng đây là một câu chuyện cần được kể lại" - Mark Barden, người đã mất con trai út Daniel của mình trong vụ thảm sát, chia sẻ với khán giả sau buổi chiếu ra mắt tại LHP Sundance - "Chúng tôi cảm thấy đây là một bộ phim có ý nghĩa quan trọng ... đối với đại đa số những người thực sự quan tâm đến vấn đề này".

Một phim tài liệu khác mang tên Under the Gun (Dưới họng súng) lại khám phá cuộc chiến giữa những người ủng hộ và phản đối các biện pháp thắt chặt kiểm soát súng đạn tại Mỹ.

Qua lời kể của cựu nhà báo Mỹ Katie Couric và đạo diễn Stephanie Seochtig, bộ phim mở đầu bằng một tin nhắn đáng ngại: "Trước khi bộ phim này kết thúc, sẽ có thêm 22 người sẽ bị bắn và 6 trong số đó sẽ chết".

Ngoài khám phá quyền lực chính trị của Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA) - phe ủng hộ việc phổ biến súng ở Mỹ - phim cũng xoay quanh cuộc sống của các gia đình nạn nhân, trong đó có cựu dân biểu Gabrielle Giffords, người sống sót sau khi bị bắn một phát đạn vào đầu năm 2011, và cha mẹ của Jessica Ghawi, một trong những nạn nhân của vụ thảm sát năm 2012 tại một rạp chiếu phim ở Aurora, Colorado.

Nhà báo Couric cho biết chính vụ thảm sát Newtown đã truyền cảm hứng để bà tham gia dự án phim, đồng thời bày tỏ rằng, mình không thể hiểu được sự "ngắt quãng" của dư luận sau vụ việc này: "Sau Newtown, tất cả mọi người đều nghĩ rằng, đó sẽ là một bước ngoặt (cho các biện pháp kiểm soát súng đạn) nhưng thực tế thì vẫn chẳng có gì xảy ra" - bà chia sẻ với AFP.

Hai bộ phim khác kể về quá trình đối phó với bạo lực súng đạn, gồm phim tài liệu ngắn Speaking is Difficult(Điều khó nói)Dark Knight, một bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc thảm sát Aurora, cũng được ra mắt tại LHP Sundance, sẽ diễn ra tới hết 31/1.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), có gần 33.000 trường hợp tử vong do súng ở Mỹ mỗi năm, với trung bình 297 người bị bắn mỗi ngày.

Duy An
Theo Asia One

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›