(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 30/8, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Bình Trần Vũ Khiêm cho biết, Lễ hội Đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy và Lễ hội Đập trống của người Ma - Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện ký quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 27/8.
Lễ hội Đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy là một trong những lễ hội dân gian truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa riêng có của vùng đất Lệ Thủy. Bao lớp người Lệ Thủy khi sinh ra và lớn lên đã được sống, chứng kiến bầu không khí của lễ hội được tổ chức hàng năm. Tham gia lễ hội đua thuyền, nếu là thuyền nam gọi là bơi, thuyền nữ là đua. Đường đua, bơi dài từ 15km (nữ), 24km (nam) dọc theo con sông Kiến Giang thu hút sự cổ vũ của hàng vạn người dân hai bên bờ sông. Lễ hội được tổ chức để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời, rèn luyện sức khỏe để phục vụ lao động sản xuất, chống chọi với thiên nhiên; thể hiện tình thân, tinh thần đoàn kết, gắn bó của mỗi người trong cộng đồng làng xã.
Ngày 2/9/1946, kỷ niệm một năm Ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Lệ Thủy tổ chức Lễ hội Đua, bơi thuyền mừng Tết Độc lập. Từ đó đến nay, cứ đúng 2/9 hàng năm, Lệ Thủy lại tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống. Năm 2003, lễ hội này được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là lễ hội văn hóa – thể thao cấp tỉnh.
Lễ hội Đập trống của người Ma-Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là lễ hội dân gian, đã ra đời và tồn tại từ xưa đến nay. Lễ hội được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây là một lễ hội văn hóa độc đáo, tiêu biểu nhất còn giữ được những nét hoang sơ của tộc người Ma-Coong. Mục đích của lễ hội là tưởng nhớ công lao của tổ tiên; cầu trời, đất cho mưa thuận, gió hòa, nương rẫy tươi tốt, dân bản được ấm no, khỏe mạnh, gia súc không bị dịch bệnh… Ngoài ra, lễ hội còn là đêm hội “tự do” tình yêu của người dân nơi đây. “Tự do” ở đây được hiểu là mọi người, không kể lạ quen, người bản này, bản kia, ... khi mặt trống bị đánh vỡ, tất cả đều được dắt rủ nhau chuyện trò, tình tự, thổ lộ những điều thầm kín...
Như vậy, đến nay, tỉnh Quảng Bình đã sở hữu 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (bao gồm: Hò khoan Lệ Thủy; Lễ hội Cầu ngư; Lễ hội Đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy và Lễ hội Đập trống của người Ma – Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch); một di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại (Bài chòi Trung bộ) và một di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (Ca trù).
Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Quảng Bình Trần Vũ Khiêm cho biết: Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa, đơn vị sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc trao truyền, biên soạn, quảng bá giá trị của di sản. Thực hiện tốt công tác sưu tầm, tìm kiếm, kiểm kê, lưu trữ bảo tồn các di sản.
Cùng phối hợp với các đơn vị, địa phương đưa việc truyền dạy các giá trị văn hóa phi vật thể vào các trường học; tổ chức các lớp tập huấn, tạo điều kiện để các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ…. Khi Nhà nước và nhân dân cùng chung tay góp sức thì các di sản văn hóa phi vật thể sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị một cách bền vững và hiệu quả nhất.
Võ Dung/TTXVN
Tags