Mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội đã hoàn thành nhằm đảm bảo Lễ hội được diễn ra một cách trang trọng theo truyền thống, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương và các quy định, hướng dẫn của ngành văn hóa. Theo kế hoạch, Lễ hội bắt đầu từ 8 giờ sáng 12/2 (13 tháng Giêng Âm lịch) bằng các phần lễ gồm: Lễ dâng hương tại lăng mộ các vua Trần; tế mở cửa đền; lễ rước nước theo hai đường thủy, bộ; lễ tế tổ triều Trần, lễ bái yết các vua Trần và tưởng niệm 758 năm ngày Thái tổ Trần Thừa băng hà.
Lễ khai mạc chính thức bắt đầu từ 20 giờ đến 22 giờ 30 phút ngày 12/2 do UBND huyện Hưng Hà tổ chức, trong đó sẽ có chương trình nghệ thuật đặc sắc với màn sử thi “Hào khí Đông A” có thời lượng khoảng 60 phút. Đêm khai mạc sẽ được Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình truyền hình trực tiếp. Ngoài ra, trong suốt Lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động dân gian truyền thống như thi cỗ cá, thi nấu cơm cần, thi vật lầu, thi kéo co, biểu diễn văn hóa, văn nghệ nhằm quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, lịch sử tại khu di tích đền thờ các vua Trần tới đông đảo du khách thập phương trong và ngoài nước về với Đền Trần Thái Bình.
Ông Chuyên khẳng định: Đây là một ngày lễ trọng và là dịp tốt để các tầng lớp nhân dân Thái Bình, đồng bào, du khách thập phương trong và ngoài nước về đây thắp hương tưởng niệm và tỏ lòng tri ân các vua Trần, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Ðộ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Quốc công Tiết chế Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn và các tôn thất nhà Trần. Thông qua đó để giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào, ý chí quật cường, bất khuất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng. Ðồng thời tạo thêm động lực tinh thần to lớn thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây cũng là dịp để quảng bá về mảnh đất, con người Thái Bình nói chung, Hưng Hà nói riêng, từng bước đưa Khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần trở thành điểm đến nằm trong hệ thống du lịch lịch sử-văn hóa của cả nước, đồng thời Ban tổ chức cũng mong muốn giới thiệu và khẳng định giá trị di sản văn hóa nhà Trần ở Thái Bình.
Để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2014, Công an tỉnh Thái Bình đã sớm triển khai kế hoạch bảo vệ, tăng cường cán bộ chiến sỹ từ các đơn vị nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Công an huyện Hưng Hà và lực lượng an ninh cơ sở. Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, các lực lượng Công an góp phần tích cực vào thành công của lễ hội truyền thống đáng chú ý nhất trong năm tại Thái Bình.
Nếu Tức Mặc (Nam Định) là nơi vị họ tổ nhà Trần định cư ban đầu thì vùng đất Hưng Hà (Thái Bình) được xác định là quê hương, là nơi khởi nghiệp của Vương triều Trần cách đây gần 800 năm. Tại đây có Tam đường là nơi lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần như Thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái thượng hoàng Trần Thừa... và Thái Đường Lăng, là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua đầu triều Trần. Các hoàng đế nhà Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông cùng các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp táng tại các lăng mộ có tên Thọ Lăng, Chiêu Lăng, Dụ Lăng, Quy Đức Lăng...
Khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa di tích khảo cổ học cấp quốc gia, không chỉ thu hút các nhà nghiên cứu sử học, các nhà văn hóa mà còn là một điểm du lịch có giá trị đặc biệt, là nơi liên quan đến cội nguồn dân tộc luôn luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước về Thái Bình vào mỗi dịp đầu Xuân.
UBND tỉnh Thái Bình đang có kế hoạch lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận Lễ hội Đền Trần Thái Bình là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, khu di tích Đền thờ và lăng mộ các Vua Trần được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.