Trang The Athletic mới đây đã kể chuyện một nhà báo từng hồi tưởng lại khoảnh khắc ông yêu cầu người phụ trách PR của tỷ phú Roman Abramovich sắp xếp một cuộc phỏng vấn riêng, vào một ngày mùa Hè năm 2003, khi Chelsea chính thức là tài sản của ông chủ người Nga.
Câu trả lời của phía Abramovich có lẽ khiến mọi người phải kinh ngạc.
“Cuộc phỏng vấn đó sẽ không bao giờ xảy ra đâu” - Người phụ trách PR cười nói.
“Ý tôi là không phải bây giờ. Sau này tại văn phòng ông ấy cơ” - Nhà báo nài nỉ.
“Cũng không có cửa luôn”.
“Thế khi ông ấy vô địch Champions League thì sao?” - Nhà báo vẫn cố vớt vát.
“Không luôn, thậm chí sau lần (vô địch) thứ năm”.
1. Tới 19 năm sau, “lời nguyền” này cơ bản vẫn đứng vững. Tháng Ba năm ngoái, Abramovich nói chuyện với Forbes, lần trao đổi trực tiếp với truyền thông đầu tiên sau… 15 năm. Cũng không có nhiều thông tin gì, ngoài các phát biểu chung chung về lịch sử, hay những dự định tương lai của Chelsea. Kể cả khi đã cất lời, rất khó để lọc ra một gợn vàng trong phát ngôn của tỷ phú người Nga.
Những giai thoại kiểu “cuộc phỏng vấn sẽ không bao giờ xảy ra đâu” thì kể không hết. Cuốn sách “Abramovich - Tỷ phú từ hư vô” của nhóm tác giả Dominic Midgley và Chris Hutchins tiết lộ rằng, vào năm 1999, khi nước Nga lẫn thế giới bắt đầu chú ý đến cái tên Roman Abramovich, một tờ báo đã treo giải một triệu rúp cho bất kỳ ai cung cấp cho họ một bức ảnh của tỷ phú mới nổi này. Kết quả của “chiến dịch” này là một bức ảnh có độ phân giải rất, rất thấp, nhưng đã được dùng đi dùng lại trong nhiều năm, trước khi Abramovich đến Anh hỏi mua Chelsea, và chấp nhận đánh đổi một phần sự riêng tư bất khả xâm phạm của mình.
Trong những ngày đầu làm chủ Chelsea, ông cũng thường xuyên tổ chức những buổi tiệc tùng đắt đỏ ở khắp nơi trên thế giới cùng bạn bè và tùy tùng, nhưng luôn giữ một khoảng cách với cuộc vui. Bạn chỉ việc chọn xem muốn tới đâu để xõa, và thế là sẽ có máy bay riêng chờ sẵn. Đến nơi thì xe limousine đã chờ, rồi lại ăn chơi nhảy múa qua đêm. Abramovich lại đứng nhìn từ bên ngoài, chưa bao giờ thực sự thâm nhập vào bên trong khoái lạc mà ông là người đạo diễn.
Sự kiệm lời của Abramovich cũng đã thành một dạng huyền thoại. Người bảo rằng mỗi khi cần chốt thương vụ nào, tỷ phú người Nga chỉ ngồi nghe chán chê, rồi ai đó quay sang hỏi, ông gật đầu, đứng lên, bước ra khỏi phòng, và thế là xong chuyện. Mỗi khi ngồi với HLV hay các cầu thủ, Abramovich hầu như không bao giờ tham gia câu chuyện, chỉ chăm chú lắng nghe, theo kiểu bình vôi. Chiếc bình vôi giàu nhất hành tinh.
2. Bạn có thể thấy ngạc nhiên: Trong một thời đại mà nhu cầu bày tỏ quan điểm đang lên cực đại và chuyện các tỷ phú dùng tiền để mua tiếng nói nhiều như quân Nguyên (Donald Trump còn lập một mạng xã hội riêng sau khi bị Facebook và Twitter cấm đoán), thì Abramovich hầu như hài lòng với việc sống mà không trình bày quan điểm. Hoặc ít nhất là trông có vẻ như vậy: Abramovich có thể có rất nhiều mong muốn, và dự định, nhưng không cần sống trong các văn bản. Thậm chí, ông thường xuyên né tránh việc lưu trữ lại bản thân mình trong các văn bản.
Trong những ngày qua, không chỉ tài sản bị đóng băng, những gì tỷ phú người Nga phải đối mặt là các nỗ lực xóa ông khỏi lịch sử Chelsea, với các luồng truyền thông tiêu cực ngày một dày đặc hơn: Abramovich giờ hiện lên trong công chúng Anh và thế giới chỉ còn đơn thuần là một “Oligarch” phất lên nhờ tư bản thân hữu, với dòng tiền không trong sạch, và một lý lịch mập mờ. Tờ New York Times bình luận rằng, kỷ nguyên của các Oligarch trong bóng đá đã kết thúc, còn cây bình luận kỳ cựu Jonathan Wilson viết tít cho bài trên The Guardian của mình rằng “Roman Abramovich và Chelsea tượng trưng cho tình trạng thối nát của bóng đá”.
Nhưng những nỗ lực này, cơ bản là vô nghĩa. Bạn không thể tìm thấy một bài báo hay cuộc phỏng vấn nào nói rằng Abramovich yêu bóng đá nói chung, hay Chelsea nói riêng như thế nào, nhưng bất kỳ một CĐV Chelsea nào cũng có thể nghĩ là như thế, sau hai thập kỷ vừa qua. Ngay từ đầu ông đã không sống trong thế giới quy ước ồn ào của truyền thông hiện đại.
Chính Jonathan Wilson, trong bài báo chỉ trích thể chế bóng đá của Premier League đã dung dưỡng cho mô hình Oligarch điều hành một CLB, cũng đã phải cay đắng phản biện rằng: “Nếu bạn không phản đối về việc ký hợp đồng với Glen Johnson vào năm 2003, bạn có thể thực sự phản đối hiện thực lúc này không? Đây là thỏa thuận mà các CLB đã chấp nhận khi họ nhận được tiền”. Trong những ngày hưng phấn ấy, các CĐV Chelsea còn chế lời một bài hát về Abramovich, sau khi ông chi đến 110 triệu bảng để mua cầu thủ chỉ trong hai tuần tiếp quản CLB:
“Ông ấy cho Veron vào túi
Chúng ta đã có Johnson từ West Ham
Nếu bạn muốn biết cái gì là tốt nhất
Xin đừng thắc mắc gì nhiều
Bởi Roman, ông ấy là người của chúng ta
Mọi thứ đều từ nơi bí mật ra ư?
Là súng ống hay là thuốc phiện ư?
Hay đến từ dầu khai thác từ biển?
Hỡi anh em Chelsea, và cả hầu bao của các bạn nữa
Chúng ta vẫn cứ là Chelsea trứ danh”.
Hôm nay, việc tự đặt câu hỏi rằng điều gì đã tạo ra hiện trạng có vẻ tồi tệ của hiện tại có lẽ quan trọng hơn là cố gắng xóa bỏ cái tên Abramovich khỏi Chelsea. Lịch sử của tỷ phú Nga ở London, ngay từ đầu, đã không tiến triển trong các văn bản hay kiểu truyền thông thông thường. Có những điều không thể đảo ngược: Các ký ức sâu sắc đã hình thành trong các trận đấu, những danh hiệu, và cảm giác của người chiến thắng, những điều quá rực rỡ dưới thời của tỷ phú người Nga. Đấy là lãnh địa của Abramovich, và dù muốn hay không, bạn cũng không thể phủ nhận sự tồn tại hiển nhiên của nó.
Phạm An
Tags