(Thethaovanhoa.vn) - Nữ văn sĩ Mỹ Harriet Beecher Stowe là tác giả của Túp lều bác Tom, cuốn tiểu thuyết bất hủ và cuốn sách bán chạy thứ hai trên thế giới trong thế kỉ XX.
Với tác phẩm này, bà đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng nô lệ ở Mỹ. Trong một lần gặp bà vào năm 1862, Tổng thống Mỹ lúc đó Abraham Lincoln đã phải thốt lên rằng: “Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết nên một cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại này”.
Harriet Beecher Stowe sinh ngày 14/6/1811, cách đây 205 năm tại Litchfield, bang Connecticut, Mỹ trong một gia đình đông con. Bà vốn rất ưa thích các hoạt động xã hội. Năm 1823, Harriet được đưa vào học tại một trường dòng dành cho nữ giới.
Gần chục năm sau, gia đình Harriet chuyển đến sống ở thành phố Cincinnati, bang Ohio, là nơi diễn ra nhiều hoạt động bãi nô. Tại đây, bà đã được nghe và tiếp xúc với nhiều nạn nhân phân biệt chủng tộc, và đây chính là cơ sở giúp bà sáng tác nên tác phẩm bất hủ Túp lều bác Tom sau này. Năm 1836, Stowe lấy một mục sư và trong suốt 18 năm sau đó, những biến động của lịch sử nước Mỹ đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm và thế giới quan của bà.
Khi giành được độc lập từ tay thực dân Anh năm 1776, Mỹ chủ trương phát triển công nghiệp với mục đích đuổi kịp và vượt các nước tư bản châu Âu. Để thực hiện phát triển mạnh kinh tế, Mỹ đã sử dụng rất nhiều người da đen châu Phi làm nô lệ.
Chứng kiến những nỗi thống khổ của người nô lệ và bất công trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ, bà Stowe rất phẫn nộ và thương xót. Đồng cảm với nỗi đau của những bà mẹ nô lệ khi con mình bị bắt đem đi bán, bà đã tham gia tích cực vào phong trào bãi nô, giúp đỡ các nô lệ bỏ trốn. Và tiểu thuyết bất hủ Túp lều bác Tom đã ra đời.
Bìa cuốn sách “Túp lều bác Tom” bản in đầu tiên năm 1852
Tác phẩm kể về cuộc đời thống khổ của một người nô lệ da đen tên là Tom. Là một người trung thực, ngay thẳng, biết trọng danh dự, nhưng cuộc đời bác là một chuỗi ngày đen tối, đầy tủi nhục. Bác phải lìa bỏ vợ con, bị bán từ nơi này qua nơi khác, bị đánh đập tàn nhẫn. Cuối cùng, để bảo vệ nhân phẩm của mình, bác bị đánh đến chết trong một đồn điền trồng bông ở miền Nam nước Mỹ, nơi chôn vùi bao cuộc đời lầm than như cuộc đời bác.
Tác phẩm cũng kể về số phận của Eliza, một người mẹ dũng cảm đã cùng đứa con bỏ trốn. Đó là một người mẹ đã hy sinh tất cả để cứu đứa con khỏi rơi vào tay một tên buôn nô lệ tàn ác, và cũng là một người vợ tha thiết yêu chồng - một người thông minh, sáng chế ra một chiếc máy tước sợi gai, mà cuộc đời cũng bị đày đọa với trăm nghìn cay đắng.
Tác phẩm là bản án đanh thép lên án chế độ nô lệ tàn bạo với những điều luật bênh vực bọn chủ nô mất nhân tính, sẵn sàng vì đồng tiền mà chà đạp lên quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của những người da đen bất hạnh. “Túp lều bác Tom” đã tác động mạnh mẽ tới quan điểm của những người tiến bộ trong tầng lớp da trắng cũng như nhận được sự đồng cảm sâu sắc của những người nô lệ da đen. Nhiều người còn cho rằng Túp lều bác Tom chính là một mồi lửa làm bùng lên cuộc nội chiến “Bắc Nam phân tranh” kéo dài trong 5 năm từ 1860 đến năm 1865 dẫn đến việc thủ tiêu chế đô nô lệ ở Mỹ.
Khi đó ở miền Bắc, công nghiệp phát triển mạnh mẽ cần nhiều công nhân có quyền tự do vào làm các xưởng máy, do đó chủ trương xóa bỏ chế độ nô lệ để thu hút nhân công từ ruộng đất vào xí nghiệp. Ở miền Nam, đất đai màu mỡ, việc trồng bông phục vụ ngành công nghiệp dệt rất thuận lợi. Tư bản miền Nam muốn giữ nhân công gắn chặt với ruộng đất nên cố ra sức duy trì chế độ nô lệ.
Cuốn sách đã trở thành tác phẩm bán chạy thứ hai trong thế kỷ XIX, chỉ sau Kinh thánh. Chỉ trong một năm, cuốn sách đã có lượng phát hành khổng lồ (tính riêng ở Mỹ là 300.000 bản). Ở Anh, cuốn sách còn được đón chào nồng nhiệt hơn. Hai năm sau khi ra đời, cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra 60 thứ tiếng trên thế giới.
Túp lều bác Tom từng được dịch sang tiếng Việt từ mấy chục năm trước và đến nay đã được tái bản nhiều lần. Sinh thời, trong thời gian hoạt động ở Mỹ trong những thập niên đầu thế kỉ XX, Bác Hồ đã đọc Túp lều bác Tom và Người từng viết bài phê phán sự phân biệt chủng tộc và ngược đãi người da đen của nhà cầm quyền Mỹ thời đấy.
Sau khi xuất bản cuốn Túp lều bác Tom, bà Harriet Beecher Stowe đã thực hiện nhiều chuyến vòng quanh châu Âu để diễn thuyết về tác phẩm của mình. Ở đâu, bà cũng nhận được những phản hồi tích cực. Đặc biệt tại Anh, bà bất ngờ nhận được một món quà quý giá, đó là bản kiến nghị đòi bãi bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ của Hội chống nô lệ với chữ ký của hơn nửa triệu người, được lưu giữ trong 26 quyển sách.
Mặc dù trong cuộc đời mình, nữ văn sĩ Harriet Beecher Stowe đã có tới cả chục cuốn tiểu thuyết được xuất bản, nhưng Túp lều bác Tom vẫn là cuốn sách thành công nhất của bà. Cuốn sách đã đưa tác giả của nó lên vị trí một trong số các nhà văn hiện thực tiên phong.
Năm 1874, Harriet Beecher Stowe về sống ở Hartford, bang Conecticut. Bà qua đời ngày 1/7/1896. Đến nay, ngôi nhà mà nữ văn sỹ Harriet Beecher Stowe gắn bó những năm cuối đời ở Conneticut vẫn được lưu giữ làm nhà lưu niệm, giúp độc giả có điều kiện tìm hiểu thêm về thân thế và sự nghiệp của người nữ văn sĩ tài hoa. Còn ngôi nhà ở bang Ohio, nơi bà sống cùng bố mẹ thời trẻ cũng trở thành một địa chỉ văn hóa.
Theo Tin tức
Tags