Lại Văn Long và siêu phim hình sự 1.100 tập: Tôi luôn tự nhủ mình phải là 'ngòi bút hướng thiện'!

Thứ Tư, 23/11/2016 06:34 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng qua 20/11, phần 1 với tên Mật danh Đ9 trong siêu phim hình sự Hồ sơ lửa do nhà văn Lại Văn Long biên kịch đã bấm máy. Lại Văn Long và ê-kíp biên kịch cũng hoàn thiện kịch bản 120 tập cho hai phần tiếp theo để sẽ cùng quay song song với phần 1.

Được biết đến với truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện khi đoạt giải Nhất báo Văn nghệ năm 1991 (Hội Nhà văn Việt Nam), Lại Văn Long lặng thầm làm báo và viết văn. Hồ sơ lửa là tác phẩm kịch bản phim đầu tay của anh và cũng là “siêu phim” khi anh “lấn sân” sang nghệ thuật thứ Bảy.

Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhà văn Lại Văn Long về “siêu phim” này.

* Anh được biết nhiều với tư cách nhà văn, nhà báo nhưng ít người nghĩ anh là nhà biên kịch. Từ đâu anh “dũng cảm” biên kịch hơn 1.000 tập phim trong dự án dài hơi Hồ sơ lửa?

- Đến giờ tôi đã viết xong khoảng 40 truyện ngắn (hầu hết đã đăng báo và in thành 2 tập truyện Thủy cơ Đường lên trời xa lắm) cùng với 6 tiểu thuyết (2 cuốn đã phát hành là Thạch đếĐứa con thời hậu chiến, 4 cuốn còn lại đều trên dưới nghìn trang sẽ in trong năm 2017) tất cả điều viết theo thể “luận đề”.

Vừa qua, 2 tác phẩm được chuyển thể thành phim (Biệt thự Pensée 32 tập từ truyện Kẻ sát nhân lương thiện - được giải Bạc liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 2015 và Thủy cơ 31 tập đều đã phát sóng trên HTV9 từ năm 2015 - 2016.


Nhà văn Lại Văn Long

Vậy nên tôi hứng chí chuyển sang thử viết một kịch bản phim hình sự dài tập Mật danh Đ9. Viết xong, đạo diễn khen hay và họ chọn làm phim luôn nên tôi tin mình viết thể loại này được. Khi báo Công an TP.HCM liên kết với Công ty cổ phần 24hGood và hãng phim SeNa làm series 1.100 tập của Hồ sơ lửa, tôi được Ban Biên tập báo Công an TP.HCM phân công lo về kịch bản. “Duyên nợ” là thế! Nhưng trong dự án “khủng” này còn nhiều biên kịch uy tín khác tham gia chứ không phải mình tôi…

* Các tác phẩm của Lại Văn Long như: Kẻ sát nhân lương thiện, Thạch đế, Thủy cơ, Đứa con thời hậu chiến... được viết theo lối “luận đề”. Vậy hơn 1.000 tập phim Hồ sơ lửa anh “luận đề” như thế nào để thu hút người xem?

- Viết kịch bản phim, nhất là phim hình sự, dĩ nhiên phải khác viết truyện ngắn, tiểu thuyết. Chất “luận đề” trong phim sẽ thể hiện qua số phận và phát ngôn của hàng trăm nhân vật trong nhiều phần Hồ sơ lửa. Ví dụ trong phần 1 có tên Mật danh Đ9, “luận đề” là “nhân nghĩa thắng hung tàn” và hãy nhìn những người lầm lỡ phạm tội bằng con mắt cảm thông, hãy tạo điều kiện cho họ phục thiện, cho dù họ chỉ còn sống vài tháng, vài ngày thậm chí vài phút trước khi ra pháp trường nhận án tử.

“Luận đề” còn là lòng kính trọng của tôi với những nhân vật tài hoa nhưng số phận long đong… Tôi luôn tự nhủ mình phải là “ngòi bút hướng thiện”!

* Nghề báo giúp anh thế nào khi biên kịch hơn 1.000 tập phim này, vì anh sinh 1964 trưởng thành sau 1975, không thể rõ rành các vụ án trong 40 năm qua như Hồ sơ lửa muốn đề cập?

- Tôi làm báo đã 25 năm, làm phóng viên rồi Trưởng ban Chuyên đề nên hầu như ngày nào cũng phải viết hoặc biên tập vô số tin bài về hình sự. Rồi những lần theo các đơn vị nghiệp vụ công an trực tiếp phá án, truy bắt đối tượng, khám xét nơi ở… Rồi đọc hồ sơ tội phạm, chơi với bạn là các sĩ quan điều tra, hình sự ở nhiều tỉnh thành từ mũi Cà Mau đến biên giới phía Bắc, Tây Nguyên, duyên hải… nên rất hiểu tâm tư của người chấp pháp cũng như những khó khăn trong nghề của họ…

Tất cả dần dần tích lũy thành nguồn vốn khổng lồ, dồi dào về hoạt động phòng chống tội phạm để bây giờ tôi tha hồ viết kịch bản phim hình sự. Nếu có thời gian và sức khỏe tốt, việc viết 1.100 tập phim trong vài năm không có gì quá khó đối với tôi! Nhưng như tôi đã nói, trong dự án Hồ sơ lửa, còn có nhiều biên kịch khác.

Với những vụ án xảy ra từ 40 năm trước, khi mình chưa làm báo, tôi cũng đã có quá trình thu thập, lưu giữ tài liệu, hình ảnh và tái hiện lại bằng văn chương hay kịch bản phim hình sự cũng là công việc tôi rất say mê, làm rất thoải mái!

* Các vụ án hình sự trong 40 năm, anh hứng thú với những vụ án cụ thể nào trong “siêu phim” truyền hình này, vì sao?

- Trong 40 năm qua, trên khắp đất nước ta xảy ra cả triệu vụ án. Chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk lúc chưa tách tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông, mỗi năm đã có trên dưới 3.000 vụ. Với số lượng khủng khiếp như vậy, tôi phải chọn ra những vụ án nổi tiếng nhất, hay những vụ án có quá trình điều tra gay cấn, bất ngờ nhất, những vụ án tôi có quá trình tích lũy tài liệu, cảm xúc nhiều nhất; những vụ án tôi được ngồi tâm sự với cả tội phạm lẫn điều tra viên, các cấp chỉ huy phá án…

Có những vụ tôi theo suốt 15-17 năm, gặp gỡ nhiều thế hệ trong tổ chức tội phạm có tính chất gia tộc, gia đình, kiên nhẫn tích lũy từ từ, giờ mới viết. Với “vốn liếng” như vậy, tôi và cả những biên kịch, đạo diễn, cấp lãnh đạo trong dự án Hồ sơ lửa đều tin rằng sẽ cho ra đời được “hàng độc”; vừa tuyên truyền rộng rãi được ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm, ý thức hướng thiện - chấp hành pháp luật; vừa mang lại những tập phim hấp dẫn, mới mẻ, ngồn ngộn cảm xúc cho hàng chục triệu khán giả truyền hình cả nước.

Hiện giờ Ban Tổ chức Hồ sơ lửa nói chung, cá nhân tôi - người được giao nhiệm vụ lo khâu kịch bản - nói riêng đang rất nổ lực, làm việc quên ăn, quên ngủ…

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›