Ngay trong tuần đầu tháng 6, lãi suất huy động mới nhất tại nhiều ngân hàng đã tiếp tục nhích tăng phổ biến từ 0,1-0,5%/năm, thậm chí có nơi tăng mạnh gần 1%/năm.
Theo đó, kể từ hôm nay 5/6, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 12 tháng. Đáng chú ý, lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 2 tháng tại OceanBank tăng mạnh 0,8%/năm, lên mức 3,4%/năm; kỳ hạn 1 tháng tăng 0,5%/năm lên thành 3,4%/năm.
Tương tự, lãi suất các kỳ hạn 3, 4 và 5 tháng cũng tăng từ 0,6-0,8%/năm lên cùng mức 3,8%/năm. Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 6-8 tháng cùng niêm yết tăng thêm 0,4%/năm lên mức 4,4%/năm; kỳ hạn 9-11 tháng tăng thêm 0,5%/năm, lên mức 4,6%/năm. Còn với các kỳ hạn tiền gửi từ 12 tháng trở lên, OceanBank giữ nguyên lãi suất theo biểu niêm yết trước đó, cao nhất là từ 6- 6,1%/năm cho kỳ hạn 24 và 36 tháng.
Không riêng OceanBank, kể từ đầu tháng 6 tới nay, nhiều ngân hàng cũng đã điều chỉnh lãi suất tăng. Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) đã có động thái tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một năm qua. Lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng được niêm yết ở mức 3,55%/năm, tăng thêm 0,3-0,45%/năm so với biểu lãi suất trước đó. Các kỳ hạn 6-13 tháng cũng tăng thêm 0,4%/năm đưa lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên thành 4,7%/năm, kỳ hạn 12 và 13 tháng lên 5,1 và 5,3%/năm.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng vừa tăng mạnh 0,6%/năm lãi suất kỳ hạn từ 1-3 tháng lên dao động từ 3,2-3,3%/năm. Các kỳ hạn 4-5 tháng cũng tăng thêm 0,5%/năm, lên lần lượt là 3,3%/năm và 3,4%/năm. Đối với kỳ hạn 11 tháng, LPBank tăng lãi suất thêm 0,3%/năm lên 4,6%/năm, trong khi kỳ hạn 12 tháng chỉ tăng 0,1%/năm lên 5,1%/năm.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng không nằm ngoài xu hướng. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-5 tháng tăng 0,3-0,4%/năm, lên mức 3,1-4%/năm. Có cùng mức tăng, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6-9 tháng cũng lên mức 4,6-5,1%/năm. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 10-11 tháng tăng thêm 0,3% lên 5%/năm. Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng từ 0,2-0,3%/năm, cao nhất là 5,7%/năm.
Tương tự, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cũng tăng lãi suất tất cả các kỳ hạn tiền gửi thêm từ 0,1-0,2%/năm. Các mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này dao động từ 5,35-5,45%/năm áp dụng với tiền gửi các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tăng 0,23%/năm lên 3,2%/năm. Các kỳ hạn còn lại TPBank tăng 0,1%/năm.
Ngay cả ngân hàng lớn cũng tham gia điều chỉnh tăng lãi suất đợt này. Theo đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa đồng loạt tăng 0,3%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng tăng lên mức từ 2-2,3%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng lên mức 3,3%/năm; kỳ hạn 24-36 tháng lên mức 5,0%/năm. Đây là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big 4 niêm yết lãi suất ở mức 5%/năm.
Trong khi đó, lãi suất cao nhất tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) hiện vẫn giữ ở mức 4,7-4,8%/năm.
Dù mặt bằng lãi suất huy động tháng 6 chủ yếu xoay quanh mốc 5%/năm nhưng có một số ngân hàng áp dụng lãi suất cao cho các khoản gửi đặc biệt. Như tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) hiện có mức lãi suất cao nhất là 9,5%/năm cho kỳ hạn gửi 12-13 tháng với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng có lãi suất cao, 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) áp dụng mức lãi suất lên tới 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) áp dụng mức lãi suất 7,5%/năm cho khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng trở lên với số tiền từ 200 tỷ đồng.
Theo giới chuyên gia, lãi suất huy động tăng phù hợp với diễn biến khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi và cầu tín dụng tăng trở lại. Điều này giúp giải tỏa áp lực lên tỷ giá và ổn định thị trường tài chính.
Tuy nhiên, theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho thấy, mức tăng lãi suất huy động sẽ không đáng kể trong thời gian tới, do nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn đầu phục hồi và tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng còn chậm.
Tags