“Chỉ vì Facebook mà chuyện nhà Lã Thanh Huyền bỗng thành chuyện ai cũng biết, khi cô em dâu của giải nhất “Phụ nữ thế kỷ 21” viết bức thư gửi hai chị em họ Lã.
Trong thư, cô em dâu đã bật mí bị gia đình Lã Thanh Huyền hành hạ “vượt qua sức chịu đựng của một con người” và chỉ rõ người đẹp họ Lã đã dùng những từ ngữ không có văn hoá để chỉ trích cô. Lâu nay Lã Thanh Huyền vẫn được gắn mác “gái ngoan”…” - đây là đoạn tin được đưa trên một tờ báo chính thống về người “Phụ nữ thế kỷ 21” Lã Thanh Huyền.
48 tiếng sau khi bản tin được đưa lên một diễn đàn (dành riêng cho phụ nữ, tất nhiên), “gái ngoan” họ Lã nhận đúng 384 “cục đá”.
Lã Thanh Huyền |
Những người “ném đá” thậm chí đòi tẩy chay thương hiệu gái ngoan. Đòi đem đi “muối dưa”. Cho nát và nẫu. Hoặc mỉa mai “gửi thỉnh nguyện thơ xin trao tặng bằng khen "gia đình văn hóa nhất nước 2013" cho nhà bạn Lã”.
Có thời điểm, topic đã thu hút cùng lúc 106 người xem với lượng view lên tới 600 ngàn lượt.
Tất nhiên, không phải “cục gạch” nào cũng là vùi dập cả. Có khen. Nhưng là kiểu “khen cho nó chết”.
Một thương hiệu máy tính cũng bị vạ lây vì bị nhầm tưởng, vì trùng tên với chồng Lã. Báo chí cũng không thoát khi bị chỉ trích “im hơi lặng tiếng một cách bất thường”, bị đặt câu hỏi “vẫy cờ trắng” trước sức mạnh của “Tập đoàn họ Lã”.
Nếu muốn có bằng chứng về câu chuyện “chợ dưa lê” thì trường hợp “ném đá” họ Lã là một điển hình, thậm chí không cần thêm “con vịt” nào nữa.
Điều đáng nói là những “cục đá” được ném ra ngay cả khi không ai xác tín bức thư trên facebook có thực sự là của “cô em dâu họ Lã” hay không. Ngay cả khi một tờ báo đã “nói lại cho rõ”, đã xin lỗi gia đình Lã Thanh Huyền về những thông tin không kiểm chứng.
Ngày hôm qua, khi hội nghị về bình đẳng giới được Ủy ban các vấn đề xã hội tổ chức, không ngẫu nhiên, một tập tài liệu “Truyền thông có nhạy cảm giới” rất dày, với dòng ghi chú “Một số gợi ý dành cho phóng viên và người làm báo”- đã được phát cho báo chí.
Những ví dụ về những tít báo “đặc biệt ấn tượng” đã được đưa ra: “Bước nhảy hoàn vũ: Dạy đĩ vén váy”; “Phút hớ hênh của Đoan Trang”; “Hồ sơ tình ái bất hủ của Hồ Ngọc Hà”; “Trà My Idol: Tôi không phải là gái hư”…Đây được cho là những tít báo “kết cấu ngôn ngữ thô tục, thiếu tinh tế, gây sốc một cách phản cảm”.
Còn nội dung. Dưới đây là những ví dụ đã được nêu trong nghiên cứu:
“Vào một ngày đẹp trời, cảm thấy quá “sốc óc” vì thấy người bạn của mình cứ bình chân như vại, Phương Thanh đã thay mặt Thu Phương dạy cho Hà Hồ một bài học bằng cái tát trời giáng, không biết có phải do cái tát ấy mà Hà Hồ dứt với Huy MC hay không…”
“Cuộc hôn nhân của N.T đổ vỡ vì có sự xuất hiện của người thứ ba, một diễn viên tên N đã “bỏ bùa” chồng cô, vì sở thích của N là đi mê hoặc hết người đàn ông này đến người đàn ông khác…Cô được xem là con rắn độc đội lốt thiên thần…
Ngay cả các sao nam cũng bị “ném đá”: “Gen lăng nhăng đã nằm sẵn trong máu Tuấn Hưng…lúc nào cũng nghĩ bánh nhà người khác ngon hơn bánh nhà mình rồi đến lúc dâng bánh nhà mình cho hàng xóm xong rồi ngồi tiếc hùi hụi, đi tìm bánh mới…
Dẫn trường hợp báo chí đập tơi tả chuyện Hồ Ngọc Hà lấy chồng năm 17 tuổi, nghiên cứu của CSAGA và OXPAM viết: Thực tế, Hồ Ngọc Hà có quyền như bao người phụ nữ bình thường khác…Không thể cho rằng vì cô là người của công chúng nên phải hi sinh những quyền lợi chính đáng đó. Càng không thể biện minh rằng vì được nhiều người hâm mộ mà một việc bình thường (là có thai) lại trở thành điều tiếng, thậm chí như một tì vết”. Và “với góc nhìn như vậy, vô hình chung, báo chí truyền thông đã không góp phần định hướng tích cực cho dư luận xã hội mà còn dồn thêm áp lực hết sức phi lý về phía cô ca sĩ…
Không biết khi gọi người khác là “rắn độc”, là “gen lăng nhăng sẵn trong máu” các nhà báo có đọc lại bài viết của mình?!
Không biết khi liệng đá cục “mắt chớp chớp mồm đớp đớp” để xả stress, bà con có biết sự stress đó được đổ sang đâu?!