Hơn 13,43 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023. Tuy vẫn giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của dòng đầu tư toàn cầu, thì đây là con số tích cực.
Dòng vốn FDI được cải thiện
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng 2023 giảm 4,3%, nhưng mức giảm này đã được cải thiện so với cùng kỳ 2022 giảm 8,1% và khi phân tích chi tiết sẽ cho thấy tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, vốn đầu tư cấp mới đạt gần 6,5 tỷ USD (chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký) tăng 31,3% và số dự án cấp mới tăng 71,9% so với cùng kỳ 2022; vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (chiếm 29,9% tổng vốn đăng ký) tăng mạnh 79%. Chỉ có vốn đăng ký tăng thêm (chiếm 21,8% tổng vốn đăng ký) giảm 57,1% nhưng số lượt dự án tăng vốn lại tăng 29,8% so với cùng kỳ.
“Mức tăng, giảm chi tiết này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư của Việt Nam an toàn nên vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đến đầu tư và mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Hương Nga, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ ra.
Cùng với đó, tốc độ tăng số dự án mới (tăng 71,9%) lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư mới (tăng 31,3%) cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới; các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ năm 2024.
Không những thế, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài và có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai…
Dẫn đầu về thu hút vốn FDI của cả nước trong 6 tháng đầu năm nay là Hà Nội đạt hơn 2,26 tỷ USD, vượt kết quả năm 2022, Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội Vũ Duy Tuấn, đạt được kết quả trên là nhờ có các chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh quá trình triển khai nguồn vốn FDI thực hiện tại Việt Nam; đồng thời, Thành phố phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Tp. Hồ Chí Minh cũng là một trong những địa phương có tổng vốn đầu tư FDI tăng cao. Đánh giá về nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố, ông Nguyễn Khắc Cường, Cục trưởng Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, số dự án có vốn nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư tăng 69,1% về số dự án; số vốn góp, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp gấp 3,6 lần so với cùng kỳ. Tính chung, tổng vốn đầu tư của các dự án có vốn nước ngoài tăng 30,7%, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng lựa chọn môi trường đầu tư của thành phố.
Mặc dù, các địa phương trong cả nước vẫn đang nỗ lực với các giải pháp để tăng cường thu hút đầu tư FDI, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, vốn đăng ký vẫn giảm nhưng mức giảm nhưng đã thấp hơn so với các tháng trước và đặc biệt là 5 tháng (7,3%).
Lý giải nguyên nhân này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, mức sụt giảm này đã thể hiện rõ khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam trước nhiều rủi ro và biến động trong năm 2022 và vẫn đang kéo dài sang năm 2023. Cùng với đó là xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững lại mặc dù đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát trên thế giới và tại Việt Nam.
Bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê đầu tư và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, thu hút FDI của Việt Nam còn bị ảnh hưởng ảnh hưởng từ một số yếu tố cơ bản như: bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; xung đột chính trị tại một số quốc gia trên thế giới ngày càng gay gắt.Áp lực giá cả và lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; nhu cầu hàng hoá toàn cầu có xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi; điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt ảnh hưởng mạnh hơn đến doanh nghiệp, thương mại và đầu tư quốc tế; rủi ro của hệ thống ngân hàng; đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được khắc phục hoàn toàn.
“Những yếu tố này đang gây áp lực giảm đáng kể lên dòng vốn FDI toàn cầu trong năm 2022 và tiếp tục sang 2023, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam, tác động làm giảm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 6 tháng năm 2023”, bà Phí Hương Nga nhấn mạnh.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Với rất nhiều kỳ vọng về thu hút FDI trong năm 2023, Cục trưởng Cục Đầu tư nước, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; trong đó, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục đầu tư sau cấp phép; đồng thời có chính sách thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như: công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo..
Mới đây, tại “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc”, các doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng vào tiềm năng phát triển to lớn của Việt Nam và việc tăng cường hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước thời gian tới, khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam, coi Việt Nam là địa bàn chiến lược, cứ điểm đầu tư quan trọng trên toàn cầu với các dự án đầu tư cụ thể, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế, kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.
Chủ tịch Tập đoàn Hyosung, ông Cho Hyun Joon cho biết, Tập đoàn Hyosung coi Việt Nam là thị trường chiến lược, trọng điểm và thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, Tổng cục Thống kê đề xuất, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới trong bối cảnh dòng vốn FDI có xu hướng chậm lại.
Theo đó, Chính phủ có các chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh quá trình triển khai nguồn vốn FDI thực hiện tại Việt Nam. phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển; rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Cùng với đó, các địa phương cần nâng cao chất lượng nguồn lao động, cũng như cần phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài.
Bà Phí Hương Nga cũng lưu ý, các địa phương cần chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu. Xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.
Về phía địa phương, Cục trưởng Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Khắc Cường cho biết, mục tiêu của Tp. Hồ Chí Minh là tỷ lệ vốn đăng ký đầu tư của nhóm nhà đầu tư trọng điểm đạt 70% tổng vốn giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, Thành phố sẽ ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh.
Tags