Ký ức về ngày 30 tháng Tư lịch sử

Với câu hỏi quen thuộc: Ngày 30/4/1975, anh chị đang ở đâu, làm gì, nghĩ gì? Các cây bút nổi tiếng kể lại những cảm xúc rất thật của mình.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Miền Nam giải phóng rồi"

Ngày 30/4 tôi đang là học sinh cuối cấp, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Tôi nhớ một thầy giáo vừa chạy qua các lớp học vừa hét lên, vừa khóc như một đứa trẻ "miền Nam giải phóng rồi, miền Nam giải phóng rồi". Học sinh tất cả các lớp đang học ùa ra. Chúng ôm nhau, hò hét và không ai bảo ai đều chạy ra sân trường. Sân trường bỗng chốc biến thành một cuộc mít-tinh chào mừng chiến tranh kết thúc. Tất cả các lớp đều ngừng học. Cả các giáo viên không có tiết hôm đó cũng đạp xe đạp đến trường khi nghe đài thông báo xe tăng quân giải phóng đã tiến vào Dinh Độc Lập.

Ký ức về ngày 30 tháng Tư lịch sử - Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Thầy hiệu trưởng thông báo, Sài Gòn đã giải phóng, thầy nói về cuộc kháng chiến, kể cho chúng tôi có bao nhiêu thầy giáo, bao nhiêu học sinh của trường trong năm đã nhập ngũ. Thầy nói nhiều lắm, tôi không nhớ. Tôi chỉ nhớ một câu: "Con trai tôi chắc đã vào Sài Gòn rồi. Con trai tôi sắp được về nhà rồi các em ạ". Câu nói đó sau này ám ảnh tôi mãi và cho tận bây giờ. Con trai cả của thầy hơn tôi vài tuổi, nhập ngũ mấy năm trước đó. Sau này tôi biết anh ấy không thể trở về.

Ngày hôm đó, loa phóng thanh của trường đọc các bản tin về những gì diễn ra trong ngày 30/4 sau khi được một thầy giáo tổng hợp từ Đài Tiếng nói Việt Nam, theo sự phân công của ban giám hiệu nhà trường. Một thầy giáo trẻ dạy địa lý vẽ bản đồ Việt Nam lên chiếc bảng bằng xi-măng ở cạnh sân trường và tô đỏ các tỉnh thành miền Nam đã được giải phóng từ mấy ngày trước. Lũ học sinh chúng tôi cứ luẩn quẩn quanh chiếc bảng và đọc tên những tỉnh thành phía Nam tô đỏ cho đến tận chiều tối mới chịu về nhà.

Bọn con trai lớp tôi vừa vui vì miền Nam giải phóng vừa buồn vì không được tham gia trực tiếp vào sự kiện này. Cách đó gần nửa năm, bọn con trai lớp tôi đã viết một lá thư và cùng ký gửi nhà trường cho chúng tôi được nhập ngũ để vào miền Nam chiến đấu. Nhưng bức thư tình nguyện của chúng tôi không được chấp nhận.

Trong ngày 30/4/1975, tôi chỉ nghĩ đến niềm vui miền Nam được giải phóng. Sau này lớn lên, tôi tiếp tục nghĩ về chiến tranh một cách đầy đủ.

Ký ức về ngày 30 tháng Tư lịch sử - Ảnh 2.

Sau khi quân giải phóng đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn, nhân viên, cán bộ kỹ thuật của Đài đã trở lại làm việc bình thường, thông báo tin chiến thắng và tin tức hoạt động của thành phố (1975). Ảnh: Vũ Tạo – TTXVN

Nhà thơ Lê Minh Quốc: "Hòa bình rồi bà con ơi"

Ngày 30/4/1975, tại căn nhà ở trên đường Triệu Nữ Vương, Đà Nẵng, mở cửa bước ra ngoài lan can, tôi ngạc nhiên đến kinh ngạc khi tận mắt nhìn thấy phép lạ: rất nhiều chiếc xe Honda, Suzuki… phóng ngược xuôi trên đường, trên tay gương cao cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Và, đồng loạt có nhiều tiếng hô to: "Hòa bình rồi bà con ơi".

Ngay lập tức, với sự tò mò, lũ nhóc tì chúng tôi rủ nhau lấy xe đạp đi xuống phố. Đi đến đâu cũng thấy rợp cờ. Lại nữa, tờ truyền đơn in bài thơ Việt Nam, máu và hoa của nhà thơ Tố Hữu rải đầy đường như bươm bướm, tôi đã được thấy vào ngày giải phóng Đà Nẵng 29/3/1975 thì nay đi đến đâu cũng có người đưa tận tay, nhờ thế, đến nay, tôi vẫn còn nhớ như in:

Ký ức về ngày 30 tháng Tư lịch sử - Ảnh 3.

Nhà thơ Lê Minh Quốc

"Khao khát trăm năm, mãi đợi chờ

Hôm nay vui đến, ngỡ trong mơ

Một trời êm ả, xanh không tưởng

Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ"

Ngay trong ngày hôm đó, anh em chúng tôi cùng các em bên nhà dì được gọi lên nhà ông bà ngoại ở trong kiệt 7 đường Hoàng Diệu, Đà Nẵng. Tại đây, dưới quyền "chỉ huy" của ông cậu, chúng tôi bắt đầu tháo dỡ căn hầm ẩn náu bom đạn thời gian qua. Hầu như bấy giờ tại thành phố Đà Nẵng nhà nào cũng có căn hầm kiên cố như thế, đại khái che vách bằng ván gỗ, chung quanh và phía trên chất nhiều bao cát nhằm chống "tên rơi đạn lạc", ở trong có giăng ngọn đèn vàng bóng tròn, mỗi khi nghe tiếng pháo nổ thì mọi người chui vào hầm.

Có thể nói, cụm từ "hòa bình" ngày ấy đã trở thành câu cửa miệng của tất cả mọi người.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Viết tiếp giấc mơ tuổi học trò

Ngày 30/4/1975, tôi đang là lính binh nhì đại đội 3, tiểu đoàn 874, thuộc trung đoàn 15, quân khu Hữu Ngạn đóng tại miền rừng núi Thạch Thành, Thanh Hóa. Doanh trại chúng tôi bên hồ nước, xung quanh là đồi sim mua và bụi cây lúp xúp, cách một vài cây số là bản người Mường, rừng rậm, núi cao. Bốn trung đội ở bốn nhà làm toàn bằng tranh tre nứa lá, nhà chỉ huy đại đội cũng nứa lá tranh tre. Dĩ nhiên, tiểu đoàn bộ và các đại đội quanh đó cũng ở trong các nhà tranh tre nứa lá.

Tôi vẫn nhớ trước đó tin thắng trận Buôn Mê Thuột, Huế, Đà Nẵng, rồi Phan Rang, rồi Xuân Lộc… đã dồn dập truyền về qua Đài Tiếng nói Việt Nam, qua buổi sinh hoạt đại đội buổi tối, hoặc trên tấm bảng đen thường thông báo tin tức của đại đội. Không khí mừng chiến thắng và mong muốn ra trận náo nức trong đơn vị. Ông chính trị viên trong các buổi lên lớp chính trị, hoặc sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thường căn dặn cánh lính trẻ chúng tôi phải cố gắng luyện tập "thao trường đổ mồ hôi, chiến trường ít đổ máu" để kịp vào Nam chiến đấu. Vẫn biết vào chiến trường là mất mát hy sinh, nhưng hầu như người lính nào cũng sẵn sàng cho cuộc hành quân vào trận đánh cuối cùng.

Ký ức về ngày 30 tháng Tư lịch sử - Ảnh 4.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Nhưng tin Sài Gòn giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng thì chúng tôi biết được vào lúc cuối bữa cơm trưa ngày 30/4, quãng gần 12 giờ. Tôi vẫn nhớ y nguyên giọng nữ phát thanh viên người miền Nam đọc chậm, mạnh mẽ, đầy hào khí: "Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng ta mới nhận được. Đúng 11h30, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập...".

Trong nhà ăn của đại đội, người dùng xong bữa đang bước ra về, người vừa ăn xong, người còn đang chan canh, hoặc lùa nốt miếng cơm đều cầm bát chạy ra sân, vểnh tai, gióng mắt hướng về cái loa được tiếp âm đang ngự trên nóc nhà chỉ huy đại đội. Vẫn nội dung tin chiến thắng đó, nhưng là một nữ phát thanh viên khác giọng Hà Nội đọc lại bằng cái giọng nữ cao dóng dả, đầy xúc cảm và có sức vang xa lay động, rồi vẫn nữ phát thanh nữ giọng Hà Nội ấy đọc lại lần nữa nhấn nhá truyền cảm cái hào khí chiến thắng lịch sử đến toàn quân, toàn dân.

Lính tráng cả đại đội tôi… vỡ òa. Thôi thì cả đại đội hò reo: "Giải phóng rồi", "Chiến thắng rồi", "Chiến tranh kết thúc rồi"… Và gõ, đập…, ai có cái gì trên tay thì gõ, đập cái đó, gõ đôi đũa vào "bát B52", gõ muôi vào chậu nhôm đựng cơm, vào đĩa hai ngăn, còn anh nuôi thì đập đũa cả vào nắp nồi quân dụng, thậm chí nhiều anh lính trẻ hứng chí không kìm được sung sướng tung cả "bát B52" lên trời…

Cả doanh trại chúng tôi hôm ấy không ngủ trưa. Lính tráng ông ổng hát hò, rồi bày lương khô, ruốc ra ăn mừng chiến thắng… Nếu như ngày thường, rất có thể bị kiểm điểm, bị nhắc nhở, nhưng vào những phút giây hạnh phúc trong niềm vui toàn thắng ấy, các sĩ quan chỉ huy đại đội có vẻ độ lượng với cái sự vui mừng thái quá của lính tráng.

Trưa hôm ấy, tôi ra bờ hồ bên doanh trại ngồi âm thầm nghĩ ngợi. Một chút buồn man mác, tiếc nuối không kịp hành quân vào chiến trường trong trận đánh cuối cùng. Một niềm vui không tả xiết khi chiến tranh kết thúc. Tôi chợt nhớ đến Ngô Xuân Triều - người bạn cùng lớp nhập ngũ trước tôi một năm, vài tháng trước anh tìm đến tận đơn vị tôi chia tay để vào chiến trường. Anh còn sống không và đang ở đâu trên chiến trường miền Nam mênh mông vừa im tiếng súng để chứng kiến niềm vui của người lính đi qua chiến tranh?

Thế rồi tôi nghĩ đến bản thân mình. Tôi nhập ngũ vào đơn vị một thời gian ngắn thì giấy báo nhập học đại học mới về đến nhà. Tôi mừng và nghĩ đến một ngày không xa "gác kiếm", tôi sẽ trở về nhà lấy cái giấy nhập học ấy đến trường để bắt đầu một cuộc sống sinh viên, thực hiện giấc mơ tuổi học trò hằng ước ao. Tôi tưởng tượng ra khuôn viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - nơi tôi sẽ về học. Tôi "vẽ" ra cuộc sống sinh viên thơ mộng ở thư viện, ở giảng đường, ở nơi đi thực tế và khao khát học tập, khao khát cống hiến.

Cứ miên man buồn vui, khao khát như thế tới mức nghe tiếng kẻng trực ban đại đội gióng dả báo đến giờ hành quân lên đồi chiến thuật huấn luyện buổi chiều mới giật mình vùng căng chạy về doanh trại.