(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 24/6, các thí sinh làm bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm 3 môn thành phần: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Công dân với thời gian làm bài 150 phút (mỗi môn 50 phút).
- Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2017: Giúp học sinh làm quen với hình thức thi mới
- Chính thức ban hành Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp
- Thi Trung học phổ thông 2017: Mỗi phòng thi, mỗi thí sinh có 1 đề thi
Đây là bài thi cuối cùng trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017. Tại Hà Nội, một trong những địa phương có số điểm thi nhiều nhất cả nước, các thí sinh đều ra khỏi phòng thi với tâm lí tự tin vì làm bài tốt, nhiều em chắc chắn sẽ được điểm cao ở bài thi tổ hợp cuối cùng này.
Cũng giống như các môn trắc nghiệm khác, mỗi phòng thi sẽ có 24 mã đề khác nhau để đảm bảo mỗi thí sinh một mã đề riêng biệt. Tổng số có 72 mã đề đối với bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội. Ngay sau khi kết thúc buổi thi môn tổ hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cập nhật tất cả các mã đề thi các môn liên quan lên Cổng thông tin chính thức tại địa chỉ: moet.gov.vn để thí sinh, phụ huynh và những người quan tâm cùng theo dõi. Dự kiến trong chiều 23/6, Bộ Giáo dục cũng sẽ công bố đáp án tất cả các bài thi lên trang thông tin điện tử chính thức nêu trên.
Đề thi không gây căng thẳng
Ra khỏi phòng thi với nụ cười tươi tắn, thí sinh Nguyễn Quỳnh Anh, Trường Trung học phổ thông Quang Trung - Đống Đa cho biết: Hôm nay em làm bài tốt và không bị căng thẳng, mệt mỏi. Đề Địa lí và Giáo dục công dân năm nay không khó. Em chỉ mất nửa thời gian để hoàn thành hai môn. Em tự tin được 9 điểm môn Giáo dục Công dân và 7 điểm môn Địa lí. Môn Lịch sử em làm bài không tốt bằng hai môn kia nhưng cũng được khoảng 5 điểm.
Rất tự tin với kết quả của mình, thí sinh Phạm Mai Anh, Trường Trung học phổ thông Quang Trung -Đống Đa chia sẻ: Em thi khối D nhưng hôm nay em làm tốt, nhất Địa lí và Giáo dục công dân. Em dự kiến được khoảng 7-8 điểm mỗi môn. Riêng đề thi môn Lịch sử có khó hơn đề em được ôn tập ở trường nhưng em vẫn hoàn thành được khoảng 70% bài thi. Em thấy bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội hôm nay vừa sức, không gây căng thẳng.
Thí sinh Phạm Quang Anh, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa cũng cho biết: Ba môn thi em đều làm bài khá. Môn Lịch sử em làm được hết bài và tự tin đạt khoảng điểm 8. Mã đề của em có nhiều câu vận dụng hiểu biết thực tế, các câu còn lại đều bám sát nội dung chương trình đã được ôn tập. Em thấy bài thi tổ hợp hôm nay vừa sức với các thí sinh. Các bạn của em cũng hoàn thành bài tốt và rất phấn khởi.
Ghi nhận tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội), thí sinh Nguyễn Thu Trang cho biết: Đề thi Lịch sử có những câu hỏi rất hay như: phần câu hỏi về quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, lịch sử Việt Nam những năm 1930 - 1931, 1936 - 1939... Tương tự là đề thi môn Địa lí, các bạn thí sinh cũng dễ dàng làm được điểm 5, vì gần một nửa số câu hỏi là sử dụng Atlat địa lí Việt Nam, những câu hỏi khác rấtcơ bản, hầu hết kiến thức trong sách giáo khoa và không có câu hỏi đánh đố.
Tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội), thí sinh Đinh Phạm Linh Chi cũng chia sẻ: Lịch sử là môn thi khó nhất trong cả 3 bài thi. Trong bài thi Lich sử có nhiều câu hỏi khó đòi hỏi thí sinh phải am hiểu kiến thức. Môn Địa lý và môn Giáo dục công dân bình thường. Năm nay là năm đầu tiên thi Giáo dục Công dân nhưng đề thi khá gần gũi và áp dụng nhiều trong đời sống nên không gây khó khăn cho thí sinh. Em tin mình được điểm 8 trở lên.
Đề thi làm nổi rõ ưu điểm của thi trắc nghiệm
Các thầy cô giáo thuộc hệ thống giáo dục https://hocmai.vn/ cho rằng: Năm 2017 là năm có nhiều sự biến đổi của kì thi Trung học Phổ thông quốc gia nói chung, trong đó đặc biệt có môn Lịch sử. Theo đó, đề thi được thiết kế dựa trên chủ trương bám sát chương trình sách giáo khoa Lịch sử 12, các vấn đề và nội dung câu đều không có gì xa lạ với học sinh và bao gồm hai phần Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới.
Sự phân bổ số lượng câu hỏi giữa hai mảng Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam cũng vẫn tương tự như các đề hàng năm (28 câu Lịch sử Việt Nam và 12 câu Lịch sử thế giới). Mức độ phân bổ độ khó và dễ cũng tương đối rõ ràng để đảm bảo 2 mục tiêu của kì thi với khoảng 24 câu hỏi ở mức độ cơ bản, các câu còn lại có độ khó tăng dần dùng để phân loại thí sinh. Đồng thời các câu hỏi có tính thời sự vẫn có mặt như câu hỏi về xu thế toàn cầu hóa (câu 37 mã 310); vấn đề quan hệ quốc tế trong giai đoạn sau kết thúc chiến tranh lạnh như câu 29 mã 301.
Tương tự đề môn Địa lý được thiết kế làm nổi bật ưu điểm của hình thức thi trắc nghiệm là phủ rộng kiến thức, có độ phân hóa. Sự phân bổ mức độ khó của đề cũng tương đối rõ ràng để đảm bảo 2 mục tiêu của kì thi với khoảng 24 câu hỏi ở mức độ cơ bản. Các câu còn lại có độ khó tăng dần và đặc biệt 4 câu cuối có độ khó hơn hẳn cụ thể là rơi vào chuyên đề địa lí vùng kinh tế, kĩ năng nhận dạng biểu đồ.
Còn đề thi môn Giáo dục Công dân có phạm vi kiến thức khá rộng. Tuy nhiên, nội dung hoàn toàn nằm trong chương trình học đã được ôn tập nên thí sinh cũng dễ dang làm bài tốt. Bên cạnh đó, do hình thức làm bài theo hình thức trắc nghiệm nên hầu hết thí sinh đều hoàn thành tốt các bài thi.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong buổi thi cuối cùng, có khá nhiều thí sinh đến điểm thi muộn, nguyên nhân là do quên Atlat để làm bài thi môn Địa lý. Tổng số thí sinh vắng trên toàn địa bàn thành phố là 216 thí sinh, trong đó có một thí sinh tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Kim Liên (Hà Nội) bị đình chỉ thi.
Ghi nhận tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Kim Liên, không khí trường thi nghiêm túc. Phụ huynh tuân thủ theo hướng dẫn của lực lượng an ninh trật tự. Phụ huynh được phát quạt giấy, nước miễn phí, ngoài ra còn được phát báo cáo để nghiên cứu về hướng dẫn thi và thay đổi nguyện vọng của thí sinh sau khi có kết quả thi.
Đợi đón con, anh Phan Thanh Hải (Hà Nội) cho biết: Con anh thi khối D nên anh lo lắng về thấy lo bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội hôm nay. Hơn nữa, thời gian làm bài tổ hợp khá dài, nên anh sợ con mệt mỏi, khó tập trung. Anh cũng chưa cho con so sánh đáp án gợi ý của các bài thi trước để con có tinh thần thoải mái thi nốt bài thi cuối cùng. Anh hy vọng con làm bài tốt để vào trường đại học đúng theo nguyện vọng của con.
TTXVN/Thu Phương - Nguyễn Thắng
Tags