Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thảo luận dự án Luật Nhà giáo

Thứ Bảy, 09/11/2024 07:44 GMT+7

Google News

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 9/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà giáo.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Trong phiên họp chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã rà soát, xác định rõ đối tượng áp dụng của Luật Nhà giáo. Theo đó, Luật áp dụng đối với nhà giáo được tuyển dụng, làm việc toàn thời gian trong các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (không phân biệt công lập, tư thục, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài).

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thảo luận dự án Luật Nhà giáo - Ảnh 1.

Dự thảo Luật Nhà giáo có 6 điểm mới cơ bản. Ảnh: TTXVN

Dự kiến một số tác động tích cực của Luật Nhà giáo đem lại, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh việc ngành Giáo dục sẽ có sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo vì có chế tài pháp lý đủ mạnh để tháo gỡ các nút thắt trong công tác này thời gian qua, thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, giữ chân nhà giáo giỏi trong nghề. Từ đó, nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục trên cơ sở chuẩn hóa nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Cùng với đó, nhà giáo sẽ được nâng tầm vị thế, vai trò, được xã hội ghi nhận, tôn vinh, được bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp; mở rộng cơ hội phát triển nghề nghiệp; tạo điều kiện và quy định trách nhiệm đối với nhà giáo trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, luôn phấn đấu trong học tập, bồi dưỡng, không ngừng cập nhật kiến thức kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển không ngừng của giáo dục; góp phần nâng cao đời sống, giúp nhà giáo yên tâm công tác và tạo động lực để nhà giáo tận tâm cống hiến với nghề, trách nhiệm cao nhất với nghề.

Bên cạnh đó là tạo sự bình đẳng về cơ hội phát triển giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập. Lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập - không chỉ là người lao động theo cơ chế của hợp đồng lao động mà còn đầy đủ tư cách của nhà giáo.

TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›