(Thethaovanhoa.vn) - Sau 28 ngày làm việc, chiều 27/11, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp. Qua xem xét, thảo luận một cách kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 11 Luật, Bộ luật, 17 Nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật khác; trong đó có nhiều dự thảo Luật, Nghị quyết liên quan đến kinh tế. Các Luật, Nghị quyết được thông qua là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế.
Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, phương hướng và nhiệm vụ năm 2020. Qua đó, ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để năm 2019 trở thành năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Đánh giá về động lực của nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2019, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng, Việt Nam có nhiều động lực tăng trưởng vì đã có thời gian tăng trưởng rất cao như giai đoạn 1992 - 1997 khi chưa xảy ra khủng hoảng tài chính tiền tệ trong khu vực. Thời điểm đó, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt từ 8,5 - 9%. Ngoài ra, trong giai đoạn 2002 - 2007, trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008, kinh tế Việt Nam cũng duy trì ở mức 7,5 - 8%.
Bên cạnh đó, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nguồn nhân lực cần cù lao động... trên nền kinh tế vĩ mô ổn định, đại biểu Ngân cho rằng đây là điều cơ bản thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong năm 2020.
Mặt khác, Chính phủ thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ban hành những Nghị quyết dành cho kinh tế tư nhân sẽ thu hút được vốn từ các doanh nghiệp trong nước và luồng vốn đầu tư nước ngoài vẫn "chảy" vào Việt Nam.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Cùng đó, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, 3 khu vực kinh tế tư nhân, nước ngoài và trong nước sẽ tạo ra động lực tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Hơn nữa, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, người dân sử dụng Internet và các tài khoản mạng xã hội tăng cao là động lực giúp kết nối và tạo điều kiện thúc đẩy cuộc Cách mạng này. Đặc biệt, trí tuệ của người Việt Nam cũng tạo ra các sản phẩm thông minh và chắc chắn sẽ tiếp sức cho sự phát triển này.
- Thực hiện quy trình miễn nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Y tế
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020
- Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Điều tra, làm minh bạch nguyên nhân tăng giá nước sạch
Liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) đánh giá, trước hết việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trong năm 2019 không phải là vấn đề mới bởi vấn đề này đã diễn ra trong 3 năm qua khi Luật Đầu tư công 2014 được ban hành.
Đại biểu Kiên cho rằng, tồn tại lớn nhất trong đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công không phải là ở Luật mà hiện nay các đơn vị thực hiện vẫn đang làm việc theo nếp cũ khiến việc chuẩn bị cho một dự án hoàn toàn bị động.
"Thực tế, việc chuẩn bị đầu tư là rất kỹ và khi triển khai phải nhanh. Tuy nhiên, chúng ta lại làm ngược lại, tức là chuẩn bị đầu tư thì rất nhanh để dành được nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, sau đó mới triển khai. Như vậy mới dẫn đến việc chậm tiến độ", ông Kiên nói.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho rằng, đến thời điểm này không nên đặt mục tiêu phải giải ngân vốn đầu tư theo đúng kế hoạch khi mà không còn đủ thời gian thực hiện. Việc này cứ làm đúng theo luật, không thể để việc biết sai mà vẫn làm rồi lại sai. Chính phủ cũng không đặt ra yêu cầu là phải giải ngân hết mà phải giải ngân đúng và đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, các đơn vị cấp dưới phải thực hiện theo đúng luật và dựa trên tổng sơ đồ giải ngân của Chính phủ.
Quốc hội cũng dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với các "Tư lệnh" ngành nông nghiệp, công thương. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã thể hiện thái độ nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, thẳng thắn nhận trách nhiệm và đưa ra nhiều cam kết khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực phụ trách.
Đồng thời, Quốc hội cũng ghi nhận và đề nghị các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành sớm có kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả những cam kết.
Ngoài ra, Quốc hội cũng thẳng thắn phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức, bất cập, yếu kém của nền kinh tế và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Cũng tại Kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đề án bao gồm hệ thống các giải pháp toàn diện nhằm khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải về chính sách, nguồn lực đầu tư và là căn cứ để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; tạo đột phá cho chính sách dân tộc nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng, miền và địa phương; phát huy tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội của các vùng này so với cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.
Thành Trung - Uyên Hương (TTXVN)
Tags