Sáng 6/6, tiếp tục chương trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Giá vé máy bay đã hạ nhiệt
Trước đó, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 5/6, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) chỉ ra thực tế trong thời gian vừa qua, giá vận chuyển trong nước tăng cao, điển hình là giá vé máy bay tăng cao dẫn đến giá tour du lịch trong nước tăng cao so với tour quốc tế, điều này ảnh hưởng tới sự phục hồi chung của ngành du lịch. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp của bộ về vấn đề này, nhất là về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định trách nhiệm chính thuộc về Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính, nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng không đứng ngoài cuộc. Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ; tiến hành tổ chức hội thảo, lắng nghe ý kiến các hiệp hội du lịch… Qua đó đã thấy được, trong cơ cấu giá tour, giá vé máy bay chiếm 30-40%, làm giảm tính cạnh tranh của các tour du lịch.
Bộ trưởng cho biết, qua làm việc với các bộ, ngành cho thấy, giá vé máy bay tăng vì phụ thuộc vào chi phí dịch vụ ở trạm sân bay; chi phí về giá đầu vào nhiên liệu; số máy bay phải đi bảo dưỡng, bảo hành theo định kỳ nên số lượng máy bay không nhiều, đã ảnh hưởng đến giá vé máy bay.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất và đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ giảm giá phí điều hành khai thác tại các sân bay, góp phần hạ giá tour. Đối với các hãng hàng không, Bộ đề xuất các doanh nghiệp này cố gắng đảm bảo có máy bay, thiết kế tăng cường các chuyến bay đêm để đảm bảo nhu cầu đi lại cho nhân dân nói chung trong đó có du khách nói riêng. Bộ cũng đề nghị các doanh nghiệp lữ hành tối ưu hóa trong chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt, có thể kết nối xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch, có sự hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành.
"Với những đề xuất trên đã được xem xét, chấp thuận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo vấn đề này, theo đó từ 28/5, giá vé máy bay trên các tuyến đã bắt đầu hạ nhiệt" – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Công nghiệp văn hóa phấn đấu đạt 7% GDP
Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nêu thực tế tại Việt Nam, sự phát triển công nghiệp văn hóa còn khá mới mẻ nhưng sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa đã ít nhiều tạo nên hiệu ứng du lịch. "Rõ ràng phát triển công nghiệp văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch và ở chiều ngược lại, du lịch văn hóa không chỉ là bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp văn hóa, mà còn là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững" - đại biểu đánh giá. Từ đó đại biểu đặt câu hỏi tới bộ trưởng, cần thực hiện những giải pháp gì phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch .
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, du lịch văn hóa là một trong các ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2022, tầm nhìn đến năm 2030.
Qua tổng kết Quyết định 1755/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về phát triển công nghiệp văn hóa dưới sự chủ trì của Thủ tướng. Thủ tướng đã kết luận và đưa ra quan điểm: tư duy phải sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa để tạo đột phá phát triển. Với tinh thần đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu Thủ tướng sớm ban hành chỉ thị, hiện đang lấy ý kiến bộ, ngành và địa phương, với tinh thần tập trung phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững.
"Đi theo hướng này, chắc chắn công nghiệp văn hóa sẽ có đóng góp vào GDP; hy vọng đến năm 2030, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đội ngũ văn nghệ sỹ, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP như mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp cần được tiến hành đồng bộ, trong đó du lịch văn hóa được coi là một trong những sản phẩm chiếm tỷ trọng nhiều hơn. Thời gian tới tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp văn hóa, nếu không đào tạo thì sẽ không thành công - Bộ trưởng lưu ý.
Về các giải pháp đảm bảo du lịch vùng miền núi ở Tây Nguyên nói riêng và khu vực nông thôn nói chung, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 922/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã giao trách nhiệm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét nội dung này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tích cực phối hợp, trong đó xác định gói sản phẩm du lịch ở lĩnh vực này là dựa trên tài nguyên văn hóa đặc sắc tiêu biểu để thiết kế. Trước mắt xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, phù hợp với tập quán, phù hợp với khả năng điều hành và đặc biệt là tính lan tỏa cộng đồng trong đoàn kết của đồng bào. Bộ trưởng nêu một số mô hình đã thành công như ở Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông…
Bộ trưởng khẳng định, du lịch ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã bắt đầu đi đúng hướng; có rất nhiều sản phẩm độc đáo để thu hút du khách, tuy vậy, chúng ta cũng đang đứng trước một số bất cập và được các bộ, ngành nhìn nhận rõ liên quan đến quy hoạch, liên quan đến một số luật như Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai… Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp. Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn triển khai Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có quy định về đất đa mục đích – đây là cơ sở để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương khi thực hiện các mô hình này cần linh hoạt, không quá cứng nhắc, đảm bảo an ninh trật tự, cho phép khai thác chu kỳ các loại hình sản phẩm này.
Đối với chất vấn đại biểu liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn du lịch đường sông, đường biển, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam có lợi thế là bờ biển đẹp, được Đảng và Nhà nước quan tâm; hiện nay chúng ta có 6 cảng dịch vụ để phục vụ cho khách du lịch. Bình quân mỗi năm Việt Nam đón khoảng 300.000 lượt khách bằng đường biển, đem lại nguồn thu khá lớn cho ngành du lịch. Thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của cảng biển; xây dựng gói sản phẩm để khi du khách di chuyển từ tàu lên đất liền được thăm quan, khám phá, trải nghiệm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hướng dẫn các địa phương có cảng biển xây dựng các tour linh hoạt, sáng tạo. Đồng thời, Bộ đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo với Chính phủ tiếp tục quan tâm và quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển để tạo điều kiện cho các tàu khách lớn, tàu du lịch lớn được cập cảng, có thêm lượng khách đến Việt Nam.
Về giải pháp để bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và ngôn ngữ, chữ viết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, các đề án đã trình và báo cáo cấp có thẩm quyền, trong đó cách tiếp cận rất quan trọng, phải nâng cao nhận thức, phải phát huy yếu tố chủ thể văn hóa, bảo vệ và giới thiệu văn hóa của mình. Trong bối cảnh giao thoa giữa các nền văn hóa, điều quan trọng nhất là giữ gốc chính là chủ thể văn hóa, do đó, chúng ta phải biết trân trọng, yêu quý, giữ gìn và phát huy trách bản sắc văn hoá.
Về bảo tồn di tích lịch sử cách mạng tại các xã an toàn khu, Bộ trưởng khẳng định, nhiệm vụ công nhận an toàn khu do Bộ Nội vụ trình Chính phủ; để phát triển an toàn khu, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư quy hoạch tổng thể và phát triển kinh tế xã hội các an toàn khu. Trong đó, đối với các di tích, di sản trong an toàn khu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn các địa phương chủ động báo cáo với các bộ chủ quản được giao.
Tags