'Kính thưa ô-sin' của Huỳnh Dũng Nhân: 'Trường tồn' với phim và kịch

Thứ Sáu, 08/01/2016 13:24 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Những năm 1990, khi báo Lao động trở thành một trong số các tờ báo được đón đọc nhiều nhất thì tên Huỳnh Dũng Nhân cũng lừng lẫy với các phóng sự in nơi đây. Nhắc đến Huỳnh Dũng Nhân là nhắc đến thể loại phóng sự nhưng với người đàn ông này tài hoa không chỉ có thế.

Huỳnh Dũng Nhân vừa ấn hành cùng lúc hai cuốn sách: tản văn Giọt lệ trên trời và giáo trình Để viết phóng sự thành công (NXB Tổng hợp TP.HCM). Hai cuốn sách này như hai thái cực thể hiện sự tài hoa của tác giả trên hai lĩnh vực tưởng chừng “mâu thuẫn” nhau.

Từ phóng sự lên sân khấu, phim ảnh

Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1955, nguyên quán Bến Tre, ông gắn với Hà Nội từ khi lọt lòng và tuổi thơ đi sơ tán khắp nơi trong tiếng bom gào đạn dội. Gia đình Huỳnh Dũng Nhân có đến mấy thế hệ làm báo, song có lẽ ông là người tài hoa nhất khi cùng lúc “chơi” được nhiều môn nghệ thuật khác nữa.

Những năm tuổi lên 10, Huỳnh Dũng Nhân trong khi đi sơ tán nhưng rất mê môn vẽ. Trong một phóng sự do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện lúc đó, Huỳnh Dũng Nhân hiện lên như một nhân vật đang say sưa vẽ tranh bỏ mặc quanh mình những đạn bom do máy bay Mỹ ném xuống.


Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

Hình ảnh cậu bé Huỳnh Dũng Nhân trong phóng sự truyền hình này phần nào thể hiện sự lạc quan của người dân khi đó. Và thực sự, vẽ cũng là một nét tài hoa của người đàn ông Huỳnh Dũng Nhân sau này, nhưng có khác hơn khi ông vẽ bằng chữ nhiều hơn bằng cọ.

Tác phẩm đầu tiên Huỳnh Dũng Nhân “vẽ” bằng chữ với chân dung nhân vật hiện lên rõ ràng là cuốn viết về nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, sau này là NSND Đặng Thái Sơn có ngón đàn chinh phục thế giới. Cuốn sách này được NXB Kim Đồng ấn hành dành cho lứa tuổi thiếu nhi.

Thời cuốn Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn được ấn hành còn rất khó khăn do giấy mực in khan hiếm để một cây bút trẻ như Huỳnh Dũng Nhân “được xuất”. Sách ra một thời gian, nhiều người “xúi” tác giả đến NXB Kim Đồng nhận nhuận bút. Đến nơi, Huỳnh Dũng Nhân mới té ngửa vì được giải thích: “Cỡ như cậu được in sách là tốt rồi chứ đòi nhuận bút gì nữa”; dù trước đó ông có 3 tập truyện viết chung in ở NXB này.

Đến nay, Huỳnh Dũng Nhân đã in hơn 15 đầu sách gồm: truyện, phóng sự, giáo trình, tản văn và thơ; trong đó có gần 10 tập phóng sự, nhưng có lẽ với ông in sách cũng là một “dạng thức” để tác phẩm của mình “định hình sự sống lâu dài trong lòng người đọc” thay vì chỉ tồn tại như các bài báo đáp ứng thông tin tức thời trên tờ nhật trình.

Đọc các bài viết của Huỳnh Dũng Nhân, ở thể loại phóng sự hay tản văn, mới thấy sức sống của các bài viết này dài hơn trang báo. Điều này chứng tỏ ngòi bút của tác giả có chất văn chứ không đơn thuần là “tin tường thuật”. Ông được nhiều đồng nghiệp gọi là “con sói phóng sự” cũng vì thế.

Trong phóng sự Kính thưa Ô-sin (NXB Thông tấn) của ông, đạo diễn Nguyễn Lâm đã chuyển thể thành vở hài kịch sáng đèn hơn 10 năm nay ở sân khấu 5B TP.HCM. Và phóng sự này cũng được chuyển thành 70 tập phim truyền hình chiếu trên kênh HTV2 cách nay khoảng 2 năm. Nếu không có sự tài hoa của ngòi bút Huỳnh Dũng Nhân đan cài vào các phóng sự, thì liệu Kính thưa Ô-sin có sức lan tỏa và gặt hái được các “giá trị gia tăng” - từ sân khấu đến phim ảnh?!


Bìa cuốn tản văn"Giọt lệ trên trời"

Sự chân thành của người cầm bút

Ở tuổi đời vừa đủ nhận sổ hưu, Huỳnh Dũng Nhân kinh qua nhiều địa vị xã hội, như: đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM, Phó chủ tịch kiêm Tổng biên tập tạp chí Nghề báo. Khi thôi tất cả các chức vụ, ông được Hội Nhà báo Việt Nam tín nhiệm làm Phó Ban nghiệp vụ của hội này.

Chưa hết, trong nhiều năm qua, Huỳnh Dũng Nhân được nhiều trường đại học, đoàn hội mời thỉnh giảng môn phóng sự - điều tra… Tất cả “sự nghiệp giáo dục” của ông đều gắn với nghề báo, cụ thể là những trải nghiệm trong nghề viết phóng sự của ông.

Hỏi nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bí quyết để có phóng sự thành công là gì? Ông cười: “Tôi đã viết hai cuốn giáo trình Phóng sự, từ giảng đường đến trang viết và Để viết phóng sự thành công, nhưng có thể tóm lại trong vài từ, đó là sự chân thành khi viết. Có thể thông tin mình đưa ra chưa thật chuẩn xác do nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng khi viết phải thật chân thành”.

Không chỉ chân thành khi viết phóng sự, Huỳnh Dũng Nhân cũng đề cao sự chân thành khi viết tản văn. Khi đọc tản văn Giọt lệ trên trời, nhà thơ Thanh Thảo nhận xét: “Huỳnh Dũng Nhân là cây bút đã được xếp hạng. Tôi không biết anh được xếp hạng mấy nhưng cứ vào Top cũng đã oách rồi. Cái hay đầu tiên là sự chân thành của người viết. Viết tản văn mà văn hoa bóng bẩy, mà nỉ non, ỉ ôi thương vay khóc mướn là vứt.

Huỳnh Dũng Nhân viết rất có văn, nhưng anh không lạm dụng sự “làm văn”. Tôi tin, nếu bạn đọc cũng một cách chân thành như người viết, bạn sẽ thấy đây là một tập sách không hề thoáng qua, dù nó khá mỏng và khá nhỏ”.

Không chỉ chân thành trên trang viết, Huỳnh Dũng Nhân còn chân thành trong lối sống hàng ngày. Thời kinh tế thị trường, nhiều đồng nghiệp viết báo tranh thủ các mối quan hệ và giàu lên nhờ đất, Huỳnh Dũng Nhân cũng toan tính kiếm miếng đất làm vốn. Nhưng trong một lần, ba của ông - một nhà báo lão thành, nói: “Ba cũng có miếng đất cho con”.

Cụ thân sinh Huỳnh Dũng Nhân đã đưa ông một hũ đất, và nói: “Đó là miếng đất nơi ông bà nội con đã ngã xuống ở quê nhà Bến Tre thời kháng chiến chống Pháp, khi đi tập kết ra Bắc, ba đã lấy một ít mang theo”. Huỳnh Dũng Nhân đã lặng người khi nhận miếng đất tinh thần từ ba mình. Người dám đón nhận quá khứ và thực tại như Huỳnh Dũng Nhân, không thể nói gì khác ngoài hai chữ: chân thành!

“Con sói phóng sự”

Đọc các bài viết của Huỳnh Dũng Nhân, ở thể loại phóng sự hay tản văn, mới thấy sức sống của các bài viết này dài hơn trang báo. Điều này chứng tỏ ngòi bút của tác giả có chất văn chứ không đơn thuần là “tin tường thuật”. Ông được nhiều đồng nghiệp gọi là “con sói phóng sự” cũng vì thế.

Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›