(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 5 này, lực lượng Nhà nước Hồi giáo chiếm được Ramadi ở Iraq và thành phố cổ Palmyra ở Syria, khiến không ít người bất ngờ.
Theo các chuyên gia, IS làm được thế là nhờ nhiều yếu tố, gồm chiến thuật và cấu trúc lực lượng, bên cạnh sự mệt mỏi và yếu ớt của các đối thủ, và sự ủng hộ của cộng đồng người Hồi giáo Sunni ở 2 nước trên.
Chiến lược gây "sốc và sợ hãi"
Cụm từ này đã ra đời vào năm 2003 để mô tả khả năng chiến đấu vượt trội khi Mỹ tấn công Iraq hồi năm 2003. Nhưng theo hãng tin CNN, cụm từ này cũng có thể được dùng để mô tả chiến thuật của IS trên chiến trường: dùng lực lượng cực mạnh tấn công kẻ thù.
Hồi tháng 2 năm nay, các chỉ huy người Kurd ở gần Mosul cho CNN biết rằng IS thường dùng nhiều xe chở dầu đã được biến thành xe bom tự sát và tấn công vào vị trí của đối phương. Những chiếc xe bom này, ngoài sức công phá đủ để san phẳng một diện tích lớn, còn gây tác động tâm lý khủng khiếp. Có tin nói chiến thuật tương tự đã được IS sử dụng để chống lại Lực lượng an ninh Iraq (ISF) ở Ramadi.
Michael Knights, một nhà phân tích ở Viện nghiên cứu chính sách Cận đông tại Washington, nói rằng "không có gì ngạc nhiên khi ISF ở Ramadi lại gục ngã khi bị tấn công bằng một cú đánh mạnh như thế". Ý ông nói tới việc họ bị 28 xe bom tấn công trong 3 ngày, gồm ít nhất 6 xe chở theo 15 tấn thuốc nổ, tấn công trong 1 lượt.
Ngoài ra, với khả năng chế ngự mạng xã hội tốt, IS đã lan tin hàng ngàn chiến binh của lực lượng này đã từ Syria đổ tới Ramadi, gây nên tâm lý lo sợ cho binh lính ISF.
Cũng cần phải kể tới một vũ khí tâm lý khác mà IS dùng để chống lại đối phương: Các chiến binh chống lại IS biết rằng họ sẽ bị giết rất tàn nhẫn nếu bị bắt giữ. Tại Tikrit hồi tháng 6 năm ngoái, ở Hit trong đầu năm nay và Palmyra tại Syria hồi tuần trước, binh lính của đối phương đã liên tục bị IS hành quyết một cách dã man. Các hoạt động hành quyết này là một phần trong công thức chiến đấu của IS, nhằm chế áp tâm lý đối phương.
Kết hợp chiến thuật quân sự với khủng bố
CNN dẫn lời một chỉ huy người Kurd nói với hãng tin hồi đầu năm nay rằng IS là đối thủ "đáng gờm" không thể khinh thường. Lực lượng này có các chỉ huy giàu kinh nghiệm, hiểu biết rõ về tình hình địa phương, từng hoạt động trong quân đội của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Ngoài ra, IS còn có những kẻ từng chiến đấu ở Chechnya và Afghanistan.
IS được cho là đã làm chủ nghệ thuật đánh lạc hướng kẻ thù, với các vụ tấn công đa dạng, phức tạp. Chúng rất giỏi trong việc phát tín hiệu giả để phân tán hoặc hút lực lượng của đối phương về một hướng mong muốn.
Ví dụ, để chuẩn bị tấn công Ramadi, IS đã tổ chức các chiến dịch tấn công quanh Baiji và phía Bắc Baghdad, ngoài việc khiến đối phương hoang mang còn giúp làm trì hoãn khả năng chi viện cho thành phố.
Nhà phân tích Metin Gurcan của Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ ra rằng IS có cấu trúc chỉ huy "phi tập trung và rất mềm dẻo". Chúng cũng sử dụng chiến thuật tác chiến mới mẻ, "lai giữa chiến thuật của quân đội với các chiến thuật của khủng bố".
Ngoài ra, IS còn sử dụng hiệu quả nhiều hệ thống thiết giáp tại các vị trí phòng ngự của chúng.
Gần đây IS đã triển khai chiến thuật mới này ở miền Trung Syria, bắt đầu bằng việc thực hiện nhiều hoạt động phục kích, đánh lén lính chính quyền, vừa tiêu diệt sinh lực vừa tìm ra điểm yếu của đối phương. Tiếp đó, vào giữa tháng 5, IS bắt đầu mở các cuộc tấn công giống của một đạo quân chính quy để chiếm lãnh thổ.
Đối phương yếu và vô kỷ luật
Tại cả Iraq và Syria, IS là một trong những lực lượng có kỷ luật nhất trên chiến trường. Các đối thủ của chúng gồm một liên minh không bền vững các lực lượng chống chính quyền ở Syria, một quân đội Syria đã mệt mỏi, tàn tạ sau bốn năm chiến tranh và một quân đội Iraq đã mục ruỗng từ bên trong.
IS có thể tính toán rằng tình trạng mệt mỏi và đào ngũ của quân Syria khiến hiện nay là thời điểm lý tưởng để tấn công vào các mục tiêu mà chính quyền đang nắm giữ, thay vì nhắm vào những người Kurd và các lực lượng chống chính quyền Syria khác.
Tại Iraq, lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ Ramadi đông hơn IS về quân số. Nhưng có chứng cứ cho thấy lực lượng gồm cảnh sát, quân đội và các tay súng thuộc nhiều bộ tộc Hồi giáo Sunni không ưa IS, đã nằm dưới sự lãnh đạo tồi tệ. Tinh thần chiến đấu của họ cũng thấp và trong một số tình huống, họ còn không được trang bị vũ khí đầy đủ.
Những lý do nêu trên đã giải thích vì sao IS lại liên tiếp giành được thắng lợi. Nó cũng cho thấy khuất phục lực lượng này rõ ràng sẽ là thách thức vô cùng khó khăn với chính quyền Iraq, Syria cũng như với Mỹ và phương Tây.
Vũ khí tâm lý của IS |
Tường Linh (Theo CNN)
Thể thao & Văn hóa
Tags