Cách đây ít thời gian, khi Đài truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp giải bình chọn MC được yêu thích nhất, nghệ sĩ Kim Tiến xuất hiện với vai trò là thế hệ đi trước, nói về những cảm xúc, tình cảm với nghề. Chỉ ít phút xuất hiện, nhưng ngay ngày hôm sau hàng xấp thư tay của khán giả được gửi đến Đài bày tỏ tình cảm với chị, vui mừng khi thấy sự xuất hiện của chị.
|
NSƯT Kim Tiến nói, điều hạnh phúc lớn lao của chị là bây giờ, “đã hoàn thành nghĩa vụ với đất nước, về hưu rồi mà vẫn luôn được khán giả nhớ, được mời đi đọc phim liên tục là niềm hạnh phúc không kể xiết”
Ở cái tuổi ngoại lục tuần, NSƯT Kim Tiến trông còn rất trẻ, chị nhanh nhẹn, hoạt bát, nụ cười sang trọng luôn nở trên môi. Đặc biệt là giọng nói, vẫn chất giọng trầm ấm, tình cảm và mang bản sắc riêng, không trộn lẫn vào đâu được.
Hãy để người khác thấy vẻ đẹp riêng của mình
* Trong đội ngũ MC trẻ, có rất nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu nhảy sang làm MC tay ngang, chị có xem và có ấn tượng về một MC “tay ngang” này nào không?
Hôm làm chương trình Trao giải MC được yêu thích nhất, tôi thực sự bất ngờ với Hà Anh Tuấn. Giọng thì tôi không nói vì Hà Anh Tuấn là ca sĩ nên chất giọng rất tốt, nhưng thế mạnh của cậu ấy là rất linh hoạt, ứng biến trong đối thoại. Tôi ít xem, nhưng thấy những người làm được như Tuấn không nhiều. Chính tôi cũng ngạc nhiên về tài ứng biến, chủ động, sự linh hoạt của Tuấn, Tuấn gây cho người ta cái thiện cảm. Tuấn dẫn hết sức bình thường, tự nhiên nhưng không phải tự nhiên chủ nghĩa. Dẫn kiểu tự nhiên chủ nghĩa là tôi rất ghét, tôi vẫn nói với các học trò của tôi là cái ăn, cái nói, cái cười ngoài đời không được mang lên sân khấu, phải cách điệu, đừng tự nhiên quá. Hà Anh Tuấn thì rất đúng ngưỡng, người ta thấy Tuấn tự nhiên, hoà nhã nhưng có chừng mực, không buông tuồng. Đa số MC bây giờ dễ bị buông tuồng, hay quá đà. Điều đó sẽ cho thấy chất văn hoá của anh ít.
* Theo chị, tìm một MC giỏi bây giờ có khó khăn?
Thực ra là rất khó tìm vì tôi cũng đã đi tuyển MC cho nhiều nơi và thấy rất rõ điều đó. Tình yêu với nghề MC ai cũng có, nhưng cái quan trọng nhất là có kiến thức, vốn sống. Khi đi tuyển MC cho một số Đài, tôi ngạc nhiên khi thấy có người học ở Học viện Báo chí ra mà hỏi có sự kiện nào nổi bật nhất trong đất nước thời gian này thì không biết. Tôi thấy lạ lắm. Tôi thấy người ta đến với nghề này vì nhiều lẽ: quan tâm đến cái nghề để làm việc, trả lương hậu, thích nổi tiếng... Số người thực sự mê nghề này thì không nhiều. Đó chính là lý do vì sao mọi người đều có nhận xét là lớp trẻ hiện nay cứ nhàn nhạt, nhất là các bạn cứ bắt chước, giống nhau quá. Một Đài có 10 phát thanh viên, 10 người dẫn nhưng chỉ 1 phong cách thì nghĩa là chỉ có 1 MC, khán giả ai buồn xem!?
* Chị có thể nói cụ thể hơn về cái sự giống nhau đó?
Tôi không nói về ngoại hình, mà là nói về giọng nói, lối thể hiện giống nhau. Tại sao MC không để cho người ta nhìn thấy vẻ đẹp riêng của mình mà cứ bắt chước nhau? Vấn đề là chính các em không biết, không được học, được đào tạo gì cả nên cứ học theo người khác. Làm MC phải có sự sáng tạo, anh phải sáng tạo từ cảm xúc ra lối thể hiện của anh.
|
Sắc thái riêng từ sự cố gắng không ngừng
* NSƯT Kim Tiến không chỉ được biết đến với vai trò dẫn, đọc các chương trình thời sự, phim tài liệu mà cũng rất nổi tiếng với vai trò đọc phim truyện, đọc phim để mang lại một sắc thái riêng chắc không đơn giản?
Phim truyện luôn chia thành các dòng khác nhau: bi hùng, dã sử, tình cảm, rồi chia theo sắc thái các nước: châu Á, Mỹ, Âu, hoặc ngay như phim Pháp khác Mỹ, tốc độ khác nhau. Tôi luôn phấn dấu đọc được tất cả các dòng phim, chỉ có phim trẻ con không đọc được vì không hợp giọng. Đọc cho trẻ con phải giọng nữ cao, nhí nhảnh mới trẻ trung. Để thành công khi đọc phim truyện không đơn giản, không phải cứ đọc lời dịch là xong, mà một phần là năng khiếu. Có năng khiếu sẽ rất nhạy cảm với các vùng miền, lối nói của phim Tây ngắn gọn, xúc tích không rườm rà như Châu Á. Tóm lại người đọc phim không phải là máy, phải thể hiện sắc thái, người đọc tốt là làm nâng tác phẩm lên. Nếu không có giọng đa dạng để đọc được tất cả các dòng phim thì ít nhất cũng phải tạo sắc thái riêng. Đọc phim Tàu không thể mang phong cách Tây được.
* Chị đã từng gặp một khó khăn nào đó để tìm một sắc thái riêng chưa?
Lần đó tôi nhận đọc phim “Trái tim mùa Thu” của Hàn Quốc. Tôi vốn quen đọc phim Tây, chưa đọc phim tình cảm ướt át như vậy bao giờ. Lúc đó Minh Khuê lại đang ghi dấu ấn với phim Hàn Quốc, nhiều nhà tài trợ cứ đòi đọc phim Hàn Quốc phải là Minh Khuê. Nhận phim, tôi trăn trở lắm, phải nghĩ làm sao mình cũng ghi được dấu ấn gì đó. Sau khi đọc xong có 2 luồng phản ứng đến với tôi. Nhiều người nói tôi diễn, đọc phim không được diễn. Nhưng thực ra phim đó là tôi cảm xúc theo nhân vật, cô gái này yêu rất đau khổ, tôi cảm nhận được đau khổ của cô ấy và tôi dồn tất cả những yêu thương của cô vào tiếng gọi “Anh à”. Chàng trai cũng đau khổ, rồi nhân vật thứ 3 cũng đau khổ… Toàn bộ phim đó là một sự yêu thương, tôi cảm xúc hoàn toàn theo tình cảm đó. Một đồng nghiệp gặp tôi bảo là “Ở nhà xem phim mà nghe thấy chị đọc “Anh à” là sởn gai ốc, tình cảm không thể diễn tả nổi…”. Rất nhiều người viết thư về khen tôi, nói tình cảm quá. Đó là thành công mà tôi thấy hạnh phúc.
Hài lòng với cuộc sống hiện tại
* Ngoại lục tuần mà thấy chị vẫn tất bật phóng xe đi khắp nơi để đọc phim, nếu giả sử như một tháng Kim Tiến không được đọc phim thì sao nhỉ?
|
* Công việc vẫn đem lại cho chị niềm vui, còn cuộc sống riêng thì sao?
Tôi rất hài lòng. Tôi luôn nghĩ theo tư tưởng nhà Phật là hãy tự bằng lòng với chính mình, chứ còn cuộc đời mỗi con người chẳng ai hoàn hảo, hoàn mỹ và đạt được tất cả những mong muốn. Tôi luôn thấy tôi được như thế này là tốt lắm rồi, chẳng mong gì hơn. Tôi may mắn là hơn chục năm nay gắn với ông xã hiện tại thì cuộc sống dễ chịu. Chồng tôi là Tiến sĩ Hoá, lại làm kinh doanh nên cuộc sống vật chất tôi không lo lắng gì. Nhưng giả sử nếu tôi không gặp anh ấy, sống bình thường thôi, kinh tế kém đi, tôi vẫn thấy hài lòng vì chẳng có gì sung sướng bằng mình cứ hài lòng với mình.
* Nghĩa là với chị, hài lòng chính là khái niệm về hạnh phúc?
Đúng vậy, hạnh phúc là bằng lòng với cái gì mình đang có. Nhưng đó là nói về tinh thần, tình cảm, vật chất nhưng với nghề thì không bao giờ. Không phải là vì tôi “nói mép” đâu mà tôi nghĩ tôi được như ngày hôm nay vì tôi không bao giờ hài lòng. Đến nay tôi vẫn được mời đi làm, được làm việc không nghỉ cũng là sự ghi nhận những phấn đấu không ngừng của tôi.
Theo Lương Ái Vân (PNTĐ)