Sáng 25/4, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 50 năm nền Văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đồng chủ trì Hội nghị.
* Lực lượng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ Việt Nam, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sỹ - những chiến sĩ Mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng, có vai trò và đóng góp to lớn để làm nên những thắng lợi vĩ đại đó.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
50 năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự kiên định đổi mới, sáng tạo, tâm huyết của toàn dân tộc, nòng cốt và tiên phong là đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, chúng ta rất tự hào đã có một nền văn học nghệ thuật hiện đại, thống nhất, tiếp nhận những mặt tích cực, tinh hoa của dân tộc, văn học nghệ thuật ở mọi miền Tổ quốc, tinh hoa văn hóa quốc tế và trở thành một nền văn học nghệ thuật theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời phù hợp với lòng dân, thể hiện rõ khát vọng, ý chí, tinh thần, nguyện vọng của nhân dân, vì sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước sau chiến tranh.
Nhấn mạnh những điểm nổi bật của nền văn học nghệ thuật Việt Nam trong 50 năm qua, ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, nền văn học nghệ thuật nước nhà đã phát triển đúng hướng, tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt trong những năm qua, chúng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới, đội ngũ văn nghệ sỹ đã thể hiện sự tin tưởng vào đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, bám sát thực tiễn cuộc sống, có khát vọng đổi mới mạnh mẽ, đóng góp tiếng nói tích cực trong nhiều vấn đề, nhất là chấn hưng văn hóa, phát triển con người, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà luôn là lực lượng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Văn học nghệ thuật có đóng góp quan trọng, tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trong quá trình đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển ngày càng sâu rộng đối với thế giới", Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh.
* Khơi dậy khát vọng cống hiến và năng lực sáng tạo của văn nghệ sỹ
Ghi nhận, đánh giá cao các tham luận tại Hội nghị, Trưởng ban Dân vận và Tuyên giáo Trung ương nêu rõ cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, gắn với sự đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo phù hợp, hiệu quả để kiến tạo đường hướng, không gian phát triển văn học nghệ thuật. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đội ngũ văn nghệ sỹ và các tầng lớp nhân dân cần hiểu rõ, sâu hơn về vị trí, vai trò, sứ mệnh của văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên mới, đặc biệt, chú trọng đến tính đặc thù của văn học nghệ thuật, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do sáng tạo, khơi dậy phát triển mạnh mẽ khát vọng cống hiến và năng lực sáng tạo của văn nghệ sỹ.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh thể chế hóa chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về văn học nghệ thuật, rà soát, xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong lĩnh vực này. Những quy định, chế độ, chính sách lạc hậu, bất cập, không phù hợp cần phải kiên quyết loại bỏ, tạo hành lang thuận lợi, khơi nguồn phát triển tiềm năng sáng tạo.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa thông tin việc sẽ tổ chức nghiên cứu, ban hành chiến lược quốc gia về xây dựng nền văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; thực hiện tốt quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu; đổi mới căn bản, toàn diện chính sách đãi ngộ, tôn vinh trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Đồng thời tiếp tục cải cách mạnh mẽ chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học nghệ thuật và văn nghệ sỹ; chế độ tài trợ, đặt hàng thứ đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật; tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ thâm nhập sâu rộng trong thực tế sôi động của đất nước; đồng hành, gắn bó với công cuộc lao động sáng tạo của nhân dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các tác phẩm văn học, nghệ thuật; tập trung xây dựng, phát triển thị trường và các sản phẩm, dịch vụ văn học nghệ thuật đồng bộ, bền vững, lành mạnh để góp phần phát triển công nghiệp văn hóa. Tăng cường nguồn lực đầu tư của Nhà nước gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, tạo bước đột phá trong thu hút và phân bổ nguồn lực phát triển văn học nghệ thuật.
Cùng với đó là thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ; tập trung xây dựng hệ thống lý luận văn học nghệ thuật Việt Nam khoa học nhân văn hiện đại, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn; kiên trì thực hiện tự do sáng tạo đi đôi với tự do phê bình; nâng cao tính khoa học, chiến đấu và thuyết phục của công tác lý luận, phê bình.
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nêu, đẩy mạnh giao lưu hợp tác quốc tế về văn học nghệ thuật, tiếp tục phát huy mạnh mẽ sức mạnh mềm của văn hóa; phát huy nội lực của nền văn học, nghệ thuật dân tộc làm căn bản, có tư duy và tầm nhìn dài hạn; tăng cường tính chủ động phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị để xây dựng triển khai, thực hiện chiến lược quảng bá văn học nghệ thuật Việt Nam ra thế giới; thẩm định lựa chọn hiệu quả các tác phẩm văn học nghệ thuật của nước ngoài đưa vào nước ta.
Thực hiện hiệu quả chủ trương của Trung ương, ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu tiếp tục sắp xếp tổ chức, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức văn học nghệ thuật Trung ương và địa phương, bảo đảm tinh gọn chuyên nghiệp, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Nêu rõ đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, có những cơ hội và thách thức đang xen, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam cần tiếp tục kề vai sát cánh, đồng tâm hiệp lực để thực hiện sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh quang đối với Tổ quốc và nhân dân. Thông qua các tác phẩm, đội ngũ văn nghệ sĩ chính là người đã ươm trồng hạt giống về cái đẹp và lòng nhân ái và sự nhân văn cao cả, gìn giữ và thổi bùng lên ngọn lửa của truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tự tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

"Mỗi văn nghệ sĩ, mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật chân chính sẽ góp phần bồi đắp xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; từ đó mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng của dân tộc ta", Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh.
Với những thành tựu to lớn đã đạt được, tiềm năng được khai mở, ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, chúng ta có quyền tự hào và tự tin xác định tâm thế, tầm nhìn, khát vọng đưa nền văn học, nghệ thuật nước nhà nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đồng hành với dân tộc, văn học nghệ thuật phải tiếp tục vươn lên với khát vọng mới, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật, xứng đáng với truyền thống lịch sử văn hóa, cơ đồ của đất nước và sự mong đợi của nhân dân ta trong thời gian tới.
* Ươm trồng cái đẹp, lòng nhân ái và truyền thống yêu nước
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận về sự phát triển lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 50 năm qua; một số dấu ấn nổi bật 50 năm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; văn học, nghệ thuật đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng góp phần định hướng tư tưởng, hun đúc lòng yêu nước, bồi đắp bản lĩnh và lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; 50 năm văn học Việt Nam, thành tựu và xu thế; phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam nhìn từ thực tiễn ngành điện ảnh; hoàn thiện thể chế, chính sách về văn học, nghệ thuật sau 50 năm thống nhất đất nước...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tham luận tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN
Các đại biểu tập trung khẳng định những thành tựu, kết quả đạt được của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất đất nước; đề xuất, kiến nghị chủ trương, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn mới. Từ đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật; cổ vũ, động viên đội ngũ văn nghệ sỹ tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, thống nhất, hăng say sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng và nghệ thuật, đóng góp nhiều hơn nữa để xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, các tham luận nhấn mạnh, trong nửa thế kỷ qua, văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế; nhập cuộc, đồng hành cùng dân tộc trong bước chuyển mình, tạo nên tiếng nói, sức mạnh, động viên và dự báo cho sự phát triển. Bối cảnh đó đã tác động sâu sắc đến thực tiễn sáng tạo của văn nghệ sỹ; thúc đẩy văn học, nghệ thuật Việt Nam từng bước tiếp cận với các xu hướng tiến bộ của văn học, nghệ thuật thế giới, đi sâu vào hiện đại hóa, đạt được những kết quả bước đầu rất đáng quý.
Hội nghị thống nhất, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với những cơ hội và thách thức đan xen. Bằng tác phẩm và thông qua tác phẩm, đội ngũ văn nghệ sỹ chính là những người ươm trồng hạt giống về cái đẹp, lòng nhân ái và sự tử tế; gìn giữ và phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Các ý kiến nhận định, mỗi văn nghệ sỹ, mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật chân chính sẽ góp phần bồi đắp, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trước đó, các đại biểu tham quan Triển lãm thành tựu 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước.
Tags