Kịch "Những con ma nhà hát": Một suy ngẫm về thánh đường nghệ thuật

Thứ Hai, 08/07/2024 19:43 GMT+7

Google News

Kịch mục mới của sân khấu Thiên Đăng là Những con ma nhà hát (đạo diễn: NSƯT Thành Lộc) với kịch bản mà Lê Hoàng đã viết hơn 20 năm trước. Suất diễn kế tiếp của vở vào lúc 19h30 ngày 11/7.

Với có sự tham gia diễn xuất của NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Lê Khánh, Trương Hạ, Tuấn Khải, Trang Tuyền, Mạnh Hùng, Minh Thư và nhiều diễn viên khác.

Cười, mà đau

Ba hình ảnh xuất hiện từ đầu đến cuối của vở diễn là ông đạo diễn (NSƯT Thành Lộc), cô gái bán bia ôm (Lê Khánh) và khán giả hám tiền (Trương Hạ).

Kịch "Những con ma nhà hát": Một suy ngẫm về thánh đường nghệ thuật - Ảnh 1.

Thành Lộc trong “Những con ma nhà hát”. Ảnh: Thanh Hiệp

Ông đạo diễn luôn tâm niệm sân khấu là thánh đường lung linh, cần gìn giữ sạch sẽ đến mức một hạt bụi cũng không được lọt vào. Đối lập với đó, cô bia ôm thì trần trụi và thô lậu từ hành động, ngôn ngữ, lời nói. Cô đi xem kịch vì nghe quảng cáo rằng có bốc thăm trúng thưởng với số tiền rất hậu. Có một khán giả khác cũng hám tiền tương tự, dù hay tỏ vẻ.

Hai hình ảnh đối lập này được đặt chung chỗ như một bức tranh hai gam màu trắng và đen trái ngược. Vị đạo diễn luôn tỏ ra mình cao quý, nhưng vì khán giả ngày nay đã chán chê nghệ thuật cao siêu, họ sống vội, nghĩ nông và thực dụng nên đến với sân khấu vì lý do khác. Cụ thể ở vị khán giả (Trương Hạ đóng), cô bia ôm (Lê Khánh thủ diễn) đến rạp để được trúng xổ số với số tiền lên đến 500 triệu đồng. Đây là một sự tưởng tượng phi thực tế của Lê Hoàng, nhưng nó miêu tả sinh động cái thị hiếu giải trí thực dụng và xem nhẹ giá trị nghệ thuật.

Kịch "Những con ma nhà hát": Một suy ngẫm về thánh đường nghệ thuật - Ảnh 2.

Lê Khánh (vai gái điếm) và Trương Hạ (khan giả hám tiền). Ảnh: Nguyễn Huy

Vị đạo diễn hứa với lòng mình sẽ làm một cú chót, lấy một số tiền rất lớn để quay về với nghệ thuật chân chính. Thế nên, ông ta mạnh dạn tiến hành trò xổ số trước khi mở màn. Hãi hùng thay, cứ mỗi một vé số trúng thưởng được nêu lên, ai sở hữu cái vé ấy ngã ra chết một cách khó hiểu. Không khí chết chóc và sợ hãi bao trùm lên nhà hát, khi người thứ tư đã chết một cách không lý giải được. Ông đạo diễn và cô bia ôm là người sẽ bốc chiếc vé sau cùng. Ai bắt được chiếc vé có hình tròn đỏ sẽ chết ngay lập tức.

Lê Hoàng là cây bút sắc sảo trong các tiểu phẩm phê phán những điều trái khoáy trong xã hội. Anh có cách kể chuyện nhiều tầng nghĩa, nên xem những vở kịch mà Thành Lộc dựng từ kịch bản của Lê Hoàng, khán giả sẽ nắm bắt ý tứ tùy vào sự quan sát và trải nghiệm riêng trong cuộc sống.

Kịch "Những con ma nhà hát": Một suy ngẫm về thánh đường nghệ thuật - Ảnh 3.

Tạo hình của NSƯT Hữu Châu (trái). Ảnh: Nguyễn Huy

Với Những bóng ma nhà hát, Thành Lộc đã dàn dựng nhiều tình huống kịch hài hước, châm biếm, qua sự đối đáp của các diễn viên. Những tình huống cười bể rạp được góp sức từ cái duyên của NSƯT Hữu Châu (vai nữ lão nghệ sĩ) và Lê Khánh. Tuy nhiên, với những người từng dõi theo thăng trầm của nghệ thuật, qua vở kịch họ cảm nhận nỗi đau của sự xuống cấp về thẩm mỹ của thoại kịch nói riêng và sân khấu nói chung. Mọi thứ đều bị biến dạng và phai nhạt dần cái ý nghĩa sân khấu là một thánh đường. Khi người làm nghệ thuật không còn là chính họ, khi người xem chỉ muốn xem cái gì đó hời hợt, thực dụng, thì tất cả đều đã trở thành bóng ma của quá khứ.

Những nghệ sĩ đi theo hướng nâng cao giá trị thẩm mỹ thông qua vở diễn đang khó tìm kịch bản mới và hay, nên phải tái dựng lại các kịch bản cũ.

Một liên tưởng đến kinh điển

Nghe qua tựa vở kịch này, nhiều người liên tưởng đến một tác phẩm kinh điển của Gaston Leroux, đó là Le Fantôme de l'Opéra (Bóng ma trong nhà hát). Thực ra thì Lê Hoàng chỉ mượn tựa đề để gợi một liên tưởng, chứ nội dung của vở hoàn toàn khác.

Kịch "Những con ma nhà hát": Một suy ngẫm về thánh đường nghệ thuật - Ảnh 5.

Poster vở "Những con ma nhà hát"

Tác phẩm của Gaston Leroux kể về một anh chàng tật nguyền sống bí ẩn trong tầng hầm nhà hát, người có giọng opera tuyệt vời, nhưng cuộc đời sống chui lủi như một bóng ma. Chàng trai đã thầm thương trộm nhớ nàng diễn viên trẻ trong nhà hát ấy, sau đó dạy nàng hát, từ đó nàng trở thành ngôi sao. Chàng đã yêu nàng điên cuồng, nhưng nàng không đáp lại tình yêu này, mà chạy theo bóng hình khác. Chàng trai tật nguyện uất hận đã bắt cóc và có ý định giết chết người mình yêu và cả người yêu cô ta. Sau cùng, tình người và tính nhân ái đã trỗi dậy thúc giục chàng trai để hai người được sống và yêu nhau, còn mình biến mất như chưa từng hiện diện trên cõi đời.

Trong vở Những con ma nhà hát của Lê Hoàng và Thành Lộc không có tình yêu lứa đôi, thay vào đó, là sự trăn trở về tình yêu của nghệ sĩ và khán giả với nghệ thuật chân chính.

Vở kịch này đã được Thành Lộc diễn rất thành công trước đây, từ lúc còn ở IDECAF. Khi quyết định dựng lại phiên bản mới, Thành Lộc đã có vài thay đổi về những ý niệm được thể hiện qua đạo cụ, cảnh trí, diễn viên, vũ đạo, cũng như lời thoại. Tuy nhiên, về nội dung thì vẫn trung thành với kịch bản cũ.

Kể từ khi ra mắt, sân khấu Thiên Đăng đã liên tiếp dựng mới nhiều vở, trong đó có 2 vở được cảm tác từ những kịch bản cải lương. Kỳ này, Thành Lộc tái dựng một kịch bản đã từng thành công của chính anh. 

Điều này cho thấy trong khi nhiều sân khấu chuyển hướng theo kịch hài TikTok, kịch sinh hoạt đời thường, thì những nghệ sĩ đi theo hướng nâng cao giá trị thẩm mỹ thông qua vở diễn đang khó tìm kịch bản mới và hay, nên phải tái dựng lại các kịch bản cũ. Đây có lẽ cũng là một giải pháp để họ còn giữ lại được cái cốt cách nghệ thuật của mình.

Nguyễn Huy

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›