(Thethaovanhoa.vn) - Sân khấu Hoàng Thái Thanh ra mắt thêm một vở tết với tên Chờ thêm chút nữa (tác giả Bùi Quốc Bảo, đạo diễn Tuyết Mai-Quốc Thịnh). Vở diễn vừa cảm động với chủ đề về tình mẫu tử, vừa có hình thức thể hiện rất lạ lẫm so với phong cách vốn có của Hoàng Thái Thanh.
1. Câu chuyện của đứa bé lạc mẹ và suốt 20 năm đi tìm mẹ thật đáng thương tâm. Khi Phong vừa lên 5 tuổi, cậu và mẹ đã lạc nhau trong công viên bởi một tai nạn. Phong được gia đình của Tài đem về nuôi dưỡng, cậu coi mẹ Tài như mẹ ruột, coi Tài như anh ruột. Còn Thủy, cô bạn gái “thanh mai trúc mã” trong xóm nghèo lao động, đã trở thành người thân của cậu.
Phong chọn nghề bán bong bóng nối nghiệp mẹ nuôi, nhưng thật ra cậu muốn bám trụ nơi công viên này để mẹ ruột mình nếu quay lại thì tìm được mình.
Suốt 20 năm, Phong mòn mỏi chờ mẹ. Thậm chí, cậu tham dự cuộc thi vẽ tranh, để hy vọng nhờ truyền thông đánh tiếng tới mẹ mình. Và Phong đã gặp được mẹ đúng như khao khát. Nhưng, trái với mơ ước của Phong về mái ấm gia đình, cậu đã bị mẹ và em trai đối xử tàn nhẫn, bóc lột sức lao động, bởi Phong vẽ tranh rất đẹp, đem về nguồn lợi rất lớn. Phong đã phải trốn đi vì không chịu đựng nổi.
Bất ngờ, trên đường chạy trốn, Phong gặp bà Lan, người cũng mất con, và nhận ra Phong là con mình, chăm sóc, yêu thương hết mực. Vậy ai mới là mẹ thật sự của Phong? Câu trả lời nằm trên tờ giấy xét nghiệm ADN. Nhưng Phong đã xé bỏ khi chưa ai kịp đọc. Cậu chọn câu trả lời theo trái tim mình: Ai đã yêu thương cậu, đã chăm sóc cậu, người đó chính là mẹ. Tình mẫu tử không chỉ thể hiện trong huyết thống, mà còn ở tình thương đối với nhau. Những người mẹ ích kỷ dù có níu kéo, ràng buộc bằng pháp lý đi nữa, thì đứa con cũng chưa chắc ở mãi bên mẹ, có khi nó sợ hãi, lùi xa.
- Kịch 'Bạch Hải Đường': Nhiều nét mới, nhưng chưa toàn vẹn
- Hoàng Tích Chỉ - Đến các chiến trường để viết kịch bản phim
- Nhạc kịch 'Những người khốn khổ' tái ngộ khán giả Hà Nội
- NSƯT Xuân Bắc được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam
Hình như trong cuộc đời này cũng có những bà mẹ đánh mất con ngay trong tầm tay như thế. Ngược lại, cũng có những ân tình thắm thiết dù không máu mủ ruột rà. Cuộc sống phức tạp, chứ không một chiều. Và vở diễn làm người ta suy nghĩ về những bạo hành gia đình, về những thân phận trẻ thơ rất cần mái ấm thật sự, chứ không phải một gia đình chỉ có cái vỏ bên ngoài.
2. Vở kịch có nghệ sĩ Ái Như và Ngọc Duyên là hai gương mặt điêu luyện đóng vai hai bà mẹ, làm khung cho cả vở. Ái Như đóng vai bà mẹ hiền lành như chính phong cách vốn có của chị, lấy nước mắt khán giả. Còn Ngọc Duyên lại rất đa năng, đóng “bi”, “hài”, “độc”, “lẳng” gì cũng được, vào vai bà mẹ ích kỷ thật hiệu quả. Mỗi lời thoại, hành động của hai bà mẹ này đều đối trọng nhau, đủ để người ta cay xé lòng khi nghĩ đến tình mẫu tử.
Nhưng trung tâm của vở kịch chính là cậu Phong, đứa con trai 25 tuổi mà đã có 20 năm khắc khoải chờ mẹ. Diễn viên Thế Hải vào vai này đúng là một ứng viên hợp lý. Thế Hải cũng trẻ, vóc dáng nhỏ, trông hiền lành, ngây thơ, dễ làm người xem động lòng. Thế Hải cũng thuộc dạng đa năng, đóng chính diện, phản diện đều được. Khán giả còn nhớ vừa rồi trong vở Bàn tay của trời, Thế Hải đóng vai cậu ấm con nhà giàu nhưng ăn chơi, sa đọa, cực kỳ đáng ghét. Vậy mà bây giờ Thế Hải chuyển sang nhân vật đáng thương, chất phác, khiến người ta khóc được, thì quả là đáng khen. Có thể nói đây là vai “đo ni đóng giày” cho Thế Hải. Đạo diễn Ái Như và Thành Hội đã chăm chút cho lứa học trò của mình trưởng thành thấy rõ.
Một diễn viên khác khiến người xem ngạc nhiên thú vị. Huỳnh Thiện Trung, một anh kép có gương mặt phá phách, cái đầu trọc lóc, nhưng không ngờ lại hài hước duyên dáng đến vậy. Đóng vai Tài, anh nuôi của Phong, Huỳnh Thiện Trung thể hiện đúng chất một nhân vật bình dân, tếu táo, ham chơi hơn ham làm, đôi lúc nổi cơn cà chớn, nhưng tận cùng vẫn không phải người xấu, vẫn có tình thương. Huỳnh Thiện Trung quậy cho cả khán phòng phải cười, và cười vẫn trong chừng mực mà Hoàng Thái Thanh yêu cầu, chứ không quá lố. Đạo diễn Quốc Thịnh-Tuyết Mai đã “ngắm” Huỳnh Thiện Trung từ những lần đóng chung ở truyền hình, nay cho anh kép hài tung chiêu mùa tết đúng là đắc địa.
Rap thay cho lời thoại sân khấu Điểm mới lạ lần này là nhạc rap xuất hiện liên tục thay cho lời thoại. Đạo diễn Quốc Thịnh cho biết: “Tôi phải đặt hàng làm nhạc trước cả tháng, hoàn chỉnh rồi mới cho diễn viên hát luôn trên sàn tập. Hơi vất vả so với kịch bản thông thường, nhưng chúng tôi muốn đem lại cái gì đó tươi tắn cho mùa xuân”. Kịch Hoàng Thái Thanh vốn mang màu sắc bi kịch và truyền thống, nhưng lần này lại có không khí hiện đại, lạ hẳn đi, khiến ai cũng ngạc nhiên rồi trở nên quen và thú vị sau phút đầu bỡ ngỡ. |
Hoàng Kim
Tags