UBND huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết, với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, "Địa điểm Khu kinh tế thanh niên năm 1970 tại xã Minh Đài" tại huyện Tân Sơn, vừa được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia vào ngày 14/4, theo Quyết định số 1017/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký ban hành.
Việc được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia góp phần khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của "Địa điểm Khu kinh tế thanh niên năm 1970 tại xã Minh Đài", thể hiện sự tri ân đối với các thế hệ cha, anh đi trước; tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích; đồng thời góp phần giáo dục, bồi đắp truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng và đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc cho thế hệ trẻ.
Hơn 53 năm về trước, vào tháng 2/1971, Khu kinh tế thanh niên được thành lập tại địa bàn 7 xã của huyện Thanh Sơn (nay là huyện Tân Sơn), trong đó lấy xã Minh Đài làm trung tâm. Khu kinh tế thanh niên đã thu hút 600 thanh niên từ các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phú, Hải Hưng, Nam Hà, Thái Bình, Hải Phòng và Hà Nội xung phong ngược núi làm nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng vùng kinh tế mới, học tập văn hóa, rèn luyện chính trị.
Với tinh thần nhiệt huyết và tình yêu Tổ quốc, những thanh niên ưu tú năm ấy đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, xung phong lên đường làm nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng vùng kinh tế mới, học tập văn hóa, rèn luyện chính trị. Tại đây, các thanh niên "vừa hồng, vừa chuyên" lao động, sinh hoạt theo công thức 8+2+2 (8 giờ sản xuất, 2 giờ học tập chính trị - văn hóa, 2 giờ luyện tập quân sự, thể dục thể thao).

Tấm bia ghi dấu tích ngày 20/9/1972 đế quốc Mỹ ném bom xuống Khu kinh tế thanh niên khiến 45 cán bộ đội viên thanh niên xung phong hy sinh. Nguồn: vietnam.vn
Trải qua chiến tranh, Khu kinh tế thanh niên đã hứng chịu nhiều mất mát, hy sinh của không ít thanh niên xung phong. Ngày 20/9/1972, máy bay Mỹ tập kích bất ngờ, ném 128 quả bom tấn và phóng nhiều tên lửa vào trung tâm khiến 45 cán bộ đội viên thanh niên xung phong hy sinh, 26 người bị thương. Ngay sau sự kiện này, ngày 30/9/1972, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã gửi thư chia buồn tới Khu kinh tế thanh niên. Sau sự hy sinh, mất mát của đồng đội, tập thể cán bộ, công nhân Khu kinh tế thanh niên đã biến đau thương thành hành động, không ngại nguy hiểm, khó khăn, gian khổ, tiếp tục nỗ lực lao động sản xuất, tuyển quân bổ sung, xây dựng lại cơ sở hạ tầng, tăng cường công tác tư tưởng và đẩy mạnh sản xuất, quyết tâm hoàn thành kế hoạch được giao.
Những người còn sống tiếp tục lao động sản xuất và chiến đấu, với tinh thần "con cháu Bác Hồ làm việc bằng hai để trả thù cho đồng chí, đồng đội". Trong thời gian ngắn, 500 ha đồi nương đã được khai phá, hệ thống giao thông hồ chứa nước và mương máng thủy lợi được xây dựng; 20.000 m2 nhà làm việc, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh xá… được xây mới; 27 ha ao hồ được đào mới để chăn nuôi, thả cá; trồng 240 ha chuối trên đồi; xây dựng hệ thống tưới tiêu với khối lượng đào đắp 52.000 m3 đất, chứa 800.000 m3 nước, làm 4 km đường trục chính; 20 km đường tạm cùng với mạng lưới điện thắp sáng, đài truyền thanh, gây được một số giống phục vụ sản xuất nông nghiệp như giống chuối tiêu đồi, dứa không gai, ngô lai, cây phân xanh, đàn lợn Móng Cái…
Năm 1976, Khu kinh tế thanh niên hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, diện tích trồng chè mới tăng 10%, diện tích trồng dứa mới tăng 50%, sản lượng dứa tăng 3 lần, sản lượng thịt lợn tăng 5 lần, nhà cửa bán kiên cố tăng 50% so với năm 1975…
Theo thời gian, khi cây chuối không còn phù hợp, Khu kinh tế thanh niên đã quyết định thử nghiệm đưa cây chè trồng trên đất đồi. 3 ha chè được nhân giống bằng phương pháp giâm cành lấy từ trại ươm Phú Hộ đã được trồng thí điểm trên đất đồi Minh Đài. Sau thời gian ngắn, cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, chứng tỏ khả năng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Từ Khu kinh tế thanh niên, cây chè được nhân rộng ra nhiều xã trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện Tân Sơn đã có trên 3.800 ha chè, trong đó trên 3.700 ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 11,8 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 43.000 tấn/năm.
Trên địa bàn hiện có hơn 160 cơ sở sơ chế, chế biến chè, trong đó có 7 cơ sở chế biến chè đen (công suất từ 5 tấn chè búp tươi/ngày trở lên), 158 cơ sở chế biến chè xanh với quy mô đa dạng. Giá trị mang lại từ cây chè đạt trên 100 tỷ đồng mỗi năm. Cây chè đang là cây giảm nghèo của địa phương, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa giải quyết việc làm cho nông dân.
Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Khu kinh tế thanh niên đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của các bộ, ngành trung ương. Đặc biệt, 45 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong hy sinh ngày 20/9/1972 đã được tặng Bằng Tổ quốc ghi công, 26 người được công nhận là thương binh. Năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ xếp hạng Khu kinh tế Thanh niên xã Minh Đài là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.
Tags