(Thethaovanhoa.vn) - Phần mộ của các nghĩa sĩ trong vụ “Hà thành đầu độc” cần được quy tập về một khu vực trang trọng và có ý nghĩa. Đó là những ý kiến trong cuộc tọa đàm vào cuối tuần qua, nhân kỉ niệm 110 năm sự kiện này.
Hơn một thế kỷ trước, ngày 27/6/1908, sự kiện “Hà thành đầu độc” là một mốc son về lòng ái quốc của những quân nhân người Việt (nằm trong quân đội Pháp). Vụ đầu độc hơn 200 lính Pháp chỉ là bước đầu tiên trong kế hoạch binh biến, phối hợp phá thành Hà Nội của những nghĩa sĩ này. Để rồi, khi kế hoạch thất bại, khoảng 13 -18 người (tùy nguồn tài liệu) trong số họ đã bước ra pháp trường đền nợ nước.
Do những biến động của lịch sử, những phần mộ này nằm rải rác tại các điểm khác nhau. Cụ thể, 3 nghĩa sĩ bị hành hình đợt đầu (đội Nhân, đội Cốc, đội Bình) bị đưa thủ cấp về bêu tại nguyên quán. Sau khi được nhân dân bí mật chôn giữ, hậu duệ đội Nhân đã đưa di thể của ông về an táng tại nghĩa trang Thanh Tước. Trong khi đó, di thể đội Bình được lập miếu thờ và chôn tại làng của ông, nay là xã Đội Bình (Ứng Hòa, Hà Nội).
Riêng những nghĩa sĩ bị hành hình các đợt sau (tạm cho là 9 người), thi hài của họ được vùi ở pháp trường Bãi Bàng. Sau đó, khi khu vực này được người Pháp quy hoạch làm xưởng dệt, các thi hài được chuyển về một ngôi mộ chung tại làng Nghĩa Đô (Cầu Giấy). Năm 1988, hậu duệ của một số nghĩa sĩ đã tìm được nấm mộ chung này.
Đáng nói, theo thời gian, phần mộ chung này hiện nằm trong vườn riêng của một gia đình ở làng Nghĩa Đô (Hà Nội). Hiện tại, vào dịp lễ Tết, hậu duệ gia đình các nghĩa sĩ vẫn phải vào đây thắp hương
***
Thực chất, năm 2008, nhân hội thảo kỷ niệm 100 năm “Hà thành đầu độc”, nhiều chuyên gia cũng đã nhắc việc quy tụ mộ của các nghĩa sĩ về một địa điểm chung, với đài tưởng niệm và sự vinh danh cần thiết. Như các phân tích khi đó, đây là một ý tưởng tích cực, tuy nhiên cũng khá phức tạp và nhạy cảm.
Theo nhiều chuyên gia, thay vì “dời các cụ đi”, cách tiếp cận hợp lý nhất là tổ chức quy hoạch lại không gian, tôn tạo và dựng đài tưởng niệm tại nơi có ngôi mộ chung (làng Nghĩa Đô) hiện tại cho nghĩa sĩ này.
Thời điểm ấy, nhà sử học Dương Trung Quốc đã gọi câu chuyện này là “một trăm năm vô lý”, khi mà Hà Nội chưa có một khu tưởng niệm xứng đáng với sự hi sinh của họ trong quá khứ. Để rồi, sự “vô lý” ấy đã bước đầu được khắc phục, khi vào tháng 8/2016, một khu tưởng niệm các nghĩa tham gia vụ “Hà Thành đầu độc” đã được xây dựng trong khuôn viên đài tưởng niệm liệt sĩ phường Nghĩa Đô, cách nơi có nấm mộ chung chừng 200 mét.
Khi ấy, trao đổi với người viết, ông Đoàn Văn Tiến (cháu ba đời của cụ bếp Hiên) rất xúc động, khi sự hi sinh của ông mình và các đồng chí đã được vinh danh. Dù vậy, ông vẫn bày tỏ tâm nguyện của mình: tới một ngày không xa, phần mộ của các nghĩa sĩ sẽ được đặt tại một vị trí xứng đáng và hợp lý, để hậu duệ của họ, cũng như nhân dân, có thể dễ dàng tìm tới hương khói.
Tâm nguyện ấy, khi được các chuyên gia nhắc lại tại cuộc tọa đàm vừa rồi, cũng đã trở thành tâm nguyện chung của rất nhiều người: không nên, và không thể để mộ phần của các nghĩa sĩ phải nằm “khuất nẻo” trong tư gia của người dân.
Vẫn biết, việc di dời phần mộ về vị trí hợp lý, (hoặc giải tỏa, quy hoạch lại không gian quanh vị trí hiện tại) là vô cùng phức tạp và cần có lộ trình. Nhưng, nếu không bắt đầu chuẩn bị từ bây giờ, chẳng lẽ câu chuyện ấy sẽ lại kéo ra thêm… vài chục năm nữa?
Sơn Tùng
Tags