Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Bộ đã chính thức có công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL gửi các Ban, Bộ, ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành, các cơ quan đơn vị yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ: Ở nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng.
Để góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, phát huy tinh thần yêu nước, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị và khuyến cáo các tổ chức, cá nhân: Không trưng bày, không sử dụng, cung tiến, biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Đồng thời tuyên truyền và vận động những nơi đang sử dụng tháo dỡ biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi các nơi công cộng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghị các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và đề xuất xử lý việc trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở các nơi công cộng, đặc biệt là các khu di tích lịch sử văn hóa tại địa phương.
Theo phản ánh của các cơ quan thông tin đại chúng, những năm gần đây, tại một số đình chùa, công sở Việt Nam xuất hiện nhiều linh vật, vật phẩm có tạo hình, hình thức không phù hợp, đáng chú ý là sư tử đá kiểu Trung Quốc đặt ở hai bên lối vào. Có người cho rằng những con sư tử đá này biểu trưng cho quyền lực, thể hiện sức mạnh của Phật giáo…
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của PGS, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học thì sư tử đá xuất hiện khoảng 3.000 năm trước, bắt nguồn từ người Ba Tư, các nước Tây Á cống nạp sư tử cho các triều đình phong kiến Trung Quốc. Từ đó, Trung Quốc du nhập sư tử đá vào lãnh thổ và biến nó thành linh vật canh mộ.
Trong khi đó, sư tử đá ở Việt Nam xuất hiện từ thời Lý, là linh vật biểu trưng cho sức mạnh Phật giáo. Sư tử đá của Việt Nam có tạo hình rất nuột nà, mềm mại, trang trí cực kỳ tinh mỹ, mang nhiều nét dân gian, có phần gần giống hổ hoặc lân, là những con sư tử dạng cách điệu.
Lý giải về sự xuất hiện của sư tử đá kiểu Trung Quốc tại các đình chùa, công sở, cơ quan tại Việt Nam, Viện trưởng Viện khảo cổ học Tống Trung Tín cho rằng đây là do sự thiếu hiểu biết của người dân, tin những thông tin đồn thổi về sự linh thiêng của sử tử đá như: có sư tử đá án ngữ sẽ bảo vệ gia chủ, sử tử đá giúp phát tài phát lộc… Trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng ông Tống Trung Tín khẳng định: Đây là thông tin sai sự thật.
Phát biểu trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: Trong văn hóa truyền thống của người Việt không có lệ đặt sư tử đá dập khuôn kiểu Trung Quốc trong chùa. Chùa triền là nơi thờ tự tôn nghiêm, ngoài bốn vật linh là Long, Ly, Quy, Phượng thì không nên xuất hiện những linh vật khác không phù hợp với văn hóa truyền thống...
Thanh Giang - TTXVN
Tags