Bàn giao di vật Hoàng Thành cho… Hoàng Thành

Thứ Tư, 05/01/2011 10:21 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Chiều tối qua, 4/1, tại Điện Kính Thiên (Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, HN), Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và UBND TP Hà Nội đã tổ chức Lễ bàn giao phòng trưng bày di vật tiêu biểu khu di tích Hoàng thành Thăng Long cùng với việc trao tặng toàn bộ hệ thống trang thiết bị của phòng trưng bày cho Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ, Hà Nội.

Nhân dịp này, TT&VH đã có cuộc phỏng vấn GS Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, người trực tiếp chỉ đạo trưng bày.

* Thưa ông, xuất phát từ đâu ông lại có ý tưởng xây dựng Lễ bàn giao phòng trưng bày di vật tiêu biểu khu di tích Hoàng thành Thăng Long?

- Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội cách đây hơn hai năm, Viện KHXH VN đã mượn lại tòa nhà Pháp cũ vốn là trụ sở của Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) trong khu thành cổ Hà Nội và đầu tư, sửa chữa làm nhà kho chứa các loại di vật khai quật được tại khu vực xây dựng nhà Quốc hội.

Sau khi công trình hoàn thành, chúng tôi đã đưa ra ý tưởng dùng tầng 1 của tòa nhà để trưng bày, giới thiệu một số di vật tiêu biểu nhằm tuyên truyền quảng bá về giá trị khu di tích này đồng thời phục vụ cho Đại lễ.

GS Đỗ Hoài Nam
* Về việc thiết kế trưng bày, nghe nói Viện đã phải mời hai chuyên gia nước ngoài giúp sức?

- Đúng vậy. Do tính chất đặc thù và để đạt hiệu quả cao trong việc trưng bày các loại di vật khảo cổ, một chương trình hợp tác giữa Viện KHXH VN với Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) về thiết kế và trưng bày đã được thực hiện với sự hỗ trợ của hai chuyên gia người Pháp là bà Christine Hemmet và bà Véronique Dollfus. Kinh nghiệm của họ đã được ghi nhận qua tính chuyên nghiệp, sáng tạo sắp đặt hoặc trùng tu nhiều bảo tàng Quốc gia tại Việt Nam như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam...

* Vậy hai nữ chuyên gia người Pháp đã xây dựng hồ sơ trưng bày như thế nào?

- Việc trưng bày được nghiên cứu xây dựng xoay quanh ba chủ đề chính là: lịch sử, kiến trúc và đời sống thường ngày của 5 giai đoạn lịch sử. Đồng thời, để tạo tính hiệu quả cao hơn, một phòng chiếu phim tài liệu được thực hiện trong quá trình khai quật cũng đã được thiết kế với trang thiết bị hiện đại.

Di vật về Hoàng thành trong phòng trưng bày
* Ông có thể cho biết về kết quả của hơn 1 năm trưng bày các di vật tiêu biểu của khu khu di tích Hoàng thành Thăng Long trước khi nó được bàn giao?

- Sau hơn một năm trưng bày (từ 7/2009 – 9/2010), 215 hiện vật tiêu biểu như phù điêu, tượng tròn và ngói lợp mái trang trí rồng, phượng của Hoàng thành Thăng Long xưa vốn được thiết kế với sự phô bày vẻ đẹp rực rỡ, tráng lệ bởi những đồ án trang trí mang tính vương quyền đã được lựa chọn, trưng bày. Chỉ tính riêng trong 20 ngày diễn ra Đại lễ, khu trưng bày đã phục vụ hơn 110 ngàn khách thăm quan.

* Xin cảm ơn ông.

Hoàng Mai (thực hiện)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›