Không biết canh cua nấu với rau đay, sao bị 'ném đá'?

Thứ Năm, 24/11/2016 07:09 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thứ Ba vừa qua, VTV phát sóng chương trình Ai là triệu phú? với phần trả lời câu hỏi đang khiến dư luận... tốn thì giờ.

Cụ thể, người chơi Phạm Thị Quyên, 24 tuổi đã phải dùng quyền trợ giúp ở ngay hai câu hỏi đầu tiên. Những câu hỏi này được mặc định là khá dễ với kiến thức phổ thông: El Nino là gì?; Người ta thường nấu canh cua với cái gì? (Những đáp án gợi ý của chương trình lần lượt có: Một hiện tượng thời tiết và rau đay).

Quyên đã dùng quyền trợ giúp hỏi ý kiến khán giả trong trường quay và gọi điện thoại cho người thân các câu hỏi trên. Phải nhờ sự giúp đỡ ấy, Quyên mới đi tiếp được tới các câu hỏi tiếp theo.

Tuy nhiên, đoạn video chỉ cắt riêng hai câu trả lời đầu của Quyên đã lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt. Và, người chơi Phạm Thị Quyên trở thành tâm điểm của những sự miệt thị, gay gắt của dư luận.


Thí sinh bối rối với câu hỏi "Người ta nấu canh cua với thứ gì?". Ảnh: cắt từ clíp

Đây không phải lần đầu, người chơi của chương trình Ai là triệu phú? bị "ném đá". Gần đây nhất, một nam thanh niên miền cũng đã phải nhờ sự trợ giúp của khán giả với câu hỏi: "Đâu là tên một loại mũ?". Trong phần lựa chọn câu trả lời có "lưỡi trai". Trường hợp khác, một cô giáo hiệu trưởng đã không biết nghĩa trang Hàng Dương ở tỉnh nào. Hoặc, một sinh viên đã không phân biệt được định lý Vi-et sử dụng trong bộ môn khoa học nào...

Trở lại với người chơi Phạm Thị Quyên, cũng phải nói lại cho rõ, còn nhiều chi tiết trong phần chơi của Quyên đã không xuất hiện trên video lan truyền trên mạng. Cụ thể, Quyên tự nhận mình nấu ăn vụng. Và, sau hai câu đầu lúng túng, Quyên đã thực hiện phần chơi không đến nỗi tệ rồi dừng lại ở câu hỏi thứ 8 (một ngưỡng trung bình của các màn chơi Ai là triệu phú?)

***

Câu hỏi: Tại sao dư luận lại bất bình đến vậy vì một người chơi gameshow truyền hình không trả lời được câu hỏi phổ thông?

Có lẽ, nhiều người đã coi Ai là triệu phú? là thước đo chuẩn của tri thức. Họ coi người chiến thắng Ai là triệu phú? đương nhiên là một người hiểu biết. Và, nhìn mức câu hỏi người chơi vươn tới là có thể đánh giá được kiến thức của một người. Hơn thế, những người chơi nào "trượt chân" ở những câu hỏi cơ bản đương nhiên là tri thức kém tệ hại...

Song, thực tế không hẳn vậy. Trường hợp của Phạm Thị Quyên là một ví dụ điển hình. Dư luận đã vội đánh giá Quyên vì không biết El nino, không biết rau đay phải nấu với canh cua. Nhưng, Quyên đã trả lời được những câu hỏi khác, khó hơn nhiều của chương trình. Và, ngay trong chương trình, nhiều người cũng đã trả lời sai trong câu hỏi El nino. Còn sau chương trình, nhiều người cũng hỏi: Rau đay là rau gì?

Hơn thế, lý thuyết luật chơi của Ai là triệu phú? đã được phân tích khá tỉ mỉ trong Triệu phú khu ổ chuột, một bộ phim đã giành 8 giải Oscar. Trong phim, một thanh niên khu ổ chuột, với mức độ giáo dục và trí thông minh không mấy nổi trội, đã lần lượt trả lời được tất cả các câu hỏi hóc búa của chương trình Ai là triệu phú phiên  bản Ấn Độ. Và cậu đã giành giải thưởng cao nhất.

Trường hợp của cậu lạ tới mức, chương trình đã phải nhờ cảnh sát vào cuộc để tra vấn nguyên nhân trả lời từng câu hỏi. Lý do lần lượt được đưa ra, bằng những câu chuyện của cuộc đời cậu, bằng những trải nghiệm cá nhân rất thật của cậu.

Tức là, bản thân luật chơi của Ai là triệu phú? tiềm ẩn rất nhiều yếu tố hên- xui. Những câu hỏi được lấy từ ngân hàng câu hỏi, rơi một cách ngẫu nhiên vào người chơi. Người may mắn sẽ nhận được những câu hỏi trong giới hạn kiến thức cũng như vốn sống. Và ngược lại.

Thế nên, dư luận có thể đánh giá Quyên là ẩu, là vụng khi không biết nấu canh cua. Dư luận có quyền trách Quyên vô tâm khi không quan tâm tới vấn đề El nino đang diễn ra. Song, việc dè bỉu, thậm chí "chụp mũ" về trình độ kiến thức thì có phần hơi nặng nề.

Kiến thức là vô bờ, ai trong chúng ta cũng có những vùng tối tưởng chừng cơ bản của tri thức. Nên, thay vì trách cứ, chúng ta thông cảm với những khoảng trống của người khác, và tự hoàn thiện mình. Điều này có lẽ cũng là cái đích cuối cùng của việc hun bồi tri thức.


Phần thi đáng nhớ của Phạm Thị Quyên

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›