Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923 - 1993), từ ngày 22/7 - 6/8, hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh (gọi tắt là Phạm Lê) gửi tới công chúng yêu mỹ thuật các tác phẩm của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên trong cuộc triển lãm tại TP.HCM.
Nhân cuộc triển lãm sẽ khai mạc tuần này, báo điện tử Thể thao và Văn hóa trân trọng giới thiệu bài viết của nhà phê bình mỹ thuật - họa sĩ Nguyễn Quân:
"Một nền vàng nhiều sắc khác nhau, chỗ sẫm, chỗ nhạt và đây đó gợn những vệt sáng ngang thấp như mặt bể từ cao xa nhìn tới, và những đường cong đồ sộ như gợi tráng hay mặt trời – với những miếng vàng dát vuông. Bức sơn mài có tiêu đề "Chân trời" vẽ năm 1982 - ở ranh rới lờ mờ của hội họa có hình và hội họa không hình.
Bên cạnh có bài thơ với mặt trời, hoa, chim hót... của Lý Thương Ẩn (813 – 858) mà nỗi buồn được coi là rất khó hiểu của "hạt châu nhỏ lệ" trên bể và "ngọc sinh khói" ở Lam Điền! Khó có thể nhận ra, hay không cần nhận ra thời tiết và khí hậu, ý và kết cấu ở tranh này… giống như thơ khó có thể "giải mã" tuyệt đối. Ta có thể thấy khói trên sông bể, nước và buồn nhớ là chắc chắn.
Một tranh khác cũng trong gam vàng tả núi ẩn trong mây xa gần, con đò lặng cắm sào – với tên tranh là "Thu Êm" và cũng lại có thơ Lý Bạch in kèm.
Một bức khác ngả gần hoàn toàn sang trắng tuyết với hai cây liễu bên bờ nước và một vầng trăng bạc lớn giữa nên trời thì được họa bằng một bài thơ của Vương Duy (699 – 759) và cũng rất gợi đến bức Giang Tuyết – tả tuyết băng trên sông lạnh của nhà thơ kiêm hoạc sĩ bậc đại gia ấy.
Cả loạt phong cảnh sơn mài với các gam màu vàng – trắng – nâu và những nét đen thoáng mạnh hay phẩy qua kiểu thư pháp, đủ gợi cây, nước, mái nhà và không khí là nhân vật chính, hoặc với những nét nhỏ đổi đậm nhạt nhiều theo kiểu thủy mặc… đi kèm với những tên tranh rất "thơ" đủ nói lên một liên hệ ngược mà tác giả rất thiết tha, đắc ý và nhấn mạnh, là truyền thống "thi trung hữu họa – họa trung hữu thư" của Á Đông mà tiêu biểu nhất là Thờ Đường, Tranh Tống – Nguyên. Trong sự xa quê, nhớ nhà người ta, ai đã thích thơ, họa cổ Trung Hoa đều tự thấu mình trong đó. Cái man mác, lặng lẽ, ấm lạnh chỉ ngấm dần. Bức "Vỗ Cánh" sơn mài (50 x 110cm) như kiểu tranh dọc cũng lại có một vầng vàng lớn, một cánh hạc trắng và một vệt sáng ngoài tít biển xa. Một chứ không phải hai con hạc trắng bay về Bồng Lai chăng?
Một loại tranh khác thường thấy của Trần Phúc Duyên, chỉ rõ nguồn gốc cựu học sinh Mỹ thuật Đông Dương là các tranh một tấm hay bình phong nhiều tấm vẽ "Chùa Sài Sơn", Hàng Cau hay Hương Đêm, Mùa Gặt. Ở đây có làng xóm, mái nhà tranh, có con mương nhỏ, lũy tre, hàng cau với vầng trăng, cây chuối, những chiếc thuyền nan, cây đu đủ, những nếp nhà sàn, nền nước đỏ lựng với cái cầu ao, vài cây khoai nước, những cô thôn nữ gánh lúa yểu điệu trên đường làng ngày mùa… Cũng như những họa sĩ cùng trường đi trước và sau mình – họa sỹ kết hợp được cái tả thực Châu Âu với cái trang trí Việt Nam cổ, chất liệu thì sơn mài còn tinh thần có vẻ tiền chiến. Có lẽ có cả chất Tự Lực Văn Đoàn, với Thạch Lam, Nguyễn Bính ở đây chăng? Và cũng có thể nghĩ rằng cái sự giao duyên – có hơi làm dáng giữa Đông và Tây bằng tình thơ ngây trong sáng của thi sinh thị thàng rất được vả ta lẫn người nước ngoài yêu quý, khích lệ. Song ở Trần Phúc Duyên dù qua phiên bản vấn có thể thấy ông không lợi dụng thế lợi đó để làm duyên, ra vẻ trữ tình hay triết học mà có tình thực lan tỏa tronh tranh và nhưng suy tư, đau khổ hay nhớ nhung đáng quý trọng.
Ông thử từ những tranh sát tới biên giới không hình, trừu tượng và cả những tranh thuần trang trí khá sặc sỡ vẽ cá vàng hay hoa sen, cành trúc. Có thể thấy một sự thống nhất trong những bức họa rất khác nhau với kỹ thuật rất kỹ càng, điêu luyện mà phóng khoáng của ông.
Trần Phúc Duyên sinh năm 1923 tại Hà Nội, tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương 1946, đã từng tham gia các triển lãm của các họa sỹ Việt Nam ở nước ngoài. Từ năm 1954 ông ở Paris và thường lui tới xưởng họa của Souverbie thuộc trường mỹ thuật ở đó. Người Paris phát hiện ra ông từ năm 1964 với sự tham gia triển lãm của Câu Lạc bộ Gió Bốn Phương (Club des 4 vents). Từ năm 1968 ông mở xưởng ở Jegenstorf – gần Berne – Thụy Sỹ. Ông có tranh trong các galerie và bảo tàng ở Mandrid, Barcelona, Paris, Geneve, Zurich, Lugano, Bern... và nhiều sưu tập tư nhân các nơi.
Hội họa của ông là một nỗi nhớ quê hương, một mối tình đáng trân trọng. Và xin trích một câu của P. Vercoustre, người bạn biết ông từ 1955 về nghệ thuật của họa sỹ: "… và chúng ta phát hiện ra rằng cái không biết được sống động hơn nhiều và chính xác hơn nhiều so với cái ta có thể biết được".
Hơn 20 năm, di sản tranh của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên hầu như bị lãng quên trong một tòa lâu đài ở ngoại ô thủ đô Bern (Thụy Sĩ), cho tới năm 2018 mới được hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh (gọi tắt là Phạm Lê) tình cờ khám phá.
Bằng tình yêu tha thiết với mỹ thuật Việt, Phạm Lê gặp may khi có những bức tranh của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên đã bán nhưng sau khi mang về nhà, người mua lại treo không vừa hoặc hợp với không gian phòng khách nên trả lại.
Triển lãm "Họa duyên tương ngộ" từ 22/7 tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San (189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, TP. Thủ Đức, TP. HCM).
Tags