(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 20/12/2018, bình chọn Nhà hát hay nhất (và tệ nhất) tại châu Âu năm 2018 của tờ The New York Times đã xếp vở kịch Sài Gòn (kịch bản và dàn dựng: Caroline Guiela Nguyễn) vào nhóm những tác phẩm hay nhất. Ngày 21/12/2018, tạp chí phê bình nghệ thuật danh tiếng Hyperallergic đã xếp triển lãm Skin On Skin của Dinh Q.Lê vào Top 20 triển lãm hàng đầu thế giới năm 2018. Hai tác phẩm khác thể loại, chất liệu, nhưng có một điểm chung, đó là có hình thức và thủ pháp nghệ thuật khá mới mẻ.
1. Ra mắt tại Pháp, vở kịch Sài Gòn của Caroline Guiela Nguyễn (sinh 1981 tại Pháp, gốc Việt) đang có chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới, trong đó có TP.HCM, thu hút người xem bất cứ nơi đâu.
Về nội dung, đây gần như là các tự truyện đa diện của người Pháp, người Việt, người Pháp gốc Việt và Việt kiều bị bứng ra khỏi hoàn cảnh đang sống của mình, phải sống như tạm có mặt tại Pháp trong khoảng 1956-1996. Họ cùng rời Việt Nam vào năm 1956, khi chiến tranh kết thúc, rồi dần dần trở lại Việt Nam từ năm 1996, với bao nhiêu tâm sự ngổn ngang, buồn vui và hạnh phúc lẫn lộn.
Về dàn dựng, Caroline Guiela Nguyễn chủ đích dùng 11 diễn viên chuyên và không chuyên, họ gồm người Pháp, người Việt và Việt kiều, như chính bối cảnh lịch sử của câu chuyện nền. Sân khấu được dàn dựng theo kiểu dàn trải chiều rộng, một mặt cắt ba bối cảnh cố định, gần như không chuyển cảnh, nên khán giả vừa nhận ra sự đổi thay sau nửa thế kỷ, vừa như thấy mọi việc vẫn còn nguyên như vậy. Cách dàn dựng này tạo nên hiệu quả rất tốt, vì trong tâm trạng của nhiều người, quá khứ và hiện tại vẫn có một mối liên hệ chặt chẽ.
Nếu so về thủ pháp nghệ thuật, cách dàn dựng, kịch Sài Gòn rất đáng để các sân khấu trong nước rút tỉa ý tưởng, kinh nghiệm. Gần nửa thế kỷ qua, dù có những thể nghiệm và đổi mới, nhưng nhìn chung sân khấu trong nước đã quá cũ, vẫn là những thủ pháp từ kịch Pháp và kịch Nga ở nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước.
Cũng với nội dung và thông điệp như đã có, nếu Sài Gòn được dàn dựng theo lối cũ này thì chắc khó thu hút được khán giả ngày nay, chứ đừng nói được The New York Times xếp hạng kịch hay.
2. Khác với Caroline Guiela Nguyễn về khía cạnh “gương mặt mới”, Dinh Q.Lê (sinh 1968 tại Hà Tiên, 2 quốc tịch Mỹ/Việt) là một trong những nghệ sĩ đương đại nổi tiếng khắp thế giới hiện nay. Hơn 10 năm gần đây, khi trở về Việt Nam sống và làm việc, những tác phẩm mỹ thuật của anh càng được thế giới chào đón, gần như xuất hiện ở hầu khắp các bảo tàng, sự kiện, không gian đương đại danh giá bậc nhất thế giới.
Triển lãm Skin On Skin tại phòng tranh 10 Chancery Lane ở Hong Kong (Trung Quốc) hồi tháng 3/2018 là “một nhánh” của triển lãm cùng tên, đã từng xuất hiện ở vài nơi danh giá như vậy. Với thông điệp là “da dưới da”, những tác phẩm trong triển lãm này như là cách bày tỏ quan điểm về vấn đề tình dục trên mạng Internet.
Từ những bức ảnh bị loại bỏ khỏi trang mạng trong suốt 20 năm qua, Dinh Q.Lê tìm một cách thức và ngôn ngữ phù hợp để hồi sinh chúng. Vì nghệ sĩ này tin rằng, bên cạnh những tiêu cực, chính Internet cũng đã góp phần đáng kể vào giải phóng tình dục, tự do thân thể ở nhiều nơi trên thế giới.
Vốn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh có hơn 25 năm kinh nghiệm, nhưng Skin On Skin không chỉ là nhiếp ảnh, mà là sự hòa trộn nhiều kỹ thuật phức tạp, tinh tế, trong đó cắt ghép, in ấn, tạo hiệu ứng màu… Thật khó để diễn đạt một câu ngắn về chất liệu và ngôn ngữ của Dinh Q.Lê, nên tạm gọi là đa phương tiện.
Nhìn vào cách đánh giá 20 triển lãm của tạp chí cấp tiến Hyperallergic, rõ ràng cách sáng tạo về ngôn ngữ, chất liệu được đề cao ngang bằng, thậm chí ưu trội hơn cả nội dung, thông điệp. Nếu Dinh Q.Lê chọn nhiếp ảnh thuần túy, hoặc tranh vẽ, thì thật khó diễn tả được tinh thần “da dưới da” của tác phẩm này.
Từ hai bảng xếp hạng này, với hai tác phẩm liên quan trực tiếp và gián tiếp tới Việt Nam, nghệ thuật đương đại Việt có lẽ cũng nên nhìn lại mình, cần đổi mới và cập nhật thêm các ngôn ngữ, các thủ pháp thể hiện, để hòa mình được vào dòng chảy chung.
Nếu không có được cách thể hiện mới hoặc độc đáo, thì dù nội dung tư tưởng có sâu sắc đến đâu, sự lạc hậu về hình thức và thủ pháp nghệ thuật là khó tránh khỏi.
Văn Bảy
Tags